A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người dân xã nghèo đổi đời thành tỷ phú nhờ sâm Ngọc Linh

Từ xưa, cây sâm Ngọc Linh được xem là cây thuốc giấu của bà con xã Măng Ri (Tu Mơ Rông, Kon Tum). Hơn 5 năm phát triển, cây sâm này đã giúp cho bà con người Xơ Đăng đổi đời.

Xã Măng Ri được xem là "ốc đảo" của huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum), nằm trên độ cao khoảng 2.000 m so với mực nước biển.

Nơi đây được biết đến là "thủ phủ" của dược liệu quý như hồng đẳng sâm, đương quy, sơn tra, ngũ vị tử… Đặc biệt, cây sâm Ngọc Linh đã được Chính phủ đánh giá là "Quốc bảo" của Việt Nam.

Từ bài thuốc giấu

Dãy núi Ngọc Linh giáp ranh giữa 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Nơi đây quanh năm sương mù bao phủ, những người lên được đỉnh núi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Từ đây, người dân Xơ Đăng luôn truyền tai nhau về một bài thuốc bí truyền trên đỉnh núi.

 

Theo người dân bản địa, cây sâm Ngọc Linh được xem là thần dược giúp người ốm nhanh khỏe, chữa sốt rét, đau bụng... Cây thuốc quý ấy đã giúp người dân vượt qua cái rét thấu xương ở nơi rừng thiêng, nước độc trên đỉnh Ngọc Linh. Mãi đến những năm 1970, cây thuốc quý này mới thực sự được đoàn công tác do dược sỹ Đào Kim Long dẫn đầu tìm thấy trên đỉnh núi Ngọc Linh.

 

Nhận thấy những giá trị lớn về kinh tế từ cây sâm Ngọc Linh, UBND tỉnh Kon Tum đã có dự án Bảo tồn phát triển sâm Ngọc Linh từ năm 2005. Dự án này được triển khai trên địa bàn 7 xã thuộc 2 huyện Tu Mơ Rông và huyện Đăk Glei.

Mục tiêu của dự án nhằm bảo tồn nguồn gen sâm Ngọc Linh, cung cấp giống, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số trồng trong vùng dự án. Đồng thời, khuyến khích người dân trồng và xem đây là cây xóa đói, giảm nghèo.

Thông qua đó, chính quyền cũng mong muốn bà con sẽ nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ cây thuốc quý.

 

Xác định cây sâm Ngọc Linh là cây "xóa đói giảm nghèo" chủ lực của bà con đồng bào địa phương, trong 5 năm gần đây, huyện Tu Mơ Rông đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp cùng phát triển cây sâm Ngọc Linh.

Đến nay, toàn huyện đã phát triển hơn 800 ha dược liệu các loại. Trong đó, có gần 145 ha sâm dây, 625,2 ha sâm Ngọc Linh do nhiều doanh nghiệp, đơn vị và nhân dân cùng trồng. Ngoài ra, cây sơn tra và ngũ vị tử cũng được trồng nơi đây.

Trên địa bàn xã Măng Ri đang triển khai 7 mô hình liên kết và đã trồng được 126.000 cây sâm Ngọc Linh do Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh tỉnh Kon Tum đầu tư.

Trong đó, 7 mô hình liên kết trồng 87.000 cây; các hộ dân tham gia mô hình liên kết trồng 39.000 cây. Dự án được triển khai chủ yếu trên 2 tiểu khu 217; 218.

Tại hội nghị về đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác diễn ra năm 2018, Chính phủ đã đánh giá sâm Ngọc Linh là món quà mà núi rừng đã ban tặng cho con người.

Có thể nói Sâm Ngọc Linh còn quý hơn vàng vì ngoài những giá trị về sức khỏe, còn ẩn chứa những tiềm năng kinh tế to lớn. Sâm Ngọc Linh được xem là thuốc quý và đưa lại những hy vọng mới của Việt Nam trong ngành dược liệu.

Làng nghèo thành tỷ phú

"Ốc đảo" Măng Ri nằm trong một lòng chảo, bao quanh bởi dãy núi Ngọc Linh cao khoảng 2.000 m. Vì địa hình đồi núi cao nên người dân bản địa Xơ Đăng đều sống dựa vào những cánh ruộng bậc thang. Cuộc sống kinh tế của bà con cũng bấp bệnh, gặp nhiều khó khăn.

Năm 2015, nhiều doanh nghiệp đã vào thực hiện dự án trồng sâm Ngọc Linh tại xã Măng Ri. Hàng trăm người dân trên địa bàn xã đều được tuyển dụng vào chăm sóc vườn sâm cho doanh nghiệp.

Nhận thấy những giá trị kinh tế cao, người dân cũng mạnh dạn vay vốn chính sách để trồng sâm trên đỉnh Ngọc Linh.

Dẫn chúng tôi đến thăm vườn sâm Ngọc Linh của mình, anh A Chung (sinh năm 1981, Bí thư Chi thôn Đăk Dơn) không khỏi vui mừng trước gia tài tiền tỷ của mình đang dần lớn lên trên đỉnh Ngọc Linh. 

Anh A Chung bộc bạch: "Xưa kia, người dân chỉ nghĩ cây sâm này tốt và đi tìm trên rừng về để dùng chữa bệnh hoặc bán với giá rất rẻ".

Từ năm 2015, các doanh nghiệp đã mở dự án trồng sâm nên đã tuyển dụng người dân vào làm. Thông qua đó, người dân cũng biết kỹ thuật và mạnh dạn mang giống về trồng.

Mỗi hộ dân khi được doanh nghiệp thuê vào chăm sóc và bảo vệ rừng sâm sẽ được nhận thù lao từ 3- 4 triệu đồng/tháng. Đồng thời, mỗi năm doanh nghiệp sẽ hỗ trợ 100 cây giống sâm Ngọc Linh/1 hộ gia đình cho người dân trồng.

Chính vì vậy, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Măng Ri đã sở hữu những vườn sâm Ngọc Linh tiền tỷ. Người ít thì khoảng vài trăm cây, người nhiều lên đến hàng nghìn cây. Tuy nhiên, người dân bản địa rất ít khi chia sẻ với người khác về số lượng và vị trí mình trồng sâm vì sợ mất trộm.

Anh A Chung cho biết: "Nhà tôi có 3 đời chăm dược liệu cho một công ty lâm nghiệp. Đến năm 2015, tôi mới mạnh dạn đầu tư vốn để trồng thử nghiệm sâm Ngọc Linh mà công ty đã hỗ trợ giống".

Dựa vào kinh nghiệm chăm sóc đã được học, giờ đây mỗi năm gia đình anh đã thu hàng trăm triệu đồng từ việc bán lá, cây giống.

Năm vừa rồi, gia đình anh A Chung đã bán được hơn 200 cây giống (khoảng 300 nghìn đồng/cây) cho người dân trên địa bàn. Ngoài ra, A Chung còn bán lá sâm và hạt giống cây sâm để cho khách hàng từ phương xa cần mua.

Anh đang sở hữu khoảng 300 cây sâm Ngọc Linh 5 năm tuổi. Khi đạt 7 năm tuổi, những cây sâm này sẽ có giá khoảng 100 triệu đồng/kg.

Giá của những củ sâm này cũng sẽ phụ thuộc vào năm tuổi và trọng lượng mỗi củ. Giá cao nhất có thể lên đến 250 triệu đồng/kg.

Gia đình anh A Chen (sinh năm 1988, làng Chung Tam, Măng Ri) trước đây đều làm lúa. Từ sau khi các doanh nghiệp thuê để chăm sóc và canh giữ vườn sâm, anh chuyển hẳn sang nghề này và có thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng.

Đồng thời, doanh nghiệp đã hỗ trợ mỗi năm 100 cây giống để anh trồng trên đỉnh Ngọc Linh. Với sức khỏe và khát vọng làm giàu, anh A Chen mạnh dạn đầu tư trồng thêm 500 cây.

Anh đã sở hữu khoảng 1.000 cây sâm Ngọc Linh. Mỗi mùa anh đều thu lá để dự trữ và hạt để ươm rồi trồng nhằm phát triển thêm diện tích cây.

Trao đổi với PV, ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum cho biết: "Với việc phát triển trồng dược liệu nói chung và cây sâm Ngọc Linh nói riêng,  bước đầu đã tạo ra nguồn thu rất lớn cho người dân bản địa".

Cũng theo ông Võ Trung Mạnh, hiện có đến 80% hộ dân người Xơ Đăng ở xã Măng Ri đang trồng, phát triển sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu. Đa số người dân đều nhận chăm sóc và liên kết với doanh nghiệp để phát triển cây sâm Ngọc Linh.

 

Nguồn: dantri.com.vn  

Tác giả: Nguồn: dantri.com.vn  
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 127
Hôm qua : 303