A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tu Mơ Rông khai thông nguồn lực, thu hút đầu tư, tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng

Là huyện vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum đề ra chủ trương, triển khai nhiều giải pháp nhằm khai thông tiềm năng, huy động tối đa các nguồn lực, thu hút đầu tư, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội

Huyện Tu Mơ Rông nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Kon Tum, giáp với tỉnh Quảng Nam, được thành lập tháng 6-2005, với tổng diện tích tự nhiên 85.760 ha, dân số trên 27.200 người, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 95%, chủ yếu là dân tộc Xơ Đăng. Đây là 1 trong 56 huyện nghèo thuộc 19 tỉnh trong cả nước đang được hỗ trợ áp dụng các cơ chế, chính sách theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, ngày 27-12-2008 của Chính phủ. Vượt lên những thách thức, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Tu Mơ Rông tập trung lãnh đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Là huyện miền núi với độ cao trên 1.500 mét so với mặt nước biển, Tu Mơ Rông có địa hình phức tạp, giao thông cách trở, thường bị chia cắt về mùa mưa, khí hậu khắc nghiệt, luôn phải đối mặt với thiên tai. Khi mới thành lập, cơ sở hạ tầng về kinh tế – xã hội, nhất là giao thông nông thôn vô cùng khó khăn, có xã cách xa trung tâm huyện cả nửa ngày đi bộ; tỉ lệ đói nghèo tới 76%, thu nhập bình quân đầu người theo giá trị thực tế chỉ đạt hơn 1,63 triệu đồng/năm, thu ngân sách trên địa bàn năm 2010 chỉ đạt 6,223 tỷ đồng.

Trước hàng loạt khó khăn của một huyện khi mới được thành lập, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, thống nhất, chung sức, chung lòng, quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách, Đảng bộ và đồng bào các dân tộc huyện Tu Mơ Rông chủ động, tích cực, tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, giúp đỡ của Tỉnh ủy, của Trung ương, các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp nên trong những năm qua, kinh tế – xã hội của huyện đạt được nhiều thành tựu, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Kết quả nổi bật là, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, từ đó, mức thu nhập bình quân đầu người tăng từ 13,5 triệu đồng/người năm 2015 lên 27,3 triệu đồng/người năm 2020; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng dần qua các năm, đến năm 2020 đạt 52,635 tỷ đồng, thu ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2015 – 2020 đạt 47,660 tỷ đồng, đạt trên 183% so với giai đoạn 2010 – 2015; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người có công, người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội ngày càng được cải thiện. Tỉ lệ hộ nghèo hằng năm giảm từ 6 – 8%, hiện nay đã cơ bản xóa hết hộ đói. Công tác giải quyết việc làm và đào tạo nghề đạt được những kết quả khả quan; văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được quan tâm đầu tư; bản sắc văn hoá dân tộc được chú trọng gìn giữ, bảo tồn và phát huy.

Giới thiệu quy trình trồng, chăm sóc cây sâm Ngọc Linh ở Kon Tum

Các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực được quan tâm chỉ đạo phát triển, trong đó, sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển dược liệu làm trung tâm. Đến năm 2020, diện tích cây dược liệu là 726 ha, tăng 706 ha so với năm 2015. Đặc biệt, cây sâm Ngọc Linh hiện phát triển trong dân đạt trên 25,2 ha; cây Hồng đẳng sâm là 125,7 ha; cây Đương quy là 38,9 ha; cây Ngũ vị tử là 31,8 ha; cây Sơn tra là 37,3 ha. Huyện tổ chức giới thiệu địa điểm cho 10 doanh nghiệp, đơn vị trồng và phát triển sâm Ngọc Linh tham gia đầu tư vào liên kết sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản dược liệu trên địa bàn. Huyện chủ trương khuyến khích phát triển và đã hình thành 9 tổ hợp tác, 15 hợp tác xã, xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết trồng, sản xuất và chế biến dược liệu, góp phần hình thành chuỗi liên kết giá trị từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo thị trường ổn định và nâng cao giá trị sản xuất; đăng ký nhãn hiệu cho 3 sản phẩm và đang tiến hành hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký cho các sản phẩm đặc trưng của huyện về nhãn mác, mã số, mã vạch và thí điểm đăng ký một số sản phẩm đặc hữu, nổi trội.

Thành tựu nổi bật của huyện Tu Mơ Rông những năm qua là chủ động, tích cực khai thông, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Giai đoạn 2015 – 2020, đã ưu tiên bố trí nguồn vốn để đầu tư xây dựng một số công trình giao thông tại khu trung tâm hành chính; nâng cấp sửa chữa các công trình như trụ sở làm việc các cơ quan cấp huyện, quảng trường trung tâm, nhà rông văn hóa huyện, xây dựng khuôn viên cây xanh, vườn hoa trước tuyến đường số 1, bố trí xây dựng một số hạng mục công trình khu vực chợ trung tâm huyện; thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng bằng hình thức xã hội hóa chợ trung tâm, khu liên hợp thể thao, bố trí quy hoạch khu dân cư… Lập quy hoạch chi tiết khu dân cư phía Nam trung tâm huyện với diện tích 60 ha, quy hoạch chi tiết khu công cộng – dịch vụ với diện tích 120 ha ; các tuyến giao thông liên xã được đầu tư, nâng cấp; nhiều công trình, cụm công trình thủy lợi được đầu tư, sửa chữa. Đặc biệt, đường giao thông đi các tới các thôn, làng vùng sâu, vùng xa đã bảo đảm được 2 mùa, nhiều khu sản xuất tập trung được đầu tư xây dựng đường giao thông thuận tiện; nhiều mô hình, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất về dược liệu được hình thành; hạ tầng lưới điện, thông tin, truyền thông, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, thể thao, du lịch được xây dựng, hoàn thiện.

Giải pháp khai thông nguồn lực, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tu Mơ Rông lần thứ XVII, (nhiệm kỳ 2020 – 2025) Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Tu Mơ Rông phát huy những thành tựu đạt được, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gắn với phát triển cây dược liệu, nhằm không ngừng nâng cao thu nhập, ổn định sản xuất, đời sống của nhân dân, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế – xã hội của huyện trong thời kỳ mới.

Huyện Tu Mơ Rông trên đường kiến thiết, xây dựng kết cấu hạ tầng

Phấn đấu đến năm 2025, thu ngân sách nhà nước tại địa bàn đạt từ 60 -70 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng trở lên; sản lượng cà phê đạt trên 2.470 tấn, mì trên 28.220 tấn, sâm Ngọc Linh đạt 1.010 ha, dược liệu khác 861 ha; phấn đấu có 3 xã là: Măng Ri, Ngọc Lây, Đắk Rơ Ông đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt trên 15 tiêu chí; phấn đấu cuối nhiệm kỳ, xã Đăk Hà cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại V; tỷ lệ độ che phủ của rừng trên địa bàn huyện đạt trên 67%; 70% trường học đạt chuẩn quốc gia; 100% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia và có bác sĩ;  từ 80-85% số làng được công nhận là làng văn hóa; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm từ 6-8%; trên 84% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% hộ dân được dùng điện lưới quốc gia.
 
Với tinh thần vượt khó, chủ động, sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân huyện Tu Mơ Rông tranh thủ mọi nguồn lực, lãnh đạo tiếp tục phát triển kinh tế – xã hội nhanh, hiệu quả và bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng tăng trưởng. Trong giai đoạn 2020 – 2025, Đảng bộ huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện ba chương trình trọng tâm, đó là: xây dựng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông các xã vùng sâu, vùng xa; đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến và du lịch.
 
Để thực hiện thành công mục tiêu trên, Đảng bộ huyện Tu Mơ Rông tập trung đẩy mạnh thực hiện những giải pháp trọng tâm sau:
 
Thứ nhất, xây dựng quy hoạch chiến lược và các chính sách phát triển của huyện được đặt trong quy hoạch tổng thể tỉnh Kon Tum, quy hoạch khu vực Bắc Tây Nguyên, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với quy hoạch ngành, lĩnh vực… Phát triển kinh tế huyện theo hướng liên kết mở, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương, đẩy mạnh hội nhập với các địa phương trong khu vực, tăng cường hợp tác với các địa phương trong vùng và cả nước, sớm đưa Tu mơ Rông thoát khỏi huyện nghèo.
 
Thứ hai, tập trung nghiên cứu để thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển hợp lý cả chiều rộng và chiều sâu, huy động, sử dụng tốt mọi nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái. Từng bước điều chỉnh tạo sự phát triển hài hòa, hợp lý giữa các vùng trong tỉnh, thu hẹp dần về khoảng cách và mức sống giữa các tầng lớp dân cư trong huyện, chú trọng công tác giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, ổn định xã hội, tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc. Thúc đẩy mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo nhằm tận dụng tốt mọi cơ hội phát triển.
 
Thứ ba, đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội, đặc biệt chú trọng giao thông, các tuyến đường quốc lộ: 40B, Ngọc Hoàng – Măng Bút; đường tỉnh lộ nối quốc lộ 40B với xã Đắk Pờ Xy, Đắk Hà; đường Hồ Chí Minh nối với xã Đắk Na; các tuyến đường kết nối với các huyện trong tỉnh và với tỉnh Quảng Nam. Bố trí, cân đối nguồn vốn đầu tư hạ tầng thương mại, xây dựng phát triển chợ trung tâm huyện, các cửa hàng thương mại tại trung tâm các xã; hệ thống cửa hàng trải rộng khắp các thôn, làng; xây dựng, nâng cấp hệ thống trường học, trạm y tế, nhà văn hóa ở các thôn, bản vùng sâu, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đáp ứng nhu cầu sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, thay đổi diện mạo nông thôn tại các địa phương, góp phần thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội tổng thể trên địa bàn huyện.
 
Thứ tư, tiếp tục cụ thể hóa các cơ chế, chính sách, nhất là huy động nguồn vốn, công nghệ và sự tham gia của các doanh nghiệp có tiềm lực trong liên kết trồng, thu mua, chế biến dược liệu. Hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ để liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, bảo đảm sản xuất có đầu ra và sản xuất ra dược liệu có chất lượng. Đẩy mạnh việc giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất để phát triển dược liệu. Đồng thời, tiếp tục triển khai thí điểm giao rừng, cho thuê rừng đặc dụng để phát triển Sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác, bảo đảm lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân theo hướng người dân có đất và giữ rừng phải được hưởng lợi xứng đáng. Tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp và thống nhất giới thiệu vị trí cho 4 tập đoàn, công ty tìm hiểu cơ hội đầu tư nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch khu trồng và phát triển dược liệu tại 7 xã gồm: Đắk Hà, Tu Mơ Rông, Văn Xuôi, Ngọc Yêu, Ngọc Lây, Tê Xăng, Măng Ri. Đồng thời, làm cầu nối kết nối cho các doanh nghiệp đang phát triển dược liệu hợp tác, liên kết với nhau để phát triển thành vùng nguyên liệu dược liệu, xây dựng Tu Mơ Rông trở thành vùng trọng điểm dược liệu của tỉnh.
Thứ năm, tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc để đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với các loại dược liệu. Là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu mát mẻ quanh năm, đây còn được thiên nhiên ban tặng nhiều phong cảnh đẹp, hùng vĩ mang đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên với những cánh rừng nguyên sinh, nhiều thác nước tự nhiên vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ như: khu du lịch sinh thái Ngọc Linh, Di tích lịch sử cách mạng Căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum tại xã Măng Ri, thác nước đa tầng tại xã Tê Xăng, thác Siu Puông ở xã Đắk Na, hồ thủy điện Đắk Psi, ruộng bậc thang xã Măng Ri…
 
Nguồn: báo VHDN  

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2
Hôm qua : 128