A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

An cư cho vùng tái định cư [Bài 1]: Thoát nỗi lo ‘núi đè, sông nuốt’

Những khu tái định cư với đủ đầy tiện nghi đã giúp cho hàng ngàn hộ dân vùng Bắc Tây Nguyên an tâm làm ăn, vĩnh viễn thoát khỏi nỗi lo ‘núi đè, sông nuốt’.

Những khu nhà tái định cư dần được mọc lên. Ảnh: Đăng Lâm.

Những khu nhà tái định cư dần được mọc lên. Ảnh: Đăng Lâm.

An cư bên “dòng sông năng lượng”

“Dòng sông năng lượng” mang tên Sê San huyền thoại được chặn dòng, tạo nên một lòng hồ thủy điện với diện tích mặt nước rộng lớn. Nơi đây cũng tập trung rất nhiều loài thủy sản đặc hữu, một thời được xem là sản vật tiến Vua của vùng sông nước Tây Nguyên như cá lăng, cá anh vũ, cá Si-a-nuk…

Năm 2019, một vài hộ dân đầu tiên từ vùng sông nước miền Tây Nam bộ lên đây, làm những ngôi nhà bè và lênh đênh trên mặt hồ, mưu sinh bằng nghề chài lưới. Tiếng lành đồn xa để rồi không lâu sau đó, xóm chài miền Tây trên lòng hồ thủy điện Sê San đã là nơi quần tụ của 29 hộ dân sinh sống bằng nghề đánh bắt cá nước ngọt.

Cuộc sống của 29 hộ dân nói trên không thể nói là túng thiếu về mặt vật chất, bởi sản vật trời ban cho dòng sông này hết sức phong phú, cộng với kinh nghiệm sông nước tự ngàn đời của người miền Tây Nam bộ, đã mang đến cho họ một cuộc sống tương đối đủ đầy.

Tuy nhiên, những ngôi nhà bè lênh đênh trên sông nước ẩn chứa bao sự hiểm nguy, rồi vấn đề vệ sinh, đặc biệt là con em của họ không được đến trường, phụ nữ sinh nở thiếu sự chăm sóc của cán bộ y tế…

Cách đây 5 năm, khu tái định cư làng chài Ia Tơi (thuộc thôn 7, xã Ia Tơi, huyện Ia H’drai, tỉnh Kon Tum) đã được huyện Ia H’drai xây dựng. Với địa hình bằng phẳng, lại nằm dọc trục đường chính với diện tích hàng chục ha, đây là nơi an cư của 29 hộ dân một thời lênh đênh trên lòng hồ thuỷ điện Sê San.

Tại đây, 29 căn nhà được xây dựng khang trang, xung quanh trồng nhiều cây ăn trái. Mỗi sáng sớm, từng đoàn người chở cá từ hồ về, nhiều người khác lại tất bật chở con đến trường. Một không khí náo nhiệt đang hiện hữu ở khu tái định cư làng chài của những người miền Tây nơi núi rừng Tây Nguyên.

Những căn nhà tái định cư ở xã Ia Tơi. Ảnh: Lê Khánh.

Những căn nhà tái định cư ở xã Ia Tơi. Ảnh: Lê Khánh.

Căn nhà tái định cư của anh Nguyễn Hồng Phúc (37 tuổi, thôn 7, xã Ia Tơi) xây dựng từ năm 2019 với diện tích trên 40m2, tổng kinh phí đầu tư hết 150 triệu đồng. Trong đó, có 50 triệu đồng do nhà nước hỗ trợ, số còn lại anh tự huy động. Vì cuộc sống khó khăn nên 8 năm trước, anh Phúc bỏ xứ lên sống trên hồ thủy điện, hàng ngày đánh cá mưu sinh.

Sống trên mặt hồ, nỗi lo lớn nhất là sợ mưa lũ nhấn chìm. Người dân trên hồ luôn mong được lên bờ. Thế rồi nhà nước xây khu tái định cư và đưa dân lên ở, còn hỗ trợ tiền, tui rất mừng. Sau 4 năm di dời từ lòng hồ lên khu tái định cư ở, tui thấy cuộc sống khấm khá hơn, không còn nỗi lo sông nuốt”, anh Phúc chia sẻ.

Theo một lãnh đạo UBND huyện Ia H'drai, việc xây dựng khu tái định cư nhằm giúp dân làng chài an cư trên quê hương mới. Khi di dời họ lên, ngoài cấp đất, huyện còn hỗ trợ mỗi hộ 50 triệu đồng để xây nhà.

Có tiền, có đất, dân vui mừng, vay thêm tiền để xây nhà to, có căn giá trị lên đến 400 triệu đồng. Hiện tại, ban ngày người dân lên bờ sống, tối ra lòng hồ đánh cá. Sau 5 năm lên bờ định cư, cuộc sống dân làng chài đã an cư, con cái học hành thuận lợi hơn.

Người miền Tây hay người Xơ Đăng cũng như không ít buôn làng khác ở vùng Bắc Tây Nguyên, giờ đây họ không còn nỗi lo “núi đè” hay “sông nuốt” nữa. Những khu tái định cư với đủ đầy điện, đường, trường, trạm, điều kiện sinh hoạt và sản xuất thuận lợi, đã giúp cuộc sống của họ tốt hơn, con em được đến trường. Giờ đây, họ đã hoàn toàn an cư trong những khu tái định cư.

Thoát nỗi lo “núi đè”

Với người Xơ Đăng ở thôn Tu Thó thuộc xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, nỗi lo bị “núi đè” đã ám ảnh họ từ bao đời nay. Hàng năm, cứ mỗi khi đến mùa mưa lũ, những quả núi lừng lững trên đầu như muốn sầm sập lao xuống, cuốn phăng và vùi lấp tất cả làng mạc, ruộng đồng.

Lo nhất là người làng cùng trâu bò, gà lợn luôn phải đối mặt với những cơn sóng bùn từ trên núi lao xuống nhấn chìm tất cả.

Nhiều hộ dân xây nhà bên khu tái định cư. Ảnh: Đăng Lâm.

Nhiều hộ dân xây nhà bên khu tái định cư. Ảnh: Đăng Lâm.

Ngôi làng cũ của người Xơ Đăng này nằm nép bên chân núi đã từ bao nhiêu năm, người già ở đây cũng không còn nhớ nữa. Chỉ biết rằng, ngôi làng với những mái nhà sàn nép bên chân núi, tiện cho việc làm nương làm rẫy, phía dưới là dòng suối, cánh đồng chăn thả gia súc… Đây là tập tục định cư có tự ngàn đời không chỉ của người Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông, mà là của cả cộng đồng người dân tộc thiểu số ở khắp nơi trên dải đất Tây Nguyên hùng vỹ này.

Có núi rừng che chắn và cho cây gỗ làm nhà, cho hạt lúa, củ khoai trên nương, rồi chim rồi thú. Phía trước làng là sông là suối, là bao nhiêu loài cua cá, và cánh đồng cỏ mướt xanh cho những đàn trâu, đàn bò thong dong gặm cỏ…

Cuộc sống không thể mãi được… như tranh khi mà cây gỗ trên rừng ngày một cạn đi, những quả đồi dần bị cạo trọc. Giờ, núi rừng không còn là nơi chở che cho người Xơ Đăng nơi đây, cả về vật chất lẫn tinh thần.

Những quả đồi trọc đã trở thành hung thần, thành mối hiểm họa với dân làng. Mùa mưa về, đêm nằm ngủ trong nhà mà nỗi lo bị “núi đè” cứ lởn vởn trong mỗi giấc mơ…

Thế rồi, nỗi lo “núi đè” cũng đã không còn nữa khi mà năm 2021, UBND huyện Tu Mơ Rông chi 32 tỷ đồng, xây dựng khu tái định cư dành cho người Xơ Đăng ở thôn Tu Thó. Với diện tích rộng 32ha, đây là nơi an cư mới cho 146 hộ dân.

Mỗi hộ dân chuyển ra nơi ở mới được cấp 800m2 đất và 25 triệu đồng để hỗ trợ di dời nhà, mua lương thực cho những ngày đầu về nơi ở mới.

Các hộ dân bên khu tái định cư đã an cư, tập trung làm kinh tế. Ảnh: Lê Khánh.

Các hộ dân bên khu tái định cư đã an cư, tập trung làm kinh tế. Ảnh: Lê Khánh.

Với anh A Dai ở thôn Tu Thó thì ở làng mới (khu tái định cư - PV), mọi thứ đều thuận lợi như đất đai bằng phẳng, đường giao thông đi lại dễ dàng, còn có điện thắp sáng... “Từ khi chuyển về sống ở khu tái định cư, gia đình thấy yên tâm hơn, đêm ngủ cũng ngon giấc, không còn sợ nhà cửa bị vùi lấp. Cuộc sống của gia đình tôi giờ đã an cư, giờ chỉ lo tập trung làm kinh tế để vươn lên làm giàu”, A Dai phấn khởi cho biết.

Cùng suy nghĩ với A Dai, ông A Tung cũng không giấu nổi niềm vui khi được về nơi ở mới: “Ở làng cũ, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Quan trọng nhất là làng hay bị sạt lở đất nên gia đình tôi ngủ không ngon giấc, cứ lo núi lấp nhà. Còn khu tái định cư mới, mọi thứ đều tốt từ đất đai bằng phẳng, đến đường sá, điện đường đầy đủ”.

Ông A Đe, Chủ tịch UBND xã Tê Xăng, cho biết: “Hiện tất cả các hộ dân thôn Tu Thó cũ đều đã di dời ra khu tái định cư sinh sống. Nhờ chỗ ở ổn định đã giúp bà con yên tâm phát triển kinh tế, con cái của họ đều được đến trường, đau ốm thì đã có cơ sở y tế chăm sóc”.

Không vui sao được, khi mà nỗi lo bị “núi đè” cứ thường trực trong mỗi giấc ngủ từ bao nhiêu năm nay. Không vui sao được khi cuộc sống ở nơi ở mới với đủ đầy tiện nghi phục vụ sản xuất, học tập, chăm sóc sức khỏe và vui chơi.

Người Xơ Đăng ở thôn Tu Thó bây giờ, đã vĩnh viễn vùi lấp nỗi lo bị “núi đè”.

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, trên địa bàn huyện, hiện còn khoảng 120 hộ dân đang sống trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở. Hàng năm, địa phương luôn có phương án di dời để trình cơ quan chức năng phê duyệt. Trước mắt, để đảm bảo an toàn, cứ vào mùa mưa bão, huyện sẽ di dời những hộ này tạm lánh đến nơi an toàn.


Nguồn:https://nongnghiep.vn/ Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 26
Hôm qua : 533