A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hết sợ sập nhà mùa mưa bão

Nỗi lo nhà sập khi mưa bão kéo về của người dân nghèo đã tan biến bởi chính quyền địa phương đã hỗ trợ xây dựng những mái ấm khang trang, ổn định cuộc sống.

Hết nỗi lo sập nhà

Tây Nguyên có người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chiếm tỷ lệ cao, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn. Đặt chân đến các thôn làng ở Tây Nguyên, dễ dàng bắt gặp những ngôi nhà xiêu vẹo được dựng bằng tranh, tre nứa. Cuộc sống của họ luôn bị de doạ khi mưa bão, gió lốc ùa về. Với mong muốn giúp dân có chỗ ở ổn định, tránh mưa bão, nhà nước đã huy động nguồn lực để xây nhà. Nhờ đó, những căn nhà gạch vững chãi được dựng lên, trở thành tổ ấm mới của người nghèo.

Căn nhà chị Nglanh (thôn Bruk Ngol, phường Yên Thế, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) có diện tích khoảng 50m2, được chính quyền địa phương cùng ngân hàng hỗ trợ xây dựng vào năm 2022 với chi phí khoảng 50 triệu đồng. Có mặt tại nhà, chúng tôi thấy vợ chồng chị cùng 2 con đang quây quần trước hiên, gương mặt lộ rõ sự hân hoan. Họ say sưa bàn về câu chuyện chuyển đổi làm ăn để có thêm thu nhập.

Gia đình chị Nglanh bên căn nhà được hỗ trợ. Ảnh: Trần Đăng Lâm.

Gia đình chị Nglanh bên căn nhà được hỗ trợ. Ảnh: Trần Đăng Lâm.

Đề cập đến căn nhà được tặng, chị Nglanh mỉm cười, kéo tay chúng tôi đi một vòng quanh nhà. Đến bức tường thơm mùi vôi vữa, miệng nở nụ cười: “Nhà đẹp lắm, mới toanh, lại chắc chắn. Mình không dám nghĩ sẽ có được căn nhà khang trang như này. Vợ chồng mình làm thuê, làm mướn, thu nhập không cao, nhiều năm qua phải ở trong nhà tạm. Mỗi khi mưa bão đổ xuống là cứ nơm nớp lo sập nhà. Thế rồi nhà nước hỗ trợ xây cho căn nhà này, gia đình rất vui. Nhờ có nhà mới, 4 thành viên trong nhà ngủ ngon giấc hơn. Bây giờ, chỗ ở đã an cư rồi, vợ chồng mình sẽ nghĩ cách làm kinh tế để vươn lên làm giàu”.

Theo UBND phường Yên Thế (TP. Pleiku), trong 3 năm qua, dưới sự kêu gọi của chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm đã xây dựng được 5 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo. Nhờ được hỗ trợ nhà, các hộ từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Xuôi về huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), bà Trần Thị Thu Hiền, Chủ tịch UBND xã Bàu Cạn vui mừng cho biết, trong 4 năm qua, có 5 hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn được hỗ trợ xây nhà với số tiền hỗ trợ 330 triệu đồng. Nhờ đó, các hộ đã tích cực hơn trong cuộc sống, biết chăm lo sản xuất, nuôi dạy con cái, nhiều hộ đã thoát nghèo. Trong thời gian tới, xã tiếp tục rà soát các địa chỉ nhân đạo để kịp thời hỗ trợ cho các đối tượng đặc biệt khó khăn về nhà ở.

Trong số những hộ dân xã Bàu Cạn hưởng lợi nhờ tặng nhà, có gia đình anh Thái Văn Nhân. Năm 2021, gia đình anh được chính quyền phối hợp với mạnh thường quân tặng căn nhà theo hình thức chìa khoá trao tay. Căn nhà này có diện tích 75m2, gồm 1 phòng ngủ, 1 phòng khách và 1 phòng bếp.

“Trước 2 vợ chồng ở căn nhà rộng 16m2, rất chật chội, ngột ngạt, không gian chỉ đủ kê cái nệm và bỏ chiếc ti vi, xe gắn máy. Vợ chồng hằng ngày đi làm thuê, làm mướn, cuộc sống khó khăn. Từ lúc chuyển vô nhà mới, gia đình sống an yên hơn. 2 vợ chồng sẽ chuyên tâm làm ăn để vươn lên”, anh Nhân nói.

Hướng đến xoá nhà dột nạt

Nói về việc xây nhà cho người nghèo trên địa bàn, ông Đinh Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy Chư Prông cho biết, thời gian qua, công tác xoá nhà dột nát cho người dân được địa phương quan tâm rốt ráo. Thực tế, việc xoá nhà dột nát cho hộ nghèo đã đạt nhiều tín hiệu đáng mừng. Đơn cử như 5 năm qua, có hàng trăm căn nhà đã được xây dựng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo với số tiền trên 10 tỷ đồng. Chỉ tính riêng 2 năm là 2021 và 2022, trên địa bàn đã có gần 100 căn nhà đã được xây.

Ngoài ra, từ năm 2023-2025, huyện phấn đấu xây dựng từ 500 đến 540 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, qua đó hướng đến không còn nhà dột nát. Trong đó, đối tượng được ưu tiên xây dựng luôn là hộ gia đình có công với cách mạng.

“Điểm sáng xoá nhà dột nát trên địa bàn là không chỉ các đơn vị nhà nước, mà các công ty, tập đoàn, mạnh thường quân cũng chung tay xây dựng nhà cho hộ nghèo. Điều này, chứng tỏ sự đoàn kết, đồng lòng của người dân, chính quyền trong việc cùng nhau giúp dân có chỗ ở ổn định. Nhờ được hỗ trợ nhà, người dân đã yên tâm lao động, không còn nỗi lo sập nhà khi đến mùa mưa bão. Ngoài ra, việc hỗ trợ nhà ở, thể hiện việc Đảng, Nhà nước luôn chăm lo người nghèo. Người dân cũng cảm nhận được sự quan tâm này và không ngừng cố gắng lao động sản xuất”, ông Dũng nhấn mạnh.

Một căn nhà ở xã Ia Mơ, huyện Chư Prông được các đơn vị tặng nhà mới. Ảnh: Trần Đăng Lâm.

Một căn nhà ở xã Ia Mơ, huyện Chư Prông được các đơn vị tặng nhà mới. Ảnh: Trần Đăng Lâm.

Tương tự trên địa bàn tỉnh Kon Tum, trong những năm qua, việc hỗ trợ xây dựng nhà ở được thực hiện với nhiều hình thức, từ đó góp phần giảm số lượng hộ nghèo có khó khăn về nhà ở. Tuy nhiên, tại các huyện nghèo như Kon Plông, Tu Mơ Rông và Ia H’Drai, vẫn còn tình trạng nhà ở còn tạm bợ, chưa đáp ứng nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Có 876 hộ nghèo, cận nghèo ở 3 huyện này cần hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở. Những căn nhà này có kết cấu chủ yếu là tre nứa tạm bợ, dột nát hoặc nhà ở hư hỏng, không đảm bảo an toàn như hệ thống khung, trụ, vách gỗ lâu ngày bị mối mọt, cong vênh, mái tôn thủng dột, nứt tường, thấm nước, bong rộp.

Cũng theo UBND tỉnh Kon Tum, trước thực trạng sự cần thiết xây nhà cho 3 huyện nghèo Tu Mơ Rông, Kon Plông và Ia Hdrai nói trên, vừa qua, đơn vị đã có quyết định phê duyệt đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn 3 huyện nghèo Kon Plông, Tu Mơ Rông và Ia H’Drai. Theo đó, từ năm 2023 đến năm 2025, ngành chức năng sẽ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 876 hộ. Tổng vốn ngân sách Trung ương và địa phương để thực hiện là hơn 32 tỷ đồng. Nguyên tắc xây dựng nhà cho dân nghèo là xây dựng nhà ở phù hợp với điều kiện, đặc điểm, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc.

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, theo quyết định, trong 876 hộ dân được UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt xây dựng, sửa chữa nói trên, huyện Tu Mơ Rông có 536 hộ. Trong đó, huyện sẽ xây mới nhà cho 384 hộ, sửa chữa cho 182 hộ. Những căn nhà dự kiến hỗ trợ xây dựng cho hộ nghèo trên địa bàn huyện hiện đã xuống cấp, nên việc đầu tư cho dân sinh sống là rất cần thiết. Người dân cũng khao khát được hỗ trợ nhà ở nhằm đảm bảo an toàn khi mưa bão kéo về. Khi hoàn tất đầy đủ các hồ sơ, ngành chức năng sẽ bắt tay xây dựng để người dân sớm có chỗ ở.

Ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum), cho biết, giai đoạn 2021-2023, bằng nhiều nguồn hỗ trợ của mạnh thường quân và quỹ vì người nghèo, huyện đã xây dựng 31 căn nhà cho hộ nghèo với giá trị hơn 2,5 tỷ đồng. Giai đoạn 2023-2025, huyện có kế hoạch sẽ tiếp tục xây mới 21 căn nhà, sửa chữa 41 căn nhà, qua đó cơ bản xóa nhà tạm bợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện.

Để đạt được kế hoạch này, huyện sẽ tuyên truyền người dân có ý thức vươn lên thoát nghèo, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào gắn với nông thôn mới.

Bên cạnh đó, huyện sẽ tiếp tục huy động nguồn lực sẵn có trong nhân dân, quỹ vì người nghèo các cấp với các tổ chức, cá nhân có thiện tâm ủng hộ. Với những biện pháp trên, huyện tin chắc đến năm 2025, địa phương cơ bản xoá nhà tạm bợ cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện.


Nguồn:https://nongnghiep.vn/ Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 445
Hôm qua : 395