A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Văn bản nổi bật tuần 41 năm 2023

Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới; 02 tên miền truy cập trên mạng của Cổng thông tin điện tử Bộ Công an;... là những nội dung nổi bật tại các văn bản mới được cập nhật từ ngày 09 - 15/10/2023.
02 tên miền truy cập trên mạng của Cổng thông tin điện tử Bộ Công an
Thông tư 45/2023/TT-BCA quy định về cung cấp thông tin của lực lượng Công an nhân dân trên môi trường mạng do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành ngày 29/9/2023.
Theo đó, quy định về Cổng thông tin điện tử Bộ Công an như sau:
- Cổng thông tin điện tử Bộ Công an là kênh cung cấp thông tin chính thống, thống nhất, tập trung của Bộ Công an trên môi trường mạng; liên kết các dịch vụ công trực tuyến; kết nối với Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số.
- Cổng thông tin điện tử Bộ Công an có 02 tên miền truy cập trên mạng Internet là: bocongan.gov.vn và mps.gov.vn
- Căn cứ tình hình thực tế, lãnh đạo Bộ Công an quyết định việc xây dựng các Trang thành phần của Cổng thông tin điện tử Bộ Công an; Chánh Văn phòng Bộ Công an quyết định điều chỉnh, bổ sung các chuyên mục thông tin trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an.
Thông tư 45/2023/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 15/11/2023.

Hướng dẫn thành lập hội đồng thẩm định doanh nghiệp kiểm toán
Nội dung đề cập tại Quyết định 1250/QĐ-KTNN về Quy chế ủy thác hoặc thuê doanh nghiệp kiểm toán thực hiện kiểm toán do Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành ngày 06/10/2023.
Cụ thể, hướng dẫn thành lập hội đồng thẩm định doanh nghiệp kiểm toán như sau:
- Kiểm toán nhà nước thành lập Hội đồng thẩm định doanh nghiệp kiểm toán để tư vấn cho Tổng Kiểm toán nhà nước lựa chọn doanh nghiệp kiểm toán đủ điều kiện, năng lực thực hiện ủy thác hoặc thuê kiểm toán.
- Thành phần Hội đồng thẩm định gồm:
+ Tổng Kiểm toán nhà nước hoặc Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước có nhu cầu ủy thác hoặc thuê doanh nghiệp kiểm toán - Chủ tịch Hội đồng.
+ Đại diện Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán (01 Lãnh đạo Vụ làm thành viên thường trực; 01 Lãnh đạo Phòng làm thành viên thư ký).
+ Đại diện Lãnh đạo Vụ Tổng hợp - Thành viên.
+ Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước có nhu cầu ủy thác hoặc thuê kiểm toán - Thành viên.
+ Đại diện Lãnh đạo Vụ Pháp chế - Thành viên.
+ Đại diện Lãnh đạo Văn phòng Kiểm toán nhà nước - Thành viên.
+ Thành phần khác do Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định.

Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới
Ngày 10/10/2023, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Theo đó, đặt ra nhiệm vụ phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới:
- Ban hành chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân quốc gia, ngành, địa phương gắn với mục tiêu tổng quát, mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới.
Có chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu, có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp.
Có chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng quy mô, nâng cao sức cạnh tranh, năng lực sản xuất, phát triển mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Khuyến khích hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện chuyển đổi thành doanh nghiệp.
- Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội, nhất là trong các lĩnh vực mới, trong thế hệ trẻ. Có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển doanh nhân nữ, doanh nhân trẻ, doanh nhân dân tộc thiểu số, doanh nhân hoạt động ở địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Quan tâm phát triển kinh tế hợp tác với vai trò nòng cốt của hợp tác xã.
- Tạo điều kiện để đội ngũ doanh nhân có đại diện tham gia trong các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức hợp pháp khác có liên quan. Nghiên cứu, ban hành chính sách động viên, tạo điều kiện cho doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tăng cường trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước.
- Xây dựng Chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân, khuyến khích doanh nhân ở tất cả các thành phần kinh tế tham gia, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng các vấn đề mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp, quản trị kinh doanh hiện đại, kiến thức pháp luật, kinh nghiệm thực tiễn, xu hướng kinh doanh mới…
Đồng thời, khuyến khích doanh nhân thành đạt tham gia hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, truyền cảm hứng, chia sẻ kinh nghiệm. Đa dạng hoá các hoạt động hợp tác, liên kết đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước. Triển khai các chương trình hỗ trợ pháp lý, nâng cao năng lực cho doanh nhân, doanh nghiệp tham gia có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Xem chi tiết tại Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 10/10/2023.

Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2024

Bộ Nội vụ có Công văn 5673/BNV-CCVC ngày 03/10/2023 về thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2024.
Về kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, Bộ Nội vụ đề nghị:
- Đề nghị bố trí đủ kinh phí thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2024 và giai đoạn 2024 - 2026 của địa phương.
- Xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí phù hợp từ nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn hỗ trợ khác để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội chuyên sâu, chuyển đổi tư duy về phát triển kinh tế nông thôn cho cán bộ, công chức xã theo quy định, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
- Chủ động cân đối nguồn ngân sách hỗ trợ kinh phí cho cán bộ, công chức, viên chức được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho địa phương; chủ động bố trí từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và nguồn kinh phí khác để hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức là nữ, là người dân tộc thiểu số được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật về bình đẳng giới và công tác dân tộc.
- Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thực hiện theo Thông tư 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 06/2023/TT-BTC ngày 31/01/2023) và các quy định khác của pháp luật.


Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 93
Hôm qua : 191