A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TÌNH HÌNH AN TOÀN THÔNG TIN MẠNG

Hiện nay, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, tầm quan trọng của Internet có thể sánh ngang với những nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống như điện, nước, xăng dầu, thực phẩm. Cùng với các môi trường trên bộ, trên không, biển, vũ trụ, không gian mạng trở thành môi trường thứ 5, vùng “lãnh thổ đặc biệt”, không gian chiến lược và không gian tác chiến thứ năm của các quốc gia.

Với tính chất xuyên biên giới của không gian mạng, các quốc gia đều cố gắng mở rộng chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Với độ lớn vô hạn, không gian mạng cho phép “nuôi dưỡng” nhiều mô hình kinh tế - xã hội mới có hiệu quả cao, chi phí thấp, đồng thời cũng kèm theo nguy cơ tiềm ẩn vô cùng lớn về an ninh, chính trị và chủ quyền quốc gia, trở thành mối đe dọa lớn tới sự phát triển ổn định, an ninh, an toàn toàn cầu.

Không gian mạng là môi trường sống mới, nhưng không an toàn. Các cuộc tấn công mạng, vi phạm dữ liệu với quy mô lớn liên tiếp diễn ra nhằm vào các tập đoàn lớn, các hệ thống, cơ sở hạ tầng quan trọng của các quốc gia để đánh cắp dữ liệu hoặc làm tê liệt hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong năm 2023, thế giới ước tính mất tới 8.000 tỷ USD bởi các cuộc tấn công mạng (tương đương gần 21 tỷ USD mỗi ngày), con số đó dự kiến sẽ tăng lên 9.500 nghìn tỷ vào năm 2024. Cứ sau 11 giây lại có một tổ chức trên toàn cầu bị tấn công bằng Ransomware. Mức độ phức tạp của các mối đe dọa trên không gian mạng tăng lên do xu thế áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, 5G, điện toán đám mây, IoT,… và từ sự hợp tác chiến thuật chặt chẽ hơn giữa các nhóm tin tặc và tổ chức chính trị.

Ví dụ điển hình về các cuộc tấn công mạng gây sự cố lớn gần đây như Solar Winds năm 2020 ảnh hưởng đến 16.000 hệ thống thông tin trên toàn thế giới, nạn nhân bao gồm cả Bộ Ngoại giao, Bộ An ninh nội địa, Bộ Tài chính của Mỹ. Vụ tấn công bằng mã độc tống tiền (ransomware) vào công ty đường ống nhiên liệu lớn nhất nước Mỹ - Colonial Pipeline - ngày 07/5/2021 làm ngưng trệ hoạt động của đường cung cấp nhiên liệu cho hơn 50 triệu khách hàng buộc Tổng thống Mỹ phải ban hành sắc lệnh hành pháp nhằm tăng cường khả năng phòng thủ không gian mạng của Mỹ, đối phó với các cuộc tấn công mạng vào Chính phủ và các doanh nghiệp. Trong những năm gần đây, Chính phủ Australia cũng liên tục bị tấn công mạng quy mô lớn.

Tại Việt Nam, không gian mạng trở thành không gian sống, làm việc, học tập, giải trí của khoảng 78 triệu người Việt Nam, tương đương 79,1% dân số với 6h23 phút mỗi ngày/người. Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, tầm quan trọng của Internet có thể sánh ngang với những nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống như điện, nước, xăng dầu, thực phẩm. Không gian mạng được xác định là tương lai thịnh vượng quốc gia với Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Ngày càng nhiều đề án, dự án lớn về Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, đô thị thông minh được triển khai, các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia xuất hiện ngày càng nhiều, dẫn tới tình hình mất an toàn, an ninh mạng ngày càng diễn biết phức tạp, khó lường và tiếp tục là vấn đề nóng tại Việt Nam. 

- Tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân, lợi dụng không gian mạng để lừa đảo, phát tán mã độc sẽ có thể xảy ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng, tần xuất ngày càng cao (VD: mua bán trái phép dữ liệu chứa thông tin cá nhân của người Việt Nam, lộ lọt thông tin khách hàng ngân hàng, hàng không, bán lẻ,…). 

- Các hoạt động tấn công mạng nhằm vào cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức, tập đoàn kinh tế, tài chính diễn biến khó lường, với tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm. 

Trong những năm qua, phần lớn mọi người có thể cảm nhận/gặp phải những vấn đề về an toàn thông tin khi vấn đề lộ lọt thông tin cá nhân, tấn công mạng đã ảnh hưởng tới mỗi người (các cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo; chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội và các ứng dụng trực tuyến liên tục làm phiền cuộc sống của mỗi người đều có thể bắt đầu từ việc thông tin, dữ liệu cá nhân bị lộ lọt). Theo ước tính của Bộ Công an, năm 2023 số tiền người dân đã bị lừa đảo lên tới 8.000 - 10.000 tỷ. 

Trong năm 2023, Hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng quốc gia của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin) đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 12.846 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam (11.511 cuộc Phishing, 451 cuộc Deface, 884 cuộc Malware). Tính đến tháng 12/2023, số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng IP botnet là 456.699 địa chỉ. Tính đến tháng 12/2023, Cục An toàn thông tin đã ngăn chặn 9.073 web/blog vi phạm, có 2.603 website lừa đảo trực tuyến. Bảo vệ hơn 10,1 triệu người dân (tương ứng gần 13% người dùng Internet Việt Nam) không truy cập vào các website lừa đảo. Riêng trong năm 2023, ngăn chặn 3.478 trang web/blog vi phạm pháp luật (1.054 trang lừa đảo trực tuyến) bảo vệ hơn 3,7 triệu người dân không truy cập vào các website lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng. 

Hiện nay, bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng có thể dễ dàng trở thành nạn nhân của một số tấn công mạng. Do đó, mỗi tổ chức cần nâng cao năng lực, hoàn thiện phương án, giải pháp kỹ thuật để bảo vệ các hệ thống thông tin của mình khỏi các cuộc tấn công mạng. Mỗi người dân cần phải là công dân số thông minh, văn minh và an toàn trên không gian mạng, được trang bị đầy đủ những kỹ năng an toàn thông tin nhằm tuân thủ pháp luật và tự bảo vệ mình an toàn trên không gian mạng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 32
Hôm qua : 270