Trong các hoạt động gần đây với sự tham dự của đồng bào 54 dân tộc anh em trên nhiều vùng Tổ quốc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), công chúng được cảm nhận nhiều nét đẹp văn hóa đặc sắc, trong đó lễ Mừng lúa mới của người Xơ Đăng là một điểm nhấn, gây ấn tượng với mỗi du khách, giúp mỗi người cảm nhận rõ sự sinh động, đa dạng của nền văn hóa Việt. 

Dân tộc Xơ Ðăng có dân số khoảng 169.501 người sinh sống tập trung ở tỉnh Kon Tum, tỉnh Gia Lai, một số ít ở miền núi tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Quảng Nam. Người Xơ Đăng còn có tên gọi khác: Hđang, Kmrâng, Con lan, Brila, thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ Me. Trong đời sống văn hóa đồng bào có một kho tàng đồ sộ với nhiều phong tục tập quán; các đặc điểm kinh tế lâu đời; các loại hình diễn xướng dân gian như múa, hát, âm nhạc; các lễ hội dân gian liên quan đến chu kỳ canh tác nông nghiệp như: lễ hiến sinh trâu, lễ cầu mùa, lễ cúng máng nước… Trong đó, lễ “mừng lúa mới” một lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào Xơ Đăng nhằm cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, buôn làng ấm no, hạnh phúc. 

Sinh hoạt dân gian này hình thành trong quá trình lịch sử, đã ổn định thành nền nếp, được cộng đồng thừa nhận và bảo tồn lưu truyền qua nhiều thế hệ người Xơ Đăng, có ý nghĩa to lớn trong việc kết nối cộng đồng, tăng cường tình đoàn kết người dân các bản làng, góp phần cho vườn hoa văn hóa Cộng đồng các dân tộc Việt Nam thêm rực rỡ sắc màu. 

 

 

Hàng năm, khi những cánh đồng lúa vào mùa chín rộ, đồng bào Xê Đăng (nhánh Xơ Teng), huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum
lại nhộn nhịp bước vào mùa thu hoạch và mở hội mừng lúa mới.
 

 

 

Theo phong tục, lễ Mừng lúa mới được chia làm hai phần: Phần thứ nhất mừng tại nhà (Ka pa neo);
Phần thứ hai là mừng lúa mới tại cộng đồng (On đrô tơ triêng).
 

 

 

Để tiến hành nghi lễ theo cách thức truyền thống, đồng bào trang trọng chuẩn bị các vật phẩm cần thiết cho buổi lễ,
 tiếp đó chủ hộ chọn những thửa ruộng lúa chín đều, bông đẹp làm lễ xin thần Lúa (Noa Sai) cho rước lúa về làng…
 

Sau đó, chủ hộ tuốt nắm lúa đầu tiên, rồi cả gia đình mới bắt đầu tuốt lúa và mỗi nhà mang một gùi lúa về nhà để mừng lúa mới.
Trên đường về gặp ngã ba, ngã tư họ bẻ một cành cây chắn ngang các lối đi phụ, chỉ để lại một lối đi từ kho lúa về nhà để “lúa không đi lạc lối”.
 

 

 

Khi mang lúa về đến nhà, các gia đình lấy lúa rang cho khô và giã, lấy gạo nấu một nồi cơm lớn.
Thức ăn của mỗi gia đình để làm lễ cơm mới gồm: thịt rừng, cá suối, cơm lam, đầu heo, rượu ghè…
 

 

 

Họ bày cơm mới và thức ăn, rượu ghè ra giữa nhà, chủ hộ đọc lời khấn, sau đó dùng tiết gà bôi lên trán người
 trong nhà với ý nghĩa mong cả nhà được khỏe mạnh, ấm no, có sức khỏe làm nương rẫy.
Tiếp đó, chủ hộ vắt nắm cơm đầu tiên để ăn và mọi người trong gia đình cùng ăn, uống rượu,
 đánh chiêng, múa hát vui vẻ cho đến tận khuya, cuộc vui mới tạm nghỉ.

 

 

 

 

 

Sau phần ăn mừng cơm mới tại các gia đình mới diễn ra phần lễ “Mừng lúa mới” của cộng đồng. 

 

Từ sáng sớm của ngày mở hội, các gia đình trong làng đều phải đóng kín cửa, tránh ra vào.
Gìa làng là người đầu tiên mở cửa và đi một mình đến nhà rông, sau đó đánh một hồi trống báo hiệu cho dân làng
mang: thịt rừng, cá suối, rau măng, ghè rượu… đã chuẩn bị sẵn, tập trung về nhà rông làm Lễ.
 

 

 

Gìa làng thay mặt buôn làng dâng lễ vật, cảm tạ thần linh, sau đó ăn cơm mới, uống rượu và làm phép. 

 

 

Các thành viên trong làng lần lượt uống rượu, ăn cơm mới, cùng nhau nhảy múa, uống rượu, ca hát.
Tiếp đó già làng đi đầu tiên cùng mọi người ( theo hướng tay trái) lần lượt đến từng gia đình trong làng ăn cơm uống rượu, làm phép.
 

 

 

Du khách uống rượu cần và thưởng thức các món ăn đặc sản. 

 

 

Sau nghi thức tại mỗi nhà, cả đoàn lại quay lại nhà rông dự Hội. Dân bản và khách dự cùng nhau đánh cồng chiêng uống rượu,
múa hát, tổ chức các trò chơi, trò diễn xướng dân gian cho đến tận khuya. Khi lửa đã tàn, rượu đã nhạt hội mới kết thúc.
 

 

 

Có thể nói Lễ hội mừng lúa mới của người Xê Đăng là một nét độc đáo mang đậm bản sắc núi rừng Tây Nguyên.
Đây là một nét đẹp văn hóa cần được lưu giữ và bảo tồn.