Chân dung nữ dân công ở Tu Mơ Rông
Tác phẩm Văn xuôi đạt giải A trong "Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật huyện năm 2022"
Chân dung nữ dân công ở Tu Mơ Rông
Tạ Văn Sỹ
Chân dung Y Thanh
Trong kháng chiến chống Mỹ, huyện Tu Mơ Rông có rất nhiều người tham gia phục vụ cách mạng, trong đó có một nữ dân công vận tải được vinh danh gương điển hình và là nguyên mẫu của một bài thơ dài. Người ấy là Y Thanh, dân tộc Xơ-đăng, ở làng Tân Ba, xã Tê Xăng.
Sách Lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân và đảng bộ xã Tê Xăng (1930-2015) viết (lược trích): “Trong đợt cao điểm tải lương thực phục vụ phía trước, đội ngũ dân công của xã đã vận chuyển hàng tấn lương thực. Có nhiều điển hình nổi lên (…). Trong đó có chị Y Thanh, một điển hình được nhiều nơi học tập. Chị Y Thanh người làng Tân Ba, có chồng tham gia du kích, mặc dù có con nhỏ nhưng không bỏ bất cứ một buổi thu hoạch và cất giấu lương thực nào. Có sức khỏe, lại có sẵn nhiệt tình và quyết tâm, chị Y Thanh dẻo dai gùi gạo, bắp, đạn dược phục vụ cho chiến dịch, năng suất cao gấp hai lần so với bạn bè. Chị Y Thanh được biểu dương tại Hội nghị tuyên dương Thanh niên làm theo lời Bác Hồ, tổ chức ở H40 (Đăk Glei)”.
Ở cuối trang viết có chú thích: “Tại Hội nghị, chị được đồng chí Trần Hữu Chất (bút danh Hồng Chính Biên) là một cán bộ Văn hóa được Liên khu ủy V phân công theo sát chiến trường Tây Nguyên, làm một bài thơ ca ngợi thành tích của chị - Bài “Ới, Y Thanh!” đăng trên báo Giải phóng”.
Những thông tin trên là có thật, chỉ có chút nhầm lẫn, chúng tôi xin đính chính: Bút danh khi làm thơ của Trần Hữu Chất là Hồng Chinh Hiền, chứ không phải “Hồng Chính Biên” và là cán bộ Ban Tuyên huấn H40, chứ không phải “cán bộ Văn hóa”! Trần Hữu Chất sinh năm 1933, quê huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Đầu năm 1968 ông vào chiến trường Kon Tum. Năm 1973 trở ra Hà Nội học Đại học Mỹ thuật. Năm 1976 công tác tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Trần Hữu Chất là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Mỹ thuật Việt Nam. Năm 2012 ông nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học - nghệ thuật. Năm 1993 nghỉ hưu. Chúng tôi có nhiều lần đến thăm nhà ông tại Hà Nội, được ông tặng tập thơ Đá trắng (nhà xuất bản Giải phóng, 1970), trong đó có bài thơ “Ới, Y Thanh!”. Hỏi về xuất xứ bài thơ, được biết ông viết năm 1968 lúc gặp Y Thanh ở Hội nghị tuyên dương.
Bài thơ không chỉ ca ngợi một gương điển hình trong kháng chiến chống giặc, mà còn ngợi ca tinh thần “giỏi việc nước đảm việc nhà” của người phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ Xơ-đăng quanh khu Căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum thời kháng chiến. Nguyên văn bài thơ:
Ới, Y Thanh, Y Thanh
Đôi chân nhỏ sao nhanh
Vai nặng gùi bắp hạt
Nán chờ tôi một lát!
Trời đã chiều rồi đây
Sáng trời nhưng tối đất
Bóng lá che đường đi
Bóng cây trùm mặt dốc
Không sao đi nhanh được!
Tôi gọi mãi Y Thanh
Tiếng núi rừng vọng lại:
“Đi nhanh, đi nhanh, nhanh”…
Đôi chân dẻo bon bon
Leo rừng trơn rừng trợt
Y Thanh lướt nhẹ nhàng
Mình tất ba tất bật!
“Ới, anh đồng chí ơi!
Ông bà sinh cái dốc
Trước mẹ cha sinh mình
Đi nhiều rồi sẽ thuộc!
Thương anh đồng chí lắm
Không thể chờ từng chặng
Chặt lá đánh dấu đường
Anh đi, nhìn cẩn thận!
Cái làng mình nó đốt
Mình làm cái khác rồi
Cái khác nó cũng đốt
Dựng lán ở rẫy thôi.
Con mình đói, đòi sữa
Mẹ mình ốm nằm chờ
Chồng mình đi “lực lượng”
Nhà mỗi mình ra vô!
Mai mốt mình gửi con
Gùi bắp về Tu Thó
Mình đi còn nhanh hơn
Kịp về cho con bú.
Bắp của cách mạng đó
Cái vai mình gùi đi
Không ai thay mình được
Bụng mình vì đất nước
Thay, có còn ra gì!”…
Ới, Y Thanh, Y Thanh
Đôi chân nhỏ mà nhanh
Vai nặng gùi bắp hạt
Đã nghe xa… giọng hát…
(Đá trắng – nxb Giải phóng – trang 79)
Bài thơ xây dựng câu chuyện một anh cán bộ cùng đi chung chuyến gùi hàng với Y Thanh. Giữa rừng già bao phủ mịt mùng vào chiều muộn, lại đèo dốc trơn trượt, không tài nào theo kịp, sợ lạc đường, anh gọi Y Thanh chậm lại chờ mình. Y Thanh chỉ biết động viên “đi nhanh, đi nhanh, nhanh” thôi chứ không thể chậm được vì cô phải hoàn thành chuyến hàng để kịp về nhà với con nhỏ và mẹ già không ai chăm sóc: “Con mình đói đòi sữa/ Mẹ mình ốm nằm chờ/ Chồng mình đi “lực lượng”/ Nhà mỗi mình ra vô”!
Đèo dốc chập chùng của núi non trùng điệp là một thử thách lớn đối với bước chân chưa quen của anh cán bộ, nhưng với Y Thanh là lẽ thường tình: “Đôi chân dẻo bon bon/ Leo rừng trơn rừng trợt/ Y Thanh lướt nhẹ nhàng”! Với Y Thanh đấy là điều đơn giản bởi dốc đèo đã có tự ngàn xưa: “Ới, anh đồng chí ơi/ Ông bà sinh cái dốc/ Trước mẹ cha sinh mình/ Đi nhiều rồi sẽ thuộc”! Vâng, chỉ đơn giản đi nhiều rồi sẽ thuộc!
Mặc du rất cảm thông anh cán bộ, nhưng Y Thanh cũng không dừng đợi được mà chỉ dùng kinh nghiệm dân gian chặt cành lá làm dấu lối đi cho anh khỏi lạc đường: “Thương anh đồng chí lắm/ Không thể chờ từng chặng/ Chặt lá đánh dấu đường/ Anh đi, nhìn cẩn thận”…
Nếu chỉ đọc đoạn viết trong tư liệu: “Có sức khỏe, lại có sẵn nhiệt tình và quyết tâm, chị Y Thanh dẻo dai gùi gạo, bắp, đạn dược phục vụ cho chiến dịch, năng suất cao gấp hai lần so với bạn bè”, người đọc sẽ ngỡ rằng đây phải là một cô gái cao lớn mập mạnh hơn người, nhưng thật ra Y Thanh chỉ là một cô gái nhỏ nhắn, xinh đẹp như bao cô gái Xơ-đăng khác mà thôi. Chỉ vì “có sẵn nhiệt tình và quyết tâm” nên cô có được thành tích xứng đáng được tuyên dương như vậy!
Tuy nhiên, ở nàng còn có một phẩm chất khác cao đẹp hơn, ấy là một quan niệm sống rất tích cực và một “triết lý” về tình yêu quê hương, đất nước khiến ít người ngờ đến. Vâng, ít người ngờ đến khi nghe câu nói vô cùng giản đơn mà sâu sắc của Y Thanh về nghĩa vụ của mình đối với đất nước, quê hương: “Bắp của cách mạng đó/ Cái vai mình gùi đi/ Không ai thay mình được/ Bụng mình vì đất nước/ Thay - có còn ra gì”!
Vâng, “Bụng mình vì đất nước/ Thay còn có nghĩa gì”! Tình yêu quê hương, đất nước mà để cho người khác làm thay thì còn ra sao nữa! Không cần chữ nghĩa hoa mỹ, hàn lâm, chỉ bằng cách lập ngôn rất đặc trưng của người miền núi như thế, cô nữ dân công rất đỗi bình thường này đã “dạy” cho mọi người đầy đủ những nghĩa lý, nội hàm về “chủ nghĩa yêu nước”, “tinh thần dân tộc”, “ý thức công dân”…
Cái “triết lý” được thốt ra từ cô gái Xơ-đăng rất đỗi bình thường ấy đã khiến anh cán bộ từ ngỡ ngàng đến chỉ biết ngưỡng phục đứng trông theo bóng cô nữ dân công lúc một xa, và, dường như còn nghe vẳng vọng đâu đó giọng hát lạc quan của cô gái ấm đọng giữa rừng già: “Ới, Y Thanh, Y Thanh/ Đôi chân nhỏ mà nhanh/ Vai nặng gùi bắp hạt/ Đã nghe xa, giọng hát”…
Về nguyên mẫu của bài thơ, tức nữ dân công vận tải Y Thanh, trong dịp về huyện Tu Mơ Rông, chúng tôi gặp người thân của gia đình tùm hiểu, được biết: Y Thanh sinh năm 1946 tại làng Tân Ba, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông. Thời đánh Mỹ tham gia lực lượng dân công vận tải, sau đó công tác tại ngành y tế xã, đến năm 1989 thì nghỉ hưu. Bà là vợ ông A Kim, xã đội trưởng dân quân xã Tê Xăng, người mà trong bài thơ viết: “Chồng mình đi lực lượng” (lực lượng dân quân). Ông A Kim hy sinh năm 1969, chỉ “kịp” để lại cho vợ hai người con, một trai một gái, là anh A Nhóc sinh năm 1967 và chị Y Lệ sinh năm 1969. Bà Y Thanh qua đời năm 2012.
Trong buổi trò chuyện với anh A Nhoc, đang là Bí thư xã Đăk Tơ Kan, huyện Tu Mơ Rông, chúng tôi nói vui rằng chắc chắn đứa con mà bài thơ viết: “Mai mốt mình gửi con/ Gùi bắp về Tu Thó/ Mình đi còn nhanh hơn/ Kịp về cho con bú” chính là… A Nhoc lúc bấy giờ! Còn chị Y Lệ là đứa con được mẹ Y Thanh sinh sau khi có bài thơ, trước đây làm cán bộ Phụ nữ xã Tê Xăng, nay đã nghỉ, hiện ở thôn Tân Ba.
Qua thời gian, một số giấy tờ liên quan tới bà Y Thanh đã thất lạc, gia đình hiện còn lưu giữ được Bằng Huân chương kháng chiến hạng Ba của ông A Tăng và bà Y Chuông là bố mẹ bà Y Thanh, Bằng Tổ quốc ghi công của ông A Kim (chồng Y Thanh), và Bằng Huân chương kháng chiến hạng Nhất của bà Y Thanh./.