Điểm tin văn bản mới nổi bật Tuần 17 Năm 2022
1. Thời gian trang bị, sử dụng ca bin mô phỏng đào tạo lái xe ô tô
Đây là nội dung tại Thông tư 04/2022/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ. Trong đó, kéo dài thời gian trang bị, sử dụng ca bin mô phỏng đào tạo lái ô tô.
Cụ thể, khoản 9 Điều 1 Thông tư 04/2022/TT-BGTVT cho phép cơ sở đào tạo kéo dài thời gian trang bị và sử dụng ca bin mô phỏng học lái xe để đào tạo lái xe ô tô đến ngày 31/12/2022.
(Hiện nay, khoản 12 Điều 2 Thông tư 01/2021/TT-BGTVT quy định cơ sở đào tạo phải trang bị và sử dụng ca bin mô phỏng học lái xe để đào tạo lái xe ô tô từ ngày 01/7/2022.)
Ngoài ra, khoản 7 Điều 1 Thông tư 04/2022/TT-BGTVT điều chỉnh thời gian học thực hành lái xe ô tô trong chương trình đào tạo lái xe ô tô như sau:
- Đối với hạng B1 (học xe số tự động):
+ Giảm thời gian học thực hành trên sân tập lái từ 45 giờ xuống 41 giờ;
+ Tăng thời gian học thực hành trên đường giao thông từ 20 giờ lên 24 giờ.
- Đối với hạng B1 (học xe số cơ khí), hạng B2:
+ Giảm thời gian học thực hành trên sân tập lái từ 45 giờ xuống 41 giờ;
+ Tăng thời gian học thực hành trên đường giao thông từ 36 giờ lên 40 giờ.
- Đối với hạng C:
+ Giảm thời gian học thực hành trên sân tập lái từ 46 giờ xuống 43 giờ;
+ Tăng thời gian học thực hành trên đường giao thông từ 45 giờ lên 48 giờ.
Thông tư 04/2022/TT-BGTVT có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6/2022.
2. Trường mầm non ngoài công lập được vay vốn lãi suất 3,3%/năm để duy trì hoạt động
Thủ tướng ban hành Quyết định 11/2022/QĐ-TTg ngày 27/4/2022 về tín dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Theo đó, Ngân hàng Chính sách xã hội có chính sách hỗ trợ cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 trong thời hạn 36 tháng với mức vay như sau:
- Tối đa 80 triệu đồng/cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục.
- Tối đa 200 triệu đồng/trường mầm non dân lập, tư thục, tiểu học tư thục.
Mức cho vay cụ thể đối với mỗi trường hợp do Ngân hàng Chính sách xã hội xác định dựa trên Phương án vay vốn tại điểm c khoản 2 Điều 3 Quyết định 11/2022/QĐ-TTg .
* Đối tượng vay vốn
- Nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục);
- Nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục (sau đây gọi chung là trường mầm non dân lập, tư thục);
- Trường tiểu học tư thục theo quy định của pháp luật.
* Điều kiện vay vốn
- Được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
- Phải dừng hoạt động theo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 ít nhất 01 tháng tính đến thời điểm vay vốn.
- Có phương án vay vốn để phục hồi, duy trì hoạt động theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 11/2022/QĐ-TTg và được Ngân hàng Chính sách xã hội thẩm định.
- Tại thời điểm đề nghị vay vốn, khách hàng không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát sinh trước thời điểm ngày 23/01/2020.
* Lãi suất cho vay
- Lãi suất cho vay 3,3%/năm.
- Lãi suất nợ quá hạn bằng lãi suất cho vay hộ nghèo tại thời điểm vay vốn.
Quyết định 11/2022/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày ký.
3. Từ 27/4/2022, tạm dừng khai báo y tế với người nhập cảnh vào Việt Nam
Đây là nội dung tại Công văn 2118/BYT-DP ngày 26/4/2022 về tạm dừng áp dụng khai báo y tế tại cửa khẩu đối với COVID-19 do Bộ Y tế ban hành.
Cụ thể, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện một số nội dung sau:
- Kể từ 00 giờ 00 phút ngày 27/4/2022, tạm dừng việc áp dụng khai báo y tế với Covid-19 tại tất cả các cửa khẩu của Việt Nam đối với người nhập cảnh.
- Duy trì giám sát hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu theo quy định tại Nghị định 89/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới.
- Chủ động cập nhật các tài liệu truyền thông, khuyến cáo phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với tình hình hiện nay và chủ động đưa tin kịp thời.
Bộ Y tế tiếp tục cập nhật, cung cấp thông tin về hình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước để có các biện pháp phòng chống dịch phù hợp.
Xem chi tiết tại Công văn 2118/BYT-DP ngày 26/4/2022.
4. Đã có hướng dẫn tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ban hành Công văn 947/VSDTTƯ-TCQG về Tài liệu hướng dẫn triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Cụ thể, trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ được tiêm đủ 2 liều vắc xin phòng COVID-19. Trong đó, 02 loại vắc xin tiêm được Bộ Y tế phê duyệt cấp bách bao gồm:
+ Vắc xin Comirnaty của hãng Pfizer – BioNTech: Sử dụng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi (hàm lượng 10mcg)
+ Vắc xin COVID-19 Moderna: Sử dụng cho trẻ từ 6 đến dưới 12 tuổi.
* Thời gian, phương thức triển khai:
- Thực hiện từ quý II/2022 tại 100% xã, phường trên toàn quốc.
- Lịch tiêm gồm 2 mũi, khoảng cách giữa 2 mũi là 4 tuần.
- Phương thức triển khai:
+ Tổ chức theo hình thức tiêm chủng chiến dịch tại trường học, trạm y tế, các cơ sở tiêm chủng cố định, tiêm lưu động.
- Căn cứ vào tình hình cung ứng vắc xin và nguồn nhân lực các địa phương có thể triển khai đồng loạt toàn tỉnh hoặc “cuốn chiếu” theo địa bàn.
+ Tổ chức tiêm chủng tại trường học: Đối tượng sẽ bao gồm học sinh lớp 6 của trường THCS, học sinh đang học trường tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 5) và trẻ 5 tuổi đang học mẫu giáo.
Ưu tiên triển khai trước cho nhóm tuổi 11 tuổi (học lớp 6), hạ thấp dần độ tuổi.
+ Tổ chức điểm tiêm chủng cố định: tại trạm y tế, bệnh viện.
+ Tổ chức các điểm tiêm chủng lưu động: tại từng thôn/bản/khu phố hoặc cụm thôn/bản/khu phố gần nhau tại nơi có giao thông khó khăn.