Bình yên Mô Za
Ráng chiều đỏ rực phía Tây. Khói bếp vương vất trên từng mái nhà. Làng tái định cư Mô Za (xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông) dần hiện ra nơi lưng chừng đồi. Bình yên đến lạ. Sự bình yên ấy có được từ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, lòng tận tụy, tâm huyết của cán bộ địa phương, để tạo nên khu tái định cư cho hàng chục hộ dân Xơ Đăng an cư, lạc nghiệp.
Kí ức ngôi làng trong rừng
Khi chúng tôi đến, dưới mái nhà rông, bà con đang tất bật quây quần cùng nhau chế biến các sản vật chuẩn bị cho Ngày hội bánh chưng xanh.
Thấy khách đến, già làng A Nhoi nghỉ tay, niềm nở mời khách về nhà riêng tiếp chuyện. Mở đầu câu chuyện, già A Nhoi phấn khởi nói: Năm nay lúa, mì được mùa, cà phê được giá, sâm Ngọc Linh ít hư hại, bà con ai nấy đều vui mừng đón Tết. Không như ở làng cũ, ăn mặc không đủ nên không ai dám nghĩ đến Tết.
Làng tái định cư Mô Za được đầu tư xây dựng từ số vốn khiêm tốn nhưng mang lại hiệu quả cao. Ảnh: VT
Chừng vài chục năm về trước, làng Mô Za nằm trong rừng già, cách chỗ ở hiện tại gần 10 cây số. Để đến được trung tâm xã, thanh niên trai tráng phải băng rừng mất hơn 1 buổi, còn người già, phụ nữ thì mất cả ngày.
Đường sá trắc trở khiến Mô Za trở thành ngôi làng biệt lập với lối sống tự cung, tự cấp, hoàn toàn dựa vào rừng. Bà con lấy gỗ làm nhà, phá rừng làm rẫy, hái rau, săn bắn thú rừng để sinh sống qua ngày. Trẻ con sinh ra cũng chỉ quanh quẩn bên núi rừng không biết đến con chữ, dân trí của bà con cũng hạn chế.
Đến năm 1998, Đảng và Nhà nước ta thực hiện chủ trương định canh, định cư, vận động dân làng Mô Za rời bỏ ngôi làng trong rừng, đến vùng đất mới để sinh sống. Tin theo Đảng và Nhà nước, nghe theo lời vận động, tuyên truyền của chính quyền địa phương, 30 hộ dân Mô Za dời làng đến chân đồi, gần con suối, cách làng cũ chừng 4 cây số, nơi có đường bê tông đi qua thuận tiện đến trung tâm xã.
Qua nhiều năm sinh sống, dân số trong làng đã tăng gấp đôi. Những đứa trẻ ngày nào giờ đã trưởng thành, lập gia đình và tách hộ ở riêng khiến làng Mô Za trở nên chật hẹp. Dân làng ai cũng lo lắng vì diện tích đất của làng còn quá ít, sau này con cháu sẽ không còn nơi để dựng nhà.
Những tâm tư, nguyện vọng của dân làng đã được cán bộ xã Ngọc Lây nắm bắt, kiến nghị đến cấp huyện. Nhận thấy việc xây dựng khu tái định cư cho làng Mô Za là thiết thực nên huyện đã cho chủ trương xây dựng vào năm 2015 và giao cho UBND xã làm chủ đầu tư.
Tìm lời giải cho bài toán khó
Nhận nhiệm vụ, Đảng ủy, UBND xã Ngọc Lây đối mặt với bài toán khó, bởi với số vốn khiêm tốn hơn 3 tỷ đồng nhưng phải tìm và xây dựng một khu tái định cư cho 36 hộ dân.
Anh Nguyễn Anh Vũ - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây, lúc bấy giờ đang là cán bộ địa chính xã là người trực tiếp giám sát, quản lý, xây dựng khu tái định cư nhớ lại: Với số tiền 3 tỷ đồng, muốn đầu tư xây dựng khu tái định cư ở nơi xa xôi thế này rất khó, bởi vật liệu xây dựng đến được đây phải trải qua quãng đường khá xa, dẫn đến chi phí cao, nhưng phải tạo cho bà con an cư thì mới có thể lạc nghiệp được. Do đó, chúng tôi đã tính toán rất kỹ, lựa chọn phương án phù hợp nhất.
Một cuộc họp thôn được diễn ra. Xã thông báo đến bà con trong làng về vị trí lựa chọn địa điểm làm khu tái định cư, chính là quả đồi mà nhiều hộ dân đang canh tác trồng mì, cà phê, cách làng cũ gần 2 cây số. Vì kinh phí đầu tư hạn hẹp nên xã không có tiền bồi thường mà cần bà con hiến đất. Sau thời gian thảo luận xôn xao, nhiều đảng viên đi đầu hiến đất, tiếp đến những hộ dân khác cũng đồng ý theo.
Là đảng viên, anh A Mới - Phó Chủ tịch HĐND xã, thời điểm ấy là Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, đã tiên phong hiến 2 sào đất trồng cà phê của gia đình.
Anh A Mới tâm sự: 2 sào đất trồng cà phê nếu chăm sóc tốt một năm thu nhập gần 20 triệu đồng, nhưng không thể vì lợi ích cá nhân mà ảnh hưởng đến cả một tập thể. Nghĩ vậy nên tôi đã hiến tặng đất cùng cây trồng mà không đòi hỏi một đồng đền bù nào. Thấy tôi hiến đất, nhiều hộ dân cũng hiến tặng đất để làm khu tái định cư mà không cần tiền bồi thường.
Đời sống ấm no, bà con làng Mô Za vui đón Tết. Ảnh: VT
Có được mặt bằng, lãnh đạo xã trực tiếp khảo sát, lên bản quy hoạch thiết kế, sắp xếp các địa điểm xây dựng trường học, làm đường, hệ thống nước sao cho hợp lý, thuận tiện.
Để tiết kiệm chi phí và tránh bị sạt lở, thay vì lựa chọn san ủi mặt bằng cả quả đồi, xã Ngọc Lây đã tạo mặt bằng theo cấu trúc ruộng bậc thang. Hai cung đường chính dẫn lên làng chạy giữa các bậc. Các hộ dân dựng nhà sinh sống không theo trục đường chính mà làm trên mặt bằng các bậc đã được san ủi, tạo thành cấu trúc hình xương cá, trục đường chính là xương sống.
Có được mặt bằng, hình hài khu tái định cư dần hiện ra, xã Ngọc Lây tiến hành bê tông hóa 2 trục đường chính dẫn đến cuối làng với tổng chiều dài 925m có tổng kinh phí 772 triệu đồng.
Tiếp đến, xã lựa chọn địa điểm xây dựng trường học dưới chân đồi để tiết kiệm chi phí vận chuyển vật liệu. Bên cạnh đó, xã đã lựa chọn đơn vị thi công chất lượng với chi phí xây dựng thấp. Chắt chiu từng viên gạch, bao xi măng, điểm trường mầm non khang trang được hoàn thiện trong niềm hân hoan của bà con. Điểm trường làng không thua kém các điểm trường vùng thuận tiện nhưng kinh phí xây dựng khá khiêm tốn, chỉ 240 triệu đồng.
Có đường, có trường, xã Ngọc Lây tiếp tục đầu tư hệ thống điện lưới, hệ thống nước tự chảy, giếng nước, nhà rông sinh hoạt cộng đồng. Ngôi làng tái định cư đã hoàn thiện với đầy đủ các tiện nghi phục vụ đời sống cho bà con.
Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Anh Vũ thổ lộ: Khi hoàn thiện, chúng tôi rất vui mừng và có thể thở phào nhẹ nhõm. Vì với số vốn ít nhưng đã xây dựng được khu tái định cư như mong muốn. Sau đó, xã tiếp tục nỗ lực trong công tác vận động các hộ dân đến khu tái định cư sinh sống.
Dân vận khéo để an cư lạc nghiệp
“Nếu xây dựng xong khu tái định cư, mà người dân đồng ý đến ở 100% thì đó mới gọi là thành công” - Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Anh Vũ cho hay.
Sau khi khu tái định cư hoàn thiện, nhiều hộ dân không muốn rời làng cũ đến sinh sống, bởi họ còn luyến tiếc nhiều thứ tại ngôi làng chật hẹp này.
Đầu năm 2016, chính quyền địa phương đã mở một cuộc họp thôn để thống nhất lựa chọn số hộ chuyển đến nơi ở mới. Lúc này, những đảng viên trong làng tiếp tục đi đầu. Bí thư chi bộ Y Nhiên, Trưởng thôn A Nhóc, Phó Chủ tịch HĐND xã A Mới cùng một vài hộ dân khác đã xung phong chuyển đến ở trước.
Những ngôi nhà cũ được người dân góp sức “cõng” đến nơi ở mới. Thanh niên, đàn ông, cùng lực lượng dân quân xã phụ trách phần việc mang vác khung gỗ, dựng nhà, chị em phụ nữ phụ giúp việc nhẹ, chuẩn bị cơm nước. Sau hơn 1 tuần, gần chục ngôi nhà đã dựng trên vùng đất mới, những đứa trẻ đến học trường mầm non còn thơm mùi vôi vữa. Dần dần, các hộ dân cũng chuyển đến làng tái định cư sinh sống, đến tháng 11/2017, 36/36 căn nhà đã đỏ bếp, sáng đèn khi về đêm.
Phó Chủ tịch HĐND xã A Mới nhớ lại: Khi 100% hộ dân đến ở, xã đã hỗ trợ dân làng 1 con heo ăn mừng. Tết năm đó có lẽ là cái tết đáng nhớ nhất, bà con được vui tết trên vùng đất mới có đầy đủ tiện nghi. Có chỗ ở ổn định, xã tiếp tục vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế.
Nhiều hộ dân trong làng mạnh dạn vay vốn tiếp cận trồng cây sâm Ngọc Linh, chuyển đổi các diện tích đất trồng mì, trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cà phê, sơn tra. Cùng với đó là chăn nuôi gia súc có chuồng trại, lấy phân bón cho cây trồng. Đến nay, trong làng người dân đã trồng hơn 8.000 gốc sâm Ngọc Linh, 40ha cà phê, sơn tra, mì mang đến thu nhập bình quân 27 triệu đồng/người/năm. Trong làng xuất hiện nhiều triệu phú “chân đất” như A Mới thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm, A Ngao thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm.
Kinh tế ổn định, trong bữa cơm gia đình không còn nhắc nhiều đến câu chuyện thoát nghèo mà thay vào đó là những dự định cho con cái, trồng gì, nuôi gì để tiếp tục tăng thu nhập, xây dựng nhà cửa khang trang. Cuộc sống dư giả, dân làng Mô Za đón những cái tết ấm no bên nhịp chiêng, điệu xoang của trai làng, gái làng, say sưa bên mẻ thịt, ghè rượu thơm nồng vấn vít khắp nhà rông.
Ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Mô Za là ngôi làng tái định cư thành công nhất của huyện bởi vốn đầu tư khiêm tốn nhưng lại mang đến hiệu quả cao, 100% hộ dân đến ở và gắn bó lâu dài. Để làm được điều này đòi hỏi sự sâu sát, tính toán kỹ lưỡng của cán bộ địa phương, cùng sự đồng lòng của dân làng, sự gương mẫu, đi đầu của các đảng viên trong chi bộ. UBND huyện vừa hỗ trợ hơn 20 trụ đèn năng lượng mặt trời để chiếu sáng trên đường đi khi về đêm. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ kinh tế để đời sống người dân nơi đây ngày càng phát triển./.