A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nan giải việc thiếu giáo viên ở Tu Mơ Rông

Những năm qua, ngành Giáo dục huyện Tu Mơ Rông luôn trong tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng. Việc thiếu giáo viên đã gây khó khăn rất nhiều cho các trường trong triển khai nhiệm vụ năm học, đây là vấn đề nan giải của huyện Tu Mơ Rông.

Những ngày qua, các cô giáo Trường Mầm non xã Ngọc Lây phải tranh thủ lên lớp từ rất sớm để dọn dẹp, làm các họa tiết, đồ chơi trang trí cho lớp học chuẩn bị cho năm học mới.

Trường Mầm non xã Ngọc Lây có 7 điểm trường, mỗi điểm chỉ có một cô giáo nên mọi việc mỗi lớp đều dồn lên vai một cô. Để lớp học thật sạch sẽ, khang trang buộc các cô phải tự sắp xếp việc nhà, đến lớp sớm hơn thời gian quy định để dọn dẹp, chuẩn bị.

Việc thiếu giáo viên khiến các cô giáo mầm non vất vả hơn nhiều. Ảnh: VT

 

Cô Võ Thị Ngọc Ánh- Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2023-2024, trường có 140 học sinh, tăng 28 học sinh so với năm học trước. Điều đáng buồn là năm học này, 1 cô giáo của trường đã mất vì bệnh hiểm nghèo khiến trường lại càng thiếu giáo viên. Các điểm trường trên địa bàn xã cách xa nhau nên không thể gộp lớp. Điểm ít nhất là 15 cháu, điểm nhiều nhất là 31 cháu. Những điểm nhiều học sinh cũng chỉ bố trí một cô giáo, không đảm bảo 2,2 giáo viên/lớp đối với lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày mà có số học sinh tối đa theo quy định.

“Vì mỗi điểm chỉ có 1 cô giáo nên các cô phải lo hoàn toàn các việc trên lớp, những lúc đau ốm hoặc có việc đột xuất buộc cán bộ quản lý phải xuống dạy các cháu” – cô Ánh tâm sự.

Còn tại Trường Mầm non xã Đăk Tờ Kan, bước vào năm học mới, nhà trường đang rất lo lắng vì 4 giáo viên trong trường vừa chuyển công tác, nâng số giáo viên thiếu lên 10 giáo viên, không đảm bảo đủ 2,2 giáo viên/lớp đối với các lớp có số học sinh đông.

Cô Dương Thị Bích Nguyên – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2023 – 2024, toàn trường có 386 học sinh/7 điểm trường/15 lớp với 21 giáo viên. Tại điểm trường thôn Đăk Hnăng năm nay có 87 cháu chia ra 2 lớp. Dù biết số học sinh vượt quá nhiều so với quy định nhưng không thể tách lớp vì không đủ điều kiện. Bởi số lượng học sinh điểm này nhiều nên nhà trường bố trí 3 giáo viên/lớp để các cô có thể xoay sở. Còn tại điểm trường chính, năm học này có 70 em/2 lớp/3 cô giáo, trong đó có 3 em học sinh khuyết tật. Nếu theo quy định, lớp học có 1 học sinh khuyết tật, lớp sẽ được giảm đi 5 trẻ. Nhưng vì trường thiếu giáo viên, các cô phải cố gắng vượt qua khó khăn để nuôi dạy các cháu thật tốt.

Không riêng các trường mầm non, nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông cũng thiếu giáo viên trầm trọng.

Điểm trường thôn Đăk Hnăng có 87 cháu chia ra 2 lớp, vượt quá nhiều so với quy định. Ảnh: VT

 

Trường Tiểu học xã Đăk Hà, năm học 2023 – 2024 có 713 học sinh với 32 giáo viên/ 28 lớp. Vừa qua, trường có 3 giáo viên chuyển công tác nâng tổng số giáo viên thiếu lên 10 người (theo quy định 1,5 giáo viên/lớp). Các vị trí giáo viên thiếu chủ yếu là giáo viên đa môn.

Cô Hồ Thị Thùy Vân – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hiện nhà trường đang gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu giáo viên, đặc biệt là việc thiếu giáo viên đa môn sẽ không có giáo viên chủ nhiệm đứng lớp. Hiện tại nhà trường đang lên phương án học trực tuyến, sẽ kết nối với tất cả các lớp, chỉ cần một lớp có giáo viên đủ trình độ giảng dạy sẽ truyền tải đến các lớp. Tại mỗi lớp đang học trực tuyến sẽ phân công 1 nhân viên hoặc giáo viên dạy môn khác kèm cặp, hỗ trợ các em làm theo mệnh lệnh của giáo viên dạy trực tuyến. Tuy nhiên phương án này đòi hỏi phải đầu tư nhiều, các lớp phải đầu tư thiết bị dạy học trực tuyến, nhưng nếu thực hiện được sẽ là phương án hiệu quả để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.

Theo thống kê của Phòng Nội vụ huyện Tu Mơ Rông, năm học 2023 – 2024 toàn huyện cần tuyển 123 chỉ tiêu biên chế sự nghiệp giáo dục. Trong đó, giáo viên mầm non hạng III cần 39 chỉ tiêu; giáo viên tiểu học hạng III cần 22 chỉ tiêu, cụ thể: 12 chỉ tiêu giáo viên tiểu học đa môn, 6 chỉ tiêu giáo viên Tiếng Anh, 1 chỉ tiêu giáo viên Tin học, 2 chỉ tiêu giáo viên Âm nhạc, 1 chỉ tiêu giáo viên Mỹ thuật. Đối với giáo viên trung học cơ sở hạng III thiếu 35 chỉ tiêu, cụ thể: Toán 7, Tin học 5, Vật lý 2, Ngữ văn 2, Tiếng Anh 6, Mỹ thuật 4, Âm nhạc 1, GDCD 2, Lịch sử 2, Sinh học 1, Hóa 1, Thể dục 1, Địa lý 1; đối với bộ phận nhân viên huyện cần 27 chỉ tiêu.

Ông Võ Trung Mạnh – Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Đầu năm học 2022 - 2023, huyện Tu Mơ Rông thiếu 72 giáo viên, đã tổ chức thi tuyển dụng biên chế và có 55 giáo viên trúng tuyển, 17 chỉ tiêu còn lại không trúng tuyển hoặc không có hồ sơ đăng ký. Sau đó có 60 trường hợp nghỉ hưu, chuyển công tác... Bước vào năm học 2023 – 2024, toàn huyện lại có thêm 48 giáo viên chuyển công tác, nghỉ hưu… dẫn đến thiếu giáo viên trầm trọng. Hiện, huyện đã gửi tờ trình đề nghị UBND tỉnh, Sở Nội vụ phê duyệt chỉ tiêu tuyển dụng 128 biên chế, trong đó có 123 chỉ tiêu biên chế giáo dục. Huyện mong muốn, UBND tỉnh sớm cho chủ trương để UBND huyện thực hiện công tác tuyển dụng nhằm đảm bảo đủ giáo viên trong công tác giảng dạy trong năm học mới.         

Theo Thông tư liên tịch Số 06/2015/TTLT – BGDÐT–BNV của Bộ GD&ÐT và Bộ Nội vụ định mức giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, lớp mẫu giáo được xác định như sau: Bố trí 2,5 giáo viên/nhóm trẻ; tối đa 2,2 giáo viên/lớp đối với lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày; đối với lớp học 1 buổi/ngày bố trí tối đa 1,2 giáo viên/lớp. Như vậy có thể thấy, các trường mầm non trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông đang rơi vào tình trạng thiếu nhiều giáo viên.       


Nguồn:https://www.baokontum.com.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 91
Hôm qua : 191