Tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch nông thôn ở Tu Mơ Rông
Tu Mơ Rông là huyện vùng cao của tỉnh Kon Tum, nằm ở thượng nguồn hệ núi Ngọc Linh, có khí hậu giao thoa giữa hai vùng Đông và Tây của dãy Trường Sơn, hệ sinh thái rừng tự nhiên đa dạng, khung cảnh núi non hùng vĩ.
Tu Mơ Rông có những thác nước hùng vĩ như: thác Siu Puông, Siu Mô Nam, Tea Prông, Y Hai; hồ thủy điện Đăk Psi, ruộng bậc thang xã Măng Ri, xã Đắk Na. Đây là địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn độ che phủ chiếm gần 67% nên rất phù hợp với điều kiện sinh trưởng, phát triển của các loại cây dược liệu quý hiếm như Sâm Ngọc Linh, Hồng đẳng sâm, đương quy, ngũ vị tử, sơn tra, lan kim tuyến… Đặc biệt, cây Sâm Ngọc Linh được biết đến là loại dược liệu đặc hữu quý hiếm bậc nhất thế giới. Cảnh quan và hệ sinh thái tự nhiên đang trở thành tiềm năng để huyện Tu Mơ Rông phát triển đa dạng các loại hình du lịch nông nghiệp gắn với chương trình nông thôn mới, như: du lịch trải nghiệm, khám phá đỉnh núi Ngọc Linh, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái...
Thác Siu Puông - huyện Tu Mơ Rông
Ở Tu Mơ Rông còn có các khu Di tích lịch sử, căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum tại xã Măng Ri; nét đẹp văn hoá riêng của đồng bào Xơ Đăng, những lễ hội cồng chiêng; kiến trúc nhà sàn, nhà rông (huyện hiện có 85/86 thôn làng có nhà rông, trong đó có 43 nhà rông truyền thống, 42 nhà rông làm vật liệu hiện đại); các loại nhạc cụ lâu đời nổi tiếng như: bộ cồng chiêng (205 bộ cồng chiêng trong cộng đồng), đàn đá, Krông Pút, đàn Tơ Rưng, Ting ning; một số lễ hội đặc sắc như: Bắc máng nước, Mừng lúa mới, Lễ vào Nhà rông... Những yếu tố về văn hoá, lịch sử, nhân văn riêng có là điều kiện thuận lợi để huyện Tu Mơ Rông phát triển du lịch nông thôn từ các loại hình du lịch văn hóa, lịch sử.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định: “Khai thác tối đa tiềm năng lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa, di tích lịch sử, di sản vật thể và phi vật thể để quảng bá và cung cấp các sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút du khách đến với huyện”. Ngày 22/11/2022, UBND tỉnh Kon Tum ban hành Quyết định số 757/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với công tác xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu: Mỗi huyện, thành phố xây dựng ít nhất 1 làng văn hóa đặc trưng gắn với phát triển du lịch; xây dựng từ 1-2 sản phẩm du lịch đặc trưng.
Hiện nay, huyện đang triển khai nhiều chương trình, mô hình du lịch cộng đồng tham quan trải nghiệm như làng du lịch tại thôn Pu Tá; các điểm du lịch cộng đồng tại xã Ngọc Lây với sản phẩm nghề dệt thổ cẩm, lò rèn truyền thống, cồng chiêng - múa xoang, hát giao duyên, dân ca, dân vũ; trải nghiệm “một ngày làm nông” tại ruộng bậc thang vào mùa lúa chín và thưởng thức các món ăn dân dã mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Xơ Đăng, gắn với dịch vụ trải nghiệm khám phá những vườn Sâm quý. Cùng với các sản phẩm du lịch đó, du khách sẽ được trải nghiệm, tham gia các hoạt động văn hóa cùng người dân địa phương như tham gia đánh Cồng chiêng, múa xoang, thưởng thức các món ăn đồ uống truyền thống của đồng bào, tìm hiểu phong tục tập quán sinh hoạt hằng ngày, tham gia các hoạt động sản xuất thường ngày của người dân…
Một số sản phẩm tiêu biểu của xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông
Gắn với phát triển du lịch nông thôn thì chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) hướng tới sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn (VietGap, hữu cơ...); an toàn thực phẩm; sử dụng bao bì, nhãn hiệu đúng quy định và bảo vệ môi trường đã tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động địa phương, góp phần thiết thực vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Huyện Tu Mơ Rông có điều kiện thuận lợi phát triển các sản phẩm OCOP, điểm mạnh là những sản phẩm được chế biến từ dược liệu tự nhiên. Đặc biệt, Sâm Ngọc Linh không chỉ là dược phẩm mà các vườn trồng Sâm Ngọc Linh còn là điểm đến hấp dẫn du khách. Thông qua hình thức du lịch cộng đồng, du khách vừa tìm hiểu, vừa khám phá và nghỉ dưỡng nhưng vừa được dùng sâm để bồi dưỡng sức khỏe. Điều này tạo cơ hội phát triển ngành du lịch, ngành nông nghiệp và ngành công nghiệp chế biến theo chuỗi giá trị gia tăng từ cây sâm của địa phương.
Thời gian tới, để phát triển, khai thác theo hướng bền vững các tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch nông nghiệp gắn với chương trình nông thôn mới, cần có sự phối hợp, triển khai thực hiện đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và nhân dân trong huyện Tu Mơ Rông.