Phát huy, tận dụng những lợi thế riêng có, hiện nay huyện Tu Mơ Rông đang định hướng và xây dựng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với các loại dược liệu… nhằm đánh thức tiềm năng du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, nâng cao đời sống người dân.
Tu Mơ Rông là huyện miền núi và vùng cao, nằm ở phía Bắc tỉnh Kon Tum, là huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP bao gồm 11 xã với diện tích tự nhiên 85.744,25 ha chiếm 8,85% diện tích trên toàn tỉnh, dân số trung bình đến cuối năm 2019 khoảng 27.164 người chiếm 5,5% dân số toàn tỉnh (theo tổng điều tra dân số nhà ở năm 2019), Mật độ dân số khoảng 31,68 người/Km2. Nằm trên trục Quốc lộ 40B từ huyện Đăk Tô qua đèo Văn Rơi, qua các xã Đăk Hà, Tu Mơ Rông, Ngọk Lây và thông với huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam về đến thành phố Tam Kỳ, điểm cuối là xã Tam Thanh. Được thành lập theo Nghị định số 76/2005/NQ-NĐ, ngày 09/06/2005 của Chính phủ trên cơ sở tách địa giới hành chính từ huyện Đăk Tô tỉnh Kon Tum. Trung tâm huyện lỵ là xã Đăk Hà, cách thành phố Kon Tum khoảng 70 km về phía Bắc theo đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 40B. Huyện Tu Mơ Rông có ranh giới hành chính: Phía Đông giáp huyện Kon Plong; phía Tây giáp huyện Ngọc Hồi; phía Nam giáp huyện Đăk Tô và huyện Đăk Hà; phía Bắc giáp huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum và huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Với đặc thù là huyện miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (trên 95% là người dân tộc Xê Đăng), với xuất phát điểm nền kinh tế thấp nên điều kiện kinh tế xã hội của huyện gặp rất nhiều khó khăn. Đến năm 2020 quy mô nền kinh tế đạt khoảng 1.254 tỷ đồng.
Hiện nay trên địa bàn huyện hiện có 02 tôn giáo đang hoạt động là đạo Công giáo và đạo Tin lành (trong đó đạo Công giáo có 10.095 tín đồ với 01 Linh mục và 26 giáo phu tự phong; đạo Tin lành có 277 tín đồ/54 hộ và 04 phụ trách điểm nhóm). Hoạt động tôn giáo diễn ra bình thường, ổn định, Giáo dân, tín đồ luôn chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hăng hái lao động sản xuất phát triển kinh tế, tham gia các phong trào văn hóa xã hội, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng địa phương ngày càng phát triển, luôn đoàn kết, thực hiện đúng phương châm sống “tốt đời đẹp đạo”. Chính quyền địa phương quản lý các hoạt động tôn giáo đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.