A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuân Tu Thó

Tác phẩm Văn xuôi đạt giải B trong "Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật huyện năm 2022"

Xuân Tu Thó

Chật vật 3 lần di dời vì sạt lở, đến nay 139 hộ dân thôn Tu Thó, xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) đã an cư. Quên đi những nỗi buồn, những chiếc ché, chiếc chiêng bị vùi sâu trong đất, năm nay bà con Tu Thó sẽ cùng nhau vui Tết dưới mái nhà rông mới.

Quá khứ khó quên

Xe chúng tôi bon bon trên con đường bê tông phẳng phiu tìm về làng tái định cư Tu Thó, cách UBND xã Tê Xăng gần 4km. Con đường bê tông trườn qua những sườn đồi, không quá dốc, các loại xe thong dong đi đến tận làng.

Trong cái rét những ngày cuối năm, càng lên cao, gió tứ bề thổi vù vù khiến đôi tay tôi lạnh buốt, tê cứng, nhưng lòng ấm áp vô cùng khi nhìn các em nhỏ được học tập trong điểm trường mới, được mặc áo ấm nô đùa trên con đường bê tông hóa. Đến nơi, già làng A Đúp (75 tuổi) cùng bà con đang quây quần bên ghè rượu trong nhà rông của làng đợi chúng tôi.

 

139 hộ dân thôn Tu Thó thuộc dự án di dời đã chuyển lên điểm tái định cư để ở

 

Bà con niềm nở mời khách ngồi bệt trên chiếu, cùng trò chuyện như những người thân quen từ lâu. Và dưới mái nhà rông, từng hơi rượu cần cay nồng kéo câu chuyện về những cơn lũ kinh hoàng, và cả những dự định tương lai.

Già làng A Đúp nhớ lại: Một đêm lũ năm 2019, sau khi theo dõi dự báo thời tiết, nghe tin có bão, bà con nơm nớp lo sợ, không ai có thể chợp mắt ngủ. Đêm đó, sau nhiều trận gió ầm ầm, mái tôn nhà tôi bị tốc lên, cuốn theo gió. Các thành viên trong nhà ai cũng hãi hùng, rồi di chuyển lên dãy nhà tạm do xã bố trí. Không riêng gia đình tôi, nhiều gia đình khác cũng phải sơ tán, chính quyền xã, huyện xuyên đêm hỗ trợ người dân di dời đến nhà tạm của xã để chống bão.

 Bà con Tu Thó quay quần bên nhà rông mới  

 Trước đó 10 năm, cơn bão số 9 (2009), bà con làng Tu Thó đã từng lao đao vì những quả đồi sạt lở. Nhiều gia đình phải ngậm đắng, bất lực nhìn tài sản trâu, bò bị chôn vùi để ôm con nhỏ chạy khỏi vùng nguy hiểm. Bão tan, quay lại ngôi làng, nhìn những tổ ấm, vườn hoa màu ngổn ngang trong đống bùn đất, người dân chỉ biết chìm trong buồn đau.

Già làng A Đúp tâm sự: Thiên tai khiến cuộc sống của dân làng bị đảo lộn, khó khăn hơn nhiều. Nhiều hộ gia đình, làm quần quật nhiều năm mới có được căn nhà ổn định, có dư giả chút ít để mua trâu, bò, có vốn để trồng cây công nghiệp lâu năm. Ấy vậy mà, trong phút chốc, hàng tấn đất đá đổ đè lên bao mồ hôi công sức, cuốn đi cả cơ ngơi sự nghiệp, dập tắt những hi vọng làm giàu của bao nhà.

Và rồi, ý chí, nghị lực thôi thúc họ. Sự hỗ trợ, quan tâm của Đảng và Nhà nước nâng đỡ họ. Dân làng làm lại từ đầu trên đống đổ nát. Giờ đây, đời sống của bà con thôn Tu Thó đã qua một trang mới.  

An cư lạc nghiệp

Điểm tái định cư thôn Tu Thó là 1 trong 3 điểm thuộc Dự án di dời, tái định cư cho các hộ dân tại 3 xã Tê Xăng, Đăk Rơ Ông và trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông) được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án khẩn cấp tại QĐ 713/QĐ-UBND, ngày 23/9/2019 với tổng kinh phí 29,3 tỷ đồng cho 139 hộ.

Là người tiên phong di dời đến điểm mới để ở, già làng A Đúp cho biết: Mỗi người được cấp mặt bằng 800m2 và được hỗ trợ 25 triệu đồng để xây nhà. Với số tiền được hỗ trợ, cộng thêm số tiền tích góp, tôi xây dựng một căn nhà gạch kiên cố, khang trang, con cháu đều rất phấn khởi khi ở nhà mới. Còn nhà ván cũ, tôi đưa lên đây làm nhà bếp, nhà kho, đựng đồ cho thoải mái.

 

 

 Thấy già làng A Đúp chuyển lên khu tái định cư mới ở, nhiều hộ dân trong làng cũng lên ở theo. Nhiều hộ có tiền tiết kiệm, thêm số tiền Nhà nước hỗ trợ, xây dựng căn nhà gạch cấp 4 vững chắc. Các hộ nghèo, khó khăn thì dùng số tiền hỗ trợ để mua vật liệu sửa chữa lại nhà cũ.

Trưởng thôn A Dai thổ lộ: Với số tiền 25 triệu do Nhà nước hỗ trợ cho người dân để xây nhà là bài toán khó với nhiều hộ nghèo, vì khi dân làm nhà gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, theo quy định của UBND tỉnh, nhà xây mới diện tích ít nhất 40m2/căn, mức kinh phí tối thiểu là 80 triệu đồng. Để tiết kiệm chi phí cho người dân, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng bộ đội, dân quân, đoàn viên thanh niên giúp dân dời nhà.

Hành trình dời nhà giúp dân qua lời kể của anh A Dai thật gian nan. Khoảng 50 người cõng một căn nhà, có căn phải mất gần 1 tuần, 10 ngày mới có thể di dời đến vị trí mới. Cùng với việc phụ bà con vận chuyển nhà, chủ nhà chỉ lo thêm bữa cơm phục vụ “thợ” dời nhà, dùng số tiền mua những tấm tôn mới để những người “thợ” trổ tài xây dựng. 

Sau nhiều lần vận động, tuyên truyền, từ vài hộ đến vài chục hộ, giờ đây 139/139 hộ thuộc dự án di dời đã chuyển lên nơi ở  mới, yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế.

Trưởng thôn A Dai bày tỏ: Điểm tái định cư mới có đường giao thông nội bộ, đường đi khu sản xuất được bê tông hóa, có điểm trường mầm non thuận tiện cho các phụ huynh gửi con đi làm, có nước sinh hoạt chảy về tận nhà, mỗi nhà đều được cấp 1 bồn chứa nước; 47 hộ nghèo được hỗ trợ 7 triệu đồng để đầu tư xây dựng công trình nhà vệ sinh theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hơn nữa, người dân đều được dùng mạng lưới điện Quốc gia. Điện, đường, trường, trạm cơ bản đã đáp ứng đủ, tôi cũng như nhiều bà con ở đây có thể yên tâm định cư, tập trung phát triển kinh tế gia đình.

Điểm trường mầm non mới tại thôn Tu Thó

Ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Để chọn đất định cư cho làng Tu Thó, các cấp, ngành trong huyện và tỉnh đã tổ chức nhiều đợt khảo sát, chọn vị trí giúp dân an cư. Vị trí này cũng không mấy thuận lợi, vì một số hộ dân ở trên đỉnh hơi cao, phải đón gió nhiều, thời gian đầu hơn nửa số hộ dân không muốn chuyển đến ở. Từ đầu năm 2020 đến nay, huyện đã huy động các doanh nghiệp, công ty đóng chân trên địa bàn hỗ trợ kéo điện đường, hỗ trợ thêm mỗi hộ từ 1 - 2 triệu đồng để mua giống cây trồng. Sau nhiều lần họp thôn đối thoại, vận động, đến nay toàn bộ số hộ dân thôn Tu Thó nằm trong dự án đã di dời đến điểm tái định cư. Và đó là một thành công của huyện.

Theo ông Mạnh, bà con thôn Tu Thó rất chịu khó, cần cù, mặc dù thiên tai ảnh hưởng rất lớn đời sống, kinh tế, thế nhưng bà con vực dậy và ổn định cuộc sống rất nhanh nhờ trồng cà phê, cây dược liệu. Giờ đây nhà cửa ổn định, bà con có thể yên tâm phát triển kinh tế và năm nay bà con sẽ được đón cái Tết ấm. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư thêm một số hạng mục tại thôn Tu Thó như sân thể thao, điện đường, trồng nhiều cây chắn gió cho bà con; quy hoạch thôn Tu Thó thành khu phát triển cà phê xứ lạnh, sơn tra và liên kết với các doanh nghiệp để tạo việc làm cũng như đảm bảo đầu ra sản phẩm trên thị trường cho người dân./.

Bài và ảnh: Văn Tùng


Tác giả: Văn Tùng
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5
Hôm qua : 429