A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Huyền thoại Siu Puông

Tác phẩm Văn xuôi đạt giải KK trong "Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật huyện năm 2022"

HUYỀN THOẠI SIU PUÔNG

Nguyễn Thuận Hóa sưu tầm và biên soạn theo lời kể của ông A Ui, xã Đăk Na năm 2001 (Tu Mơ Rông ngày 15/6/2022)

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, áp lực ngày một gia tăng ảnh hưởng đến cuộc sống của mỗi một con người. Để giải tỏa áp lực, phương thuốc hữu hiệu nhất không gì khác là du lịch sinh thái. Hòa cùng thiên nhiên vào các dịp nghĩ Lễ, đặc biệt là các ngày nghĩ cuối tuần để tích tụ thêm năng lượng, giúp cuộc sống nhẹ nhàng hơn, công việc hanh thông hơn, góp phần không nhỏ đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Theo chân một đoàn du lịch lên với xã Đăk Na, xã tận cùng phía Tây của huyện Tu Mơ Rông nếu tính theo tỉnh lộ 678. Từ trung tâm xã, đi thêm khoảng sáu kilomet nữa, len lõi qua những rừng thông, vượt dóc, luồn lách rồi cuối cùng cũng đến được chân thác Siu Puông. Thác được đánh giá là một trong mười thác đẹp nhất cả nước. Nhìn từ xa, cả con thác như một dãi lụa bảy khúc uốn lượn. Dãi lụa trắng nằm giữa màu xanh rêu của đá xen lẫn màu lá đỏ của rừng Phong như một bức tranh thủy mặc. Từ chân thác, có thể chưa thấy hết vẽ hùng vĩ của nó, nhưng cảm giác mát rượi, trong lành cũng khiến du khách dễ chịu vô cùng. Men theo triền dóc dọc theo thác, đi ngược lên trên để khám phá từng tầng của thác. Mỗi tầng có một nét đẹp riêng có, từng dòng nước đổ thẳng đứng xuống vũng nước tạo ra những làn sương, nhờ ánh mặt trời để hình thành nên những cầu vòng bảy sắc lung linh, huyền diệu. Từ đỉnh ngọn Ngọc Kal nhìn xuống là một khoảng trời bao la, núi chập chùng núi, quàng quanh nó là những chiếc khăn choàng bằng mây trắng nuốt, làm du khách có cảm giác như mình đang trên tiên giới.

Khám phá cả một ngày trời mới phần nào thưởng thức được sự hùng vĩ và yêu kiều của quần thể thác. Khi ánh mặt trời chuyển sang màu đỏ, du khách chuyển về lưng chừng thác, trong ánh lửa bập bùng để thưởng thức những bài hát ting ting với những điệu dân vũ truyền thống của người Xơ Đăng nhịp nhàng theo tiếng cồng chiêng.

Chếnh choáng với mấy căn rượu ghè đậm đà chua chua ngọt ngọt, cũng đã đến lúc nghĩ ngơi sau một ngày leo rừng lội suối. Du khách bước về chòi tựa lưng vào vách ván, nhìn sâu vào khoảng rừng đêm vô tận. Tiếng hát, tiếng cồng chiêng hòa cùng tiếng rì rào của thác làm cho tinh thần như an lành đến lạ. Từ rừng tối bước ra thấp thoáng bóng dáng một nàng sơn nữ, nàng tựa lưng vào phiến đá mĩm cười như một đóa Phù dung. Để ru du khách vào thế giới của thần tiên, nàng kể về huyền thoại Siu Puông:

“Thuở xa xưa, khi các làng hình thành, dân làng thường xuyên phải chống chọi với thú dữ và sự xâm lấn của các tộc người lân cận. Trưởng làng là người quyền lực cao nhất, ruộng đất đường như đều thuộc nhà trưởng làng, tất cả trai tráng đều phải làm việc cho trưởng làng và  nghe lệnh trưởng làng, đặc biệt là khi làng có biến.

Trưởng làng Riếp là người giàu có, quyền lực vượt ra xa đến rất nhiều làng khác. Vợ mất đã lâu, để lại cho trưởng làng một người con trai tên Kal. Khác với cha mình, Kal thân hình lực lưỡng, siêng năng, cần cù, một mình làm việc bằng ba trai làng khác. Tính chàng hiền lành, nên thường bị cha mình mắng là nhu mỳ, ủy mị, sau này sẽ không kế nghiệp được truyền thống gia phong.

Ở cuối làng Riếp, có hai vợ chồng già có một người con gái tên Puông. Nàng đang đến độ tuổi trăng tròn, càng ngày càng xinh đẹp. Mắt nàng xanh đen, mơ màng như đáy hồ thu. Tóc nàng dài chấm gót, mượt mà như dòng suối. Thân hình nàng thon gọn như con ong mật đang độ tháng Ba. Bao nhiêu trai làng si tình vì nàng, nhưng tim nàng đã chọn chàng Kal. Mối tình của họ mặn mà như đôi chim Kơ Tia, nồng nàn như khói bếp lam chiều, hừng hực như vũ điệu ting ting trong tiếng cồng chiêng ngân nga xa thẳm. Họ yêu nhau như không thể rời nhau.

Mùa mưa năm đó rất lớn, lũ quét đi tất cả ruộng lúa, hoa màu. Mẹ nàng Puông bị bạo bệnh qua đời. Cha nàng không còn gì để trả nợ, lại còn phải vay thêm trưởng làng để duy trì cuộc sống và lo tiếp cho vụ sau. Nợ chồng nợ và không có gì để trả, trưởng làng bắt cha nàng gán nàng để về làm vợ.

Lễ cưới trưởng làng với nàng Puông diễn ra hơn nữa tuần trăng, giết thịt không biết bao nhiêu là trâu, bò, heo, gà với hàng trăm ché rượu cần đậm đà thơm ngọt… Dân làng vui chơi, ca hát từ sáng tinh mơ cho đến tận chiều tối và thâu đêm cho đến tận ngày hôm sau. Và cứ vậy, ngày này qua ngày khác làng rộn ràng trong tiếng hò reo, chúc tụng cho trưởng làng cưới được người con gái đẹp nết, đẹp người…

Tim chàng Kal rỉ máu, lòng chàng quặn đau như có hàng trăm ngàn lưỡi dao đâm chọc. Chàng quyết ra đi sâu vào rừng để cố quên mối tình ngang trái. Chàng đi, đi mãi, đến khi không còn sức lực, chàng gục xuống, thân hình hóa đá.

Biết tin chàng Kal bỏ nhà ra đi, nhân lúc trưởng làng đang say nồng giấc ngủ, nàng Puông cũng ra đi tìm hạnh phúc đích thực của mình. Nàng đi, đi mãi vào tận rừng sâu, Tiếng thì thầm giúp nàng theo dấu chân của chàng Kal. Rồi nàng cũng được gặp chàng trong thân hình hóa đá. Nàng ôm chàng khóc, khóc mãi cho đến khi không còn khóc nữa. Hôm đó trời mưa xối xả, thân hình nàng phủ thành lớp rêu xanh, tóc nàng chuyển thành màu trắng xóa, xõa dọc theo triền đá Ngọc Kal.

Cha nàng Puông tìm con khắp nơi, nhưng không tìm thấy. Tiếng thì thầm mách cho cha nàng đi về nơi rừng thẵm. Ông đi, đi mãi, vừa đi vừa gọi Puông ơi! Pu…ô…ông, cho đến khi không còn bước được nữa, ông ngã gục. Khi trời vừa hửng sáng, dưới ánh ban mai, thân hình ông hóa thành những đám mây trắng hòa quyện với núi rừng hùng vĩ như muốn tô thêm sự huyền ảo của duyên tình trắc trở giữa chàng Kal và nàng Puông.

Trưởng làng tỉnh giấc, thương xót cho con, ân hận vì những gì mình đã làm, ông quyết đi tìm chú giải cho lời nguyền của Mẹ Thiên nhiên. Trưởng làng đi vào rừng sâu, nghe theo Tiếng thì thầm đi mãi cho đến khi gặp được con mình, ông khóc, tự cào xé thân hình bê bết máu, ông đổ xuống trên đá Ngoc Kal, trong làn sương mờ ảo, ẩm ướt của Siu Puông, ông hóa thành rừng cây Phong lá đỏ…”

Một làn gió lạnh lướt qua làm du khách bừng tỉnh giấc, trời bắt đầu hửng sáng, dáng hình người sơn nữ mờ dần, rồi tan biến, để lại một khoảng rừng âm u, trong tiếng rì rào của thác, hòa quyện với cảm giác mơ hồ, huyền ảo của Huyền thoại Siu Puông.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 113
Hôm qua : 287