Được thành lập theo Nghị định số 76/2005/NQ-NĐ, ngày 09/06/2005 của Chính phủ trên cơ sở tách địa giới hành chính từ huyện Đăk Tô tỉnh Kon Tum.
Với đặc thù là huyện miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (trên 95% là người dân tộc Xê Đăng), là huyện thuần nông (tỷ trọng ngành nông lâm – thủy sản năm 2005 chiếm 77%) tuy nhiên tư liệu sản xuất hạn chế, trình độ canh tác lạc hậu với xuất phát điểm nền kinh tế thấp nên điều kiện kinh tế xã hội của huyện khi mới tách huyện gặp rất nhiều khó khăn.
Trong những năm qua, với sự quan tâm hỗ trợ của các cơ quan Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các sở ngành thuộc tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt, nỗ lự phấn đấu của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện, sau 16 năm thành lập và phát triển huyện Tu Mơ Rông đã triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều đề án, dự án, chương trình, nghị quyết quan trọng của tỉnh cũng như của huyện nhằm khai thác tốt các tiềm năng thế mạnh của huyện về vị trí đất đai, diện tích rừng, khí hậu phù hợp phát triển các loại dược liệu quý, …góp phần nâng cao mức sống của nhân dân trên địa bàn huyện. Từ đó, các điều kiện về kinh tế - xã hội có bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt, cụ thể:
1. Năm 2005
- Về kinh tế : Thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 1.636.000 đồng. Cơ cấu kinh tế: nông lâm – thủy sản chiếm 77%, Công nghiệp xây dựng chiếm 11%, Dịch vụ chiếm 12%. Tổng thu ngân sách đạt 36.885 triệu đồng trong đó thu trên địa bàn đạt 178 triệu đồng. Bình quân lương thực đầu người (loại có hạt) đạt 470kg/người/năm.
- Về văn hóa xã hội: Mặc dù kinh tế trên địa bàn gặp nhiều khó khăn tuy nhiên các mặt đời sông nhân dân được quan tâm chỉ đạo. Trường học tại các xã, thôn được xây dựng nhà cấp 4 đạt khoảng 33%. Bước đầu hình thành phòng khám đa khoa tại trung tâm cụm xã Tu Mơ Rông và trung tâm y tế huyện với 05 bác sỹ với 85 giường bệnh. Trẻ em suy dinh dưỡng chiếm 34,5%. Tỉ lệ hộ có tivi đạt 10,19%. 55 làng được công nhận làng văn hóa. Số làng có nhà rông văn hóa đạt 72,52%. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 76%. Lao động được đào tạo chiếm 13,79%.
2. Đến năm 2010
- Về Kinh tế : Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 15,66%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh và đúng hướng nông lâm – thủy sản chiếm 38,13%, Công nghiệp xây dựng chiếm 32,19%, Dịch vụ chiếm 29,69%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 5.920.000 đồng. Tổng thu ngân sách đạt 209.514 triệu đồng trong đó thu trên địa bàn đạt 6.223 triệu đồng.
- Về văn hóa xã hội: Giáo dục đào tạo tiếp tục được phát triển về quy mô và chất lượng ngày càng nâng lên. Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp đạt 98,2%. Hệ thống trường, lớp, nhà công vụ giáo viên được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc tại chỗ và sinh hoạt của đội ngũ giáo viên. Hệ thống y tế từ huyện đến xã được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất và trang thiết bị khám chữa bệnh. Đội ngũ y, bác sỹ được tăng cường (có 94 cán bộ trong đó có 6 bác sỹ). Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 54%. Tỷ lệ thôn làng được phủ sóng truyền hình đạt 86%, tỷ lệ hộ có ti vi đạt 64,42%.
Thác “ Siu Puông” xã Đăk Na – Tu Mơ Rông
3. Đến năm 2015.
- Về Kinh tế : Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt trên 16%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng nông lâm – thủy sản chiếm 38,7%, Công nghiệp xây dựng chiếm 39,8%, Dịch vụ chiếm 21,5%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 13,5 đồng. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 41.835 triệu đồng.
- Về văn hóa xã hội: Giáo dục đào tạo tiếp tục được phát triển về quy mô và chất lượng, hệ thống trường lớp được mở rộng và chuẩn hóa. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp được duy trì. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực. Đội ngũ y, bác sỹ được tăng cường (có 136 cán bộ trong đó có 16 bác sỹ) hệ thống cơ sở hạ tầng y tế được chú trọng đầu tư. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 30%%. Tỷ lệ thôn làng văn hóa đạt 68,1%.
4. Đến năm 2020
- Kinh tế có bước phát triển, các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực được tập trung đầu tư; hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đến năm 2020 đạt 1.254 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng giảm dần giá trị sản xuất ngành Nông lâm thủy sản, tăng dần giá trị sản xuất ngành Công nghiệp xây dựng và thương mại dịch vụ (đến năm 2020 giá trị sản xuất ngành Nông lâm thủy sản còn khoảng 33%, giá trị sản xuất ngành Công nghiệp xây dựng là 41%, giá trị sản xuất ngành thương mại dịch vụ là 26%); Thu ngân sách trên địa bàn liên tục tăng qua các năm, đến năm 2020 số thu đạt 55.028 triệu. Thu nhập bình quân đầu người và đời sống của nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 27,3 triệu đồng/người/năm. Đến năm 2020 lương thực bình quân đầu người đạt 254,8 kg/người/năm.
- Kết quả triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả nhất định. Năm 2020 có 01 xã đạt 14 tiêu chí (Ngọk Yêu), 03 xã đạt 13 tiêu chí (Tu Mơ Rông, Tê Xăng, Đăk Sao), 01 xã đạt 12 tiêu chí (Văn Xuôi), 05 xã đạt 11 tiêu chí (Đăk Hà, Đăk Rơ Ông, Măng Ri, Ngọk Lây, Đăk Tờ Kan), 01 xã đạt 10 tiêu chí (Đăk Na).
- Văn hóa - xã hội có bước phát triển tích cực, các vấn đề xã hội được quan tâm giải quyết, đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận nhân dân trên địa bàn tiếp tục được nâng cao. Giáo dục và đào tạo Tiếp tục được phát triển về quy mô và chất lượng, hệ thống trường lớp học được mở rộng và chuẩn hóa, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, chất lượng dạy học dần được nâng lên. Tỉ lệ huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp được duy trì. Tính đến năm 2020 toàn huyện có 9 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ 33,33%. Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực. Đội ngũ y, bác sỹ được tăng cường, hệ thống cơ sở hạ tầng y tế được chú trọng đầu tư (Toàn huyện hiện có 162 cán bộ y tế (trong đó có 23 bác sỹ, 03 bác sĩ chuyên khoa I, 01 bác sỹ chuyên khoa Nội tổng hợp, 01 bác sỹ chuyên khó Ngoại, 02 bác sỹ chuyên khoa Truyền nhiễm và bệnh nhiệt đới và 16 bác sỹ đa khoa), 11/11 Trạm Y tế có bác sĩ, các thôn, làng có nhân viên y tế được đào tạo về y tế từ 3-6 tháng...). Đến năm 2020 có 100% số xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Đến năm 2020 số giường bệnh/vạn dân: 59,6 giường/vạn dân. Đến năm 2020 Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể cân nặng chiếm dưới 19,5% và Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng chiều cao chiếm dưới 37,8%. Hệ thống truyền thanh, truyền hình được đầu tư, nâng cấp; tỷ lệ phủ sóng truyền thanh đạt 85%, có 5 trạm thu, phát sóng tại các xã; tỷ lệ hộ dân có ti vi đạt 66%. Về thôn, làng văn hóa năm 2020 đạt 73/86 và đạt 84,88 %. Tổng số nhà rông trên địa bàn huyện đến năm 2020 đạt 73 nhà đạt 84,88%. Công tác giảm nghèo được quan tâm, đã huy động được nhiều nguồn lực để triển khai thực hiện công tác giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm bình quân 8% (Năm 2020 tổng số hộ nghèo còn 2.187 hộ chiếm tỷ lệ 32,69%). Các chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo được thực hiện đồng bộ và có hiệu quả.