A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6/2023

1. Điều kiện được cấp chứng chỉ chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức

Có hiệu lực từ ngày  từ ngày 15/6/2023, Thông tư số 03/2023/TT-BNV của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP.

Thông tư nêu rõ điều kiện để được cấp chứng chỉ chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, chứng chỉ chương trình bồi dưỡng được cấp cho học viên có đủ các điều kiện sau đây:

1- Tham gia học tập đầy đủ theo quy định của chương trình bồi dưỡng.

2- Có đủ các bài kiểm tra, viết thu hoạch, tiểu luận, đề án theo quy định của chương trình bồi dưỡng; các bài kiểm tra, viết thu hoạch, tiểu luận, đề án phải đạt từ 50% số điểm trở lên theo thang điểm quy định của chương trình.

3- Chấp hành đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; quy chế, nội quy học tập của Học viện Hành chính Quốc gia; cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu.

Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng được cấp 1 lần cho học viên hoàn thành khóa học, trong ngày bế giảng khóa học.

2. Bãi bỏ hướng dẫn xét nâng ngạch không qua thi với cán bộ đã có thông báo nghỉ hưu 

Từ ngày 15/6/2023, Thông tư số 04/2023/TT-BNV bãi bỏ Thông tư số 03/2008/TT-BNV ngày 03/6/2008 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn thực hiện xét nâng ngạch không qua thi đối với cán bộ, công chức viên chức đã có thông báo nghỉ hưu.

3. Hỗ trợ khoán bảo vệ rừng bình quân 300.000 đồng/ha/năm 

Thông tư số 21/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2023.

Theo đó, mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng bình quân 300.000 đồng/ha/năm. Đối với khoán bảo vệ rừng ven biển, mức hỗ trợ tối đa bằng 1,5 lần mức hỗ trợ bình quân. Kinh phí lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng 50.000 đồng/5 năm. Việc hỗ trợ kinh phí lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng chỉ thực hiện 1 lần trước khi tiến hành khoán bảo vệ rừng.

Hỗ trợ bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên trong thời gian đóng cửa rừng cụ thể như sau: Công ty lâm nghiệp: 300.000 đồng/ha/năm; ban quản lý rừng, UBND cấp xã: 100.000 đồng/ha/năm; hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ chức được Nhà nước giao rừng sản xuất là rừng tự nhiên: 300.000 đồng/ha/năm.

4. 100% kết quả của các hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được cung cấp đồng thời cả bản điện tử

Theo Quyết định số 13/QĐ-BCĐCCHC của Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, từ ngày 01/6/2023, thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết đối với thủ tục hành chính thuộc phạm vi tiếp nhận của Bộ phận Một cửa cấp xã (trừ các xã vùng sâu, vùng xa, địa bàn đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo); 100% kết quả của các hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được cung cấp đồng thời cả bản điện tử có đầy đủ giá trị pháp lý cho người dân, doanh nghiệp.

5. Lao động nữ khi khám sức khỏe định kỳ sẽ được khám phụ sản

Theo Thông tư số 09/2023/TT-BYT của Bộ Y tế có hiệu lực từ ngày 20/6/2023, lao động nữ khi khám sức khỏe định kỳ được khám chuyên khoa phụ sản, gồm 4 nội dung:

1- Khám phụ khoa;

2- Sàng lọc ung thư cổ tử cung;

3- Sàng lọc ung thư vú;

4- Siêu âm tử cung- phần phụ (khi có chỉ định của bác sỹ khám).

6. Hướng dẫn phân loại tài sản cố định của cơ quan nhà nước và thời gian tính hao mòn với máy photocopy, camera giám sát là 5 năm

Đây là nội dung tại Thông tư số 23/2023/TT-BTC ngày 25/4/2023 có hiệu lực từ ngày 10/6/2023 hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo đó, phân loại tài sản cố định của cơ quan nhà nước như sau:

- Phân loại theo tính chất, đặc điểm tài sản gồm:

+ Tài sản cố định hữu hình là những tài sản có hình thái vật chất, có kết cấu độc lập hoặc là một hệ thống gồm nhiều bộ phận riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định.

+ Tài sản cố định vô hình là những tài sản không có hình thái vật chất mà cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đã đầu tư chi phí tạo lập tài sản hoặc được hình thành qua quá trình hoạt động.

+ Tài sản cố định đặc thù là những tài sản không xác định được chi phí hình thành hoặc không đánh giá được giá trị thực nhưng yêu cầu phải quản lý chặt chẽ về hiện vật (như: cổ vật, hiện vật trưng bày trong bảo tàng, lăng tẩm, di tích lịch sử được xếp hạng, tài liệu cổ, tài liệu quý hiếm...), tài sản cố định là thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập.

- Phân loại theo nguồn gốc hình thành tài sản:

+ Tài sản cố định hình thành do mua sắm.

+ Tài sản cố định hình thành do đầu tư xây dựng.

+ Tài sản cố định được giao, nhận điều chuyển.

+ Tài sản cố định được tặng cho, khuyến mại (bao gồm cả trường hợp nhà cung cấp đổi tài sản cũ bằng tài sản mới sau một thời gian sử dụng theo chính sách của nhà sản xuất/nhà cung cấp).

+ Tài sản cố định khi kiểm kê phát hiện thừa (chưa được theo dõi trên sổ kế toán).

+ Tài sản cố định đơn vị sự nghiệp công lập được nhận sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết theo quy định tại khoản 6 Điều 47 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.

+ Tài sản cố định được hình thành từ nguồn khác.

Thời gian tính hao mòn với máy photocopy, camera giám sát là 5 năm

Thông tư số 23/2023/TT-BTC quy định thời gian tính hao mòn với máy photocopy là 5 năm thay vì là 8 năm như quy định hiện hành.

Tỷ lệ hao mòn với máy photocopy là 20%/năm thay vì 12,5%/năm như quy định hiện nay.

Còn với camera giám sát, thời gian tính hao mòn cũng là 5 năm (quy định cũ 8 năm); tỷ lệ hao mòn là 20%/năm (quy định cũ 12,5%/năm).

7. Mẫu hợp đồng lao động, hợp đồng dịch vụ mới trong đơn vị sự nghiệp công lập 

Thông tư số 05/2023/TT-BNV ngày 3/5/2023 của Bộ Nội vụ hướng dẫn mẫu hợp đồng dịch vụ và mẫu hợp đồng lao động đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/6/2023.

8. Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất

Quyết định số 13/2023/QĐ-TTg ngày 22/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất có hiệu lực từ ngày 01/6/2023.

Cụ thể, phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất gồm: Phế liệu sắt, thép, gang; phế liệu và mẩu vụn của nhựa (plastic); phế liệu giấy; phế liệu thủy tinh; phế liệu kim loại màu./.


Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 11 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 91
Hôm qua : 191