A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành Ngân hàng tỉnh triển khai công tác trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông

Chiều 10/11, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Kon Tum phối hợp với UBND huyện tổ chức Hội nghị triển khai công tác của ngành Ngân hàng tỉnh Kon Tum trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông năm 2023. Đồng chí Hoàng Minh Tân - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Kon Tum và đồng chí Võ Trung Mạnh - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đồng chủ trì Hội nghị.

Quang cảnh hội nghị

Thời gian qua, Ngân hàng nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Kon Tum đã tập trung chỉ đạo triển khai kịp thời, đầy đủ, tích cực các chương trình, chính sách tín dụng theo chủ trương của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, người dân trên địa bàn.

Đến cuối năm 2022, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 42.927 tỷ đồng; tổng dư nợ đến 30/9/2023 đạt 44.781 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cuối năm 2022, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế sau đại dịch, phục vụ các nhu cầu đời sống chính đáng của người dân, góp phần hạn chế việc tiếp cận “tín dụng đen” trên địa bàn. Chất lượng tín dụng được nâng lên, nợ xấu có chiều hướng giảm, tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp (0,89%). Trong 9 tháng năm 2023, tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn đạt 20.814 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cuối năm 2022.

Các đại biểu dự hội nghị

Đối với hoạt động ngân hàng trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông: Trong 9 tháng năm 2023, tỷ lệ giải ngân tại xã đạt 99,9%, tỷ lệ thu nợ gốc đến hạn tại xã đạt 97,8%, tỷ lệ thu lãi tại xã đạt 98,4%.

Năm 2022, tổng nguồn vốn huy động đạt 108 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cuối năm 2021, cao hơn mức tăng trưởng bình quân nguồn vốn huy động của toàn tỉnh 6,4%; 9 tháng năm 2023, nguồn vốn huy động đạt 117,5 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cuối năm 2022.

Đến ngày 31/12/2022, tổng dư nợ tín dụng đạt 391 tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng dư nợ tín dụng toàn tỉnh, tăng 21,8% so với cuối năm 2021. Nợ xấu khoảng 2,1 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ thấp. Đến thời điểm 30/9/2023, tổng dư nợ tín dụng tiếp tục có mức tăng trưởng ổn định, đạt 453,5 tỷ đồng, tăng 16% so với cuối năm 2021, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng bình quân của toàn tỉnh. Nợ xấu gần 5,9 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,3%/tổng dư nợ cho vay trên địa bàn huyện.

Đến 30/9/2023, tổng dư nợ cho vay các chương trình chính sách đạt 368,6 tỷ đồng, tăng 14,2% so với đầu năm, với 5.680 hộ còn dư nợ. Nợ xấu ước khoảng 5,2 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,4%/tổng dư nợ. Từ vốn vay tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho trên 2 nghìn khách hàng được tiếp cận nguồn vốn vay: 239 khách hàng vay vốn trồng Sâm Ngọc Linh với dư nợ trên 15 tỷ đồng; đầu tư chăn nuôi trâu, bò 1.500 con; xuất hiện các mô hình liên kết, tổ hợp tác kinh doanh hiệu quả; xây dựng mới, sửa chữa 625 căn nhà cho hộ nghèo; xây dựng được 254 công trình nước sạch, vệ sinh ở nông thôn; tạo việc làm cho 170 lao động...

Đồng chí Hoàng Minh Tân - Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Kon Tum điều hành hội nghị thảo luận

Nhìn chung, trong năm 2022 và 9 tháng năm 2023, kết quả hoạt động ngân hàng tại huyện Tu Mơ Rông đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tỷ lệ nợ xấu thấp, chất lượng tín dụng được đảm bảo (nợ xấu chiếm tỷ trọng 0,5%/tổng dư nợ cho vay trên địa bàn huyện). Tín dụng theo các chương trình, chính sách của Nhà nước và cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ, với tỷ trọng lần lượt là 82,5% và 11%. Nguồn vốn tín dụng đã được hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, đồng thời, phục vụ phát triển ngành kinh tế và sản phẩm chủ lực của huyện; nguồn vốn tín dụng chính sách tiếp tục phát huy vai trò quan trọng, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Đồng chí Võ Trung Mạnh - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện phát biểu tại hội nghị

Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông mới chỉ có 01 Phòng giao dịch của NHCSXH chi nhánh tỉnh Kon Tum, do đó khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cho cá nhân, tổ chức trên địa bàn, cũng như việc triển khai các chương trình, chính sách tín dụng còn gặp nhiều khó khăn. Hoạt động huy động vốn và hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn còn nhiều hạn chế.

Đồng chí Hoàng Minh Tân - Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Kon Tum kết luận hội nghị

Kết luận Hội nghị, Hoàng Minh Tân Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Kon Tum đề nghị các tổ chức tín dụng có giải pháp hình thành chi nhánh, phòng giao dịch, lắp đặt máy ATM trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông. Đồng thời, đề nghị chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông đồng hành với các hoạt động của ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn; hỗ trợ các đơn vị trong công tác trả lương qua tài khoản; chung tay tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng được tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo./.


Tác giả: CTV: Hữu Nam  
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 247
Hôm qua : 434