A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Huyện Tu Mơ Rông phát huy tiềm năng cây dược liệu

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 02/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum, huyện Tu Mơ Rông bước đầu đối mặt với khó khăn, khai phá tiềm năng thế mạnh để trở thành vùng sản xuất dược liệu trọng điểm…

Hiệu quả bước đầu trong việc phát triển diện tích cây dược liệu

Huyện Tu Mơ Rông sở hữu điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi và phù hợp để phát triển các cây dược liệu thuộc nhóm cây có thể trồng dưới tán rừng như Sâm Ngọc Linh, Đảng sâm, Đương quy, Sơn tra, Ngũ vị tử, Sa nhân,... Do đó, việc phát triển cây dược liệu không những tạo ra giá trị kinh tế to lớn mà còn góp phần tăng hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn. Bên cạnh đó, cây dược liệu là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác. Vốn là một huyện nghèo, việc phát hiện và phát triển tiềm năng cây dược liệu tại Tu Mơ Rông tương lai sẽ cải thiện được đời sống của nhân dân tại khu vực nên càng được đặc biệt chú trọng, quan tâm và đồng thuận từ chính quyền đến địa phương.

Hiện nay, các cơ sở gieo ươm, sản xuất giống cây dược liệu đảm bảo chất lượng còn rất hạn chế, nguồn giống phục vụ cho công tác phát triển dược liệu trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn. Trên địa bản tỉnh Kon Tum chỉ có 02 cơ sở cung ứng nguồn giống Sâm Ngọc Linh đảm bảo chất lượng, là Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô. Tuy nhiên, cả 02 doanh nghiệp trên hiện nay sản xuất giống mới chỉ để phục vụ cho nhu cầu phát triển của đơn vị chứ chưa cung ứng ra thị trường. Cùng lúc đó, lợi dụng thế mạnh của "Quốc bảo", trên địa bản tỉnh xuất hiện nhiều giống không rõ nguồn gốc xuất xứ và không đảm bảo chất lượng, gây tâm lý hoang mang về nguồn gốc giống, thương hiệu sản phẩm. Đây là thách thức lớn đối với huyện nhà trong việc phát triển tiềm năng cây dược liệu, đặc biệt là giống Sâm Ngọc Linh.

Từ những khó khăn trước mắt, huyện Tu Mơ Rông đã xây dựng, ban hành các Nghị quyết, Chương trình, Đề án, Kế hoạch nhằm bảo tồn, phát triển cây Sâm Ngọc Linh nói riêng và các cây dược liệu trên địa bàn nói chung để triển khai thực hiện. Từ đó, huyện nhà cũng đã thu hoạch được những kết quả nhất định.

Huyện Tu Mơ Rông đang phát huy thế mạnh của cây dược liệu

Sau khi Nghị quyết số 08-NQ/TU được ban hành, huyện Tu Mơ Rông tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương huy động nguồn lực để tập trung đầu tư, hỗ trợ phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện theo hướng tập trung, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường và hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Trao đổi với PV, ông A Hơn – Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Đến nay diện tích cây dược liệu trên địa bàn huyện tăng lên đáng kể. Điển hình, trước Nghị quyết ban hành diện tích cây Đảng sâm là 30,7 ha; cho đến thời điểm cuối tháng 5/2019 đã đạt 66,5 ha. Đặc biệt, diện tích Sâm Ngọc Linh trước khi Nghị quyết ban hành là 328,23 ha; trong đó, diện tích tập trung ở Doanh nghiệp với 313,84 ha, diện tích trồng trong dân 14,39 ha. Sau 01 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, cho đến cuối năm 2018 diện tích phát triển trong dân tăng lên 17,121 ha. Theo đó, diện tích của các loại cây Đương quy, Ngũ vị tử, Lan kim tuyến cũng đạt được kết quả nhất định”.

Xây dựng huyện trở thành vùng sản xuất dược liệu trọng điểm

Nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Kon Tum, huyện Tu Mơ Rông nhìn chung có địa hình đa dạng và phức tạp, bị chia cắt nhiều bởi các sông suối, hợp thủy và núi cao. Với địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, nhiều bậc thềm: gò đồi, vùng trũng, núi cao xen kẽ phức tạp. Trong đó, mỗi bậc là địa hình đồi núi bao quanh tạo thành những thung lũng hẹp. Chính vì thế nên việc khác thác tiềm năng đất đai vào sản xuất nông lâm nghiệp tại nơi này gặp nhiều khó khăn. Với tổng diện tích tự nhiên 85.744,25 ha, sở hữu đặc thù vùng đất có độ cao so với mực nước biển trên 1.000m nên đây là điều kiện phù hợp cho việc phát triển cây dược liệu. Bên cạnh đó, với diện tích đất lâm nghiệp lớn (trên 65% so với tổng diện tích tự nhiên), đây là điều kiện thuận lợi trong việc phát triển nguồn nguyên liệu giấy và phát triển một số cây dược liệu như Sâm Ngọc Linh, Sơn tra, Ngũ vị tử, Sâm dây, Sa nhân là nguồn nguyên liệu chính để phát triển ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản và dược liệu.

kon tum huyen tu mo rong phat huy tiem nang cay duoc lieu
Phát triển cây dược liệu không những tạo việc làm cho người dân mà còn bảo vệ được rừng

Tuy nhiên, việc phát triển dược liệu của huyện cũng gặp nhiều trở ngại cho địa hình chia cắt mạnh, giao thông đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng ở các vùng trồng còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất với quy mô lớn, tập trung. Người dân sinh sống tại địa bàn chủ yếu là người dân tộc thiểu số (chiếm 96%), đời sống còn rất nhiều khó khăn. Trong khi đó công tác đầu tư, phát triển các cây dược liệu đòi hỏi vốn đầu tư lớn, giá thành mua giống cao, nguồn đầu tư nhân lực của Nhà nước cũng như của nhân dân còn rất thiếu thốn. Kèm theo đó, công tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong việc trồng, sản xuất cây dược liệu còn rất hạn chế.

Nhằm khắc phục những khó khăn trên, trong thời gian tới, huyện Tu Mơ Rông vẫn sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả tiềm năng vốn có, xây dựng huyện nhà trở thành vùng sản xuất dược liệu trọng điểm góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo.

“Bên cạnh đó, công tác đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao kỹ thuật trong phát triển dược liệu cũng được chú trọng. Từ đó, làm bàn đạp đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và quảng bá sản phẩm, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường liên doanh, liên kết với các tổ chức chuyên sản xuất dược liệu nhằm thu mua, sơ chế, bảo quản, đảm bảo tiêu thụ hết nguồn dược liệu. Tạo môi trường thuận lợi thu hút doanh nghiệp dược liệu đầu từ phát triển bền vững vùng nguyên liệu trên cơ sở liên kết chặt chẽ sản xuất, chế biến, tiêu thụ gắn liền với xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý. Cùng với đó, chú trọng đầu tư nâng cấp các cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác bảo tồn, nhân giống và chuyển giao khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển các loại cây dược liệu thế mạnh” – Ông Hơn cho biết thêm.

Nguồn tin: tamnhin.net.vn  

Tác giả: Nguồn tin: tamnhin.net.vn  
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 11
Hôm qua : 194