A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cây “đổi đời”

Sau khi sâm Ngọc Linh ở huyện Tu Mơ Rông đổ bệnh chết, người dân nhanh chóng được cung cấp cây giống miễn phí và hướng dẫn kỹ thuật trồng mới. Giấc mơ thoát nghèo nhờ sâm Ngọc Linh nay đã sống lại với người dân vùng cao nơi dây.

Người dân tìm hiểu các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh được trưng bày tại Phiên chợ sâm Ngọc Linh ở Kon Tum
Người dân tìm hiểu các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh được trưng bày tại Phiên chợ sâm Ngọc Linh ở Kon Tum

Thoát nghèo trong tầm tay

Huyện vùng cao Tu Mơ Rông là thủ phủ trồng sâm Ngọc Linh của Kon Tum với diện tích khoảng 1.200ha. Đây được xác định là “cây thoát nghèo” của người dân nơi đây. Thực tế là nhiều hộ đã có nguồn thu từ sâm, thậm chí vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, vào tháng 3-2022, sâm Ngọc Linh bỗng dưng bị bệnh chết. Ngành chức năng vào cuộc cứu sâm. Nhiều đoàn công tác lặn lội lên tận vườn sâm lấy mẫu sâm bệnh để tìm nguyên nhân, qua đó đưa ra phương án ngăn chặn. Nhờ đó mà sau khoảng 3 tháng, tình trạng sâm chết cơ bản đã được khống chế. Hiện người dân ra sức tái đầu tư vườn sâm với sự hỗ trợ tối đa của nhà nước.

Những ngày cuối năm, chúng tôi trở lại xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông - nơi từng là căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy Kon Tum và chứng kiến cảnh người dân tất bật chăm sóc vườn sâm mới trồng lại. Anh A Chung (thôn Long Hi 2, xã Măng Ri) cho biết, vào tháng 3, vườn sâm của anh có 100 cây sâm bị chết. Đang hoang mang không biết lấy tiền đâu để mua giống tái đầu tư thì vào tháng 10 huyện cấp phát miễn phí cho gia đình 48 cây giống. “Nhận sâm giống hỗ trợ, mình lập tức mang lên vườn để trồng lại. Xã còn lên tận nơi hướng dẫn quy trình chăm sóc, làm đất. Gia đình mừng lắm. Hy vọng số sâm giống này sẽ giúp gia đình thoát nghèo”, anh A Chung tâm sự. Tương tự, anh A Thuất (xã Măng Ri) cũng mừng rỡ: “Vừa rồi được hỗ trợ miễn phí 5 cây sâm, gia đình đã mang lên rừng trồng. Chờ sâm phát triển là mình thu quả rồi ươm, nhân rộng ra. Hy vọng cây sẽ tốt, cho nhiều hạt”.

Ông Nguyễn Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND xã Măng Ri, cho biết, xã có 532 hộ dân, hầu hết đều trồng sâm. Để hỗ trợ người dân, ngân hàng đang phối hợp với xã làm hồ sơ khoanh nợ. Ngoài ra, 126 hộ nghèo, chính sách có sâm chết sẽ được hỗ trợ 5.985 cây sâm giống để trồng. Bà con rất phấn khởi vì được tạo điều kiện để trồng sâm trở lại.

Ngược về xã Đắk Hà, huyện Tu Mơ Rông, chúng tôi gặp anh Huỳnh Tấn Kiệt, cán bộ địa chính - nông nghiệp xã Đắk Hà, đang chạy lên khu rừng trước xã để hướng dẫn người dân chăm sóc sâm. Theo chân anh, chúng tôi băng qua những ngọn núi cao đặt chân đến những vườn sâm. Tại đây, sâm giống 1 năm tuổi được người dân trồng dưới tán rừng cổ thụ hồi tháng 10 nay đã phát triển xanh tốt. Anh Kiệt đến tận luống sâm của già A Năng (thôn Tu Mơ Rông, xã Đắk Hà) để hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc sâm, đồng thời tư vấn các biện pháp giữ cho cây khỏi bị sâu bệnh.


Nguồn:https://www.sggp.org.vn/ Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 37
Hôm qua : 251