Mời anh hùng Phạm Tuân 'truyền lửa' cho thanh niên tại phiên chợ sâm Ngọc Linh
Từ ngày 6 đến 8-2, huyện Tu Mơ Rông sẽ tổ chức phiên chợ sâm Ngọc Linh với nhiều hoạt động hấp dẫn, hỗ trợ kiểm định sâm thật 100%.
Chiều 6-1, UBND huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) tổ chức họp báo “Phiên chợ sâm Ngọc Linh, các dược liệu khác gắn liền với du lịch lần 2 huyện Tu Mơ Rông” diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8-2.
Theo ban tổ chức, phiên chợ sẽ có chín nội dung về sâm Ngọc Linh, các loại dược liệu thế mạnh trên địa bàn. Bên cạnh đó, còn có các hoạt động hội thảo bàn giải pháp phát triển dược liệu gắn với du lịch, bán đấu giá những “củ sâm khủng”, lâu năm. Phiên chợ sẽ có 50 gian hàng trưng bày sản phẩm và bảy khu vực tư vấn việc làm.
Phiên chợ cũng là cơ hội để giúp người dân nhận diện sâm Ngọc Linh thật. Mời những "chuyên gia" hỗ trợ phân biệt sâm thật bằng mắt thường hoặc có thể hỗ trợ xét nghiệm bằng công nghệ ADN.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết nét khác biệt ở phiên chợ lần 2 là có bốn chương trình mới, lần đầu xuất hiện, gồm: Chương trình chấp cánh ước mơ cho thanh thiếu niên Tu Mơ Rông; hội thảo liên kết về phát triển du lịch huyện Tu Mơ Rông năm 2023; hội thi sâm Ngọc linh lần thứ 1 và lễ hội khinh khí cầu bay về miền quốc bảo.
“Bốn chương trình này tập trung khai thác tiềm năng du lịch, giá trị của quốc bảo sâm Ngọc linh để nâng cao đời sống người dân Xơ Đăng. Đồng thời giúp du khách được thưởng lãm vùng đất sản sinh ra quốc bảo cũng như tiếp sức “truyền lửa” cho thanh thiếu niên mạnh dạn theo đuổi ước mơ bằng con đường học vấn”- ông Mạnh nói.
Đặc biệt, trong khuôn khổ phiên chợ, “hội thảo tiềm năng và giải pháp về phát triển du lịch huyện Tu Mơ Rông năm 2023” có vai trò rất quan trọng. Đây là dịp để nhà khoa học, đơn vị lữ hành, sở ngành, lãnh đạo hiệp hội du lịch cộng đồng các tỉnh cùng Viện Phát triển du lịch châu Á bàn luận về tiềm năng, đồng thời hiến kế để khai thác tiềm năng du lịch mà huyện đang có.
Ông Võ Trung Mạnh trả lời họp báo. Ảnh: LK. |
Đến nay, huyện Tu Mơ Rông đã phát triển được 2.937 ha cây dược liệu, trong đó sâm Ngọc linh là 1.715 ha, còn lại là các cây khác. Huyện có 30 sản phẩm OCOP từ ba đến bốn sao.
Cây dược liệu là cây “3 trong 1”, vừa giúp người dân thoát nghèo, làm giàu và là cây chủ lực. Nhờ trồng dược liệu, người dân đã thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu. Trong ba năm qua, trên địa bàn có gần 2.000 hộ thoát nghèo, nhiều hộ đã làm giàu từ sâm Ngọc linh và dược liệu (có gần 70 hộ làm giàu, thu nhập từ 500 triệu đồng đến 10 tỉ đồng).
Cây sâm Ngọc Linh. Ảnh: LK. |
Ông Mạnh thông tin thêm về một số dược liệu trên địa bàn xuất ngoại, gồm Công ty InnovGreen xuất khẩu sang Trung Quốc 1,7 tấn tinh dầu màng tang (tiêu rừng); HTX Nông sản và thảo dược Tu Mơ Rông đã bán cho đơn vị liên kết 15,3 tấn gừng, nghệ, chanh rừng, tỏi hữu cơ để chế biến sâu phục vụ xuất khẩu sang Châu Âu.
Trong buổi họp báo, Pháp Luật TP.HCM đặt câu hỏi: “Thời gian qua trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông xuất hiện tình trạng công bố diện tích trồng sâm Ngọc Linh nhưng thực tế không như công bố, có dấu hiệu trục lợi thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum. Huyện có giải pháp gì để bảo vệ thương hiệu, làm rõ tình trạng sâm thật - sâm giả?”
Ông Mạnh nói: “Thời gian tới huyện sẽ làm quyết liệt, sẽ cho rà soát lại các hộ dân, các đơn vị trồng sâm Ngọc Linh và toàn bộ danh sách các đơn vị liên kết trồng sâm ở huyện. Từ đó, đăng công khai các đơn vị trồng sâm trên website của huyện để người dân dễ nhận diện, tránh tình trạng lợi dụng việc liên kết “không có thật” để trục lợi”.