A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đưa sâm Ngọc Linh trở thành ngành công nghiệp mới của Việt Nam

Trong các ngày 24-26/4/2022, lần đầu tiên tại huyện miền núi Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum diễn ra phiên chợ sâm Ngọc Linh, thu hút hàng nghìn lượt khách đến từ nhiều địa phương.

Đây không chỉ là sự kiện có quy mô lớn nhất từ trước tới nay nhằm quảng bá thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum mà còn là dịp để du khách tìm hiểu, khám phá những giá trị quý hiếm của sản vật được coi là “quốc bảo” của Việt Nam.

Tu Mơ Rông, huyện miền núi khu vực phía Bắc Tây Nguyên là thủ phủ của sâm Ngọc Linh, một trong những sản phẩm có giá trị nhất thế giới. Dù còn khó khăn về điều kiện giao thông và hạ tầng kỹ thuật, một số nơi vẫn chưa có sóng điện thoại nhưng UBND huyện đã phối hợp với Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum tổ chức thành công phiên chợ sâm ở cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Bên cạnh 46 gian hàng của 32 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, cơ sở trồng, sản xuất, chế biến sâm Ngọc Linh, các loại dược liệu khác và sản phẩm đặc hữu trong phiên chợ trực tiếp tại quảng trường trung tâm huyện là phiên chợ trực tuyến diễn ra 10 ngày (từ 22/4 đến 02/5) trên trang thương mại điện tử của tỉnh Kon Tum và của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum, doanh nghiệp đang bảo tồn và phát triển vườn sâm Ngọc Linh lớn nhất Việt Nam. Đáng chú ý, các củ sâm tại đây đều có mã QR Code truy xuất nguồn gốc.

Sâm Ngọc Linh có tiềm năng phát triển thành công nghiệp trị giá hàng tỷ đô la không chỉ cho địa phương mà cho đất nước (Ảnh: Việt Hà)

Nhiều năm qua, sâm Ngọc Linh được giới khoa học và y dược học trên thế giới liên tục tìm kiếm và ngày càng phát hiện thêm nhiều tính năng đặc biệt có giá trị cho sức khoẻ con người. Với 52 hợp chất saponin (hợp chất có tác dụng chính trong phòng ngừa ung thư, tăng cường sức khoẻ), nhiều gấp đôi số lượng saponin so với sâm Hàn Quốc, cùng 26 loại saponin chưa từng được tìm thấy trong các loại sâm khác, sâm Ngọc Linh của Việt Nam được đặt danh pháp khoa học là Panax vietnamensis, để khẳng định thương hiệu và giá trị riêng biệt của cây dược liệu quý này.

Chính vì quý hiếm nên sau hơn hai thập kỷ khai thác, tính từ năm 1973, sâm Ngọc Linh từng ở bên bờ vực tuyệt chủng do con người khai thác vô độ. Bắt đầu từ năm 1997, nhờ được bảo tồn kịp thời tại khu vườn sâm Ngọc Linh Kon Tum K5 rộng gần 1.000 ha thuộc huyện Tu Mơ Rông, cây sâm đã được hồi sinh và hiện đang được gieo trồng, phát triển hoàn toàn trong điều kiện tự nhiên.

Bên cạnh việc bảo tồn và phát triển theo quy mô lớn, UBND huyện Tu Mơ Rông và Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh còn tổ chức tặng cây giống, khuyến khích người dân tự trồng sâm để ổn định cuộc sống, bảo vệ rừng, làm giàu cho gia đình, đồng thời tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu, hướng tới mục tiêu phát triển thành ngành công nghiệp chế biến sâu dựa trên sản vật quý báu này.

Sau hơn 20 năm “lặng lẽ” bảo tồn, phiên chợ đầu tiên này thu hút hàng nghìn người gồm du khách, nhà khoa học, doanh nghiệp trong lĩnh vực dược phẩm, thực phẩm, sản phẩm công nghiệp chế biến sâu đến từ các địa phương như Lai Châu, Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cà Mau... 

Một sản phẩm sâm Ngọc Linh được giới thiệu tại phiên chợ (Ảnh: Việt Hà) 

Anh Phạm Ngọc Dương (cư trú tại Hà Nội) người có nhiều năm nghiên cứu cây sâm chia sẻ: “Tôi đã đi nhiều vùng trồng sâm trong và ngoài nước, nhưng ở đây, trên độ cao 2.000 m, dưới tán rừng già, vườn sâm Ngọc Linh Kon Tum K5 thật sự là "khu rừng quốc bảo" với những "thảm thực vật sâm” dày đặc dưới tán. Mấy chục ha rừng sâm được bảo tồn từ nhiều năm qua, đẹp như trong mơ, trải dài bên đường, tít hút đỉnh núi, hiện ra như chuyện cổ tích, thực sự khó tin”.

Ngoài ra, hàng trăm du khách tham gia chuyến hành trình caravan “Về miền quốc bảo” cũng ngỡ ngàng khi khám phá vẻ đẹp cũng như tiềm năng giá trị của cây sâm Ngọc Linh. Nếu như trước đây, người tiêu dùng chỉ biết có thể sử dụng sâm Ngọc Linh dưới dạng nguyên củ hoặc chế biến sơ như ngâm rượu, ngâm mật ong… thì nay hàng loạt sản phẩm chế biến sâu có nguồn gốc từ sâm Ngọc Linh đã ra đời như trà sâm, tổ yến sâm, nước tăng lực sâm Ngọc Linh Night Wolf, nước uống collagen Noliko…, tạo ra hệ sinh thái sản phẩm phong phú, có tiềm năng phát triển thành công nghiệp trị giá hàng tỷ đô la không chỉ cho địa phương mà cho đất nước.

Năm 2018, khi đến thăm vườn sâm Ngọc Linh Kon Tum K5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (khi đó là Thủ tướng Chính phủ), đã gọi sâm Ngọc Linh là “quốc bảo” của Việt Nam và đề nghị các doanh nghiệp phải tập trung bảo tồn, phát triển vùng nguyên liệu, biến sản phẩm quốc bảo thành các sản phẩm quốc kế dân sinh, tạo việc làm cho người dân và tạo điều kiện cho người tiêu dùng có thể sử dụng sản phẩm quý với chi phí hợp lý.

Thành công của phiên chợ sâm Tu Mơ Rông được coi là sự khởi đầu cho một chiến lược dài hạn, cần thêm các nhà khoa học, doanh nghiệp cùng tham gia để tạo nên những đột phá về công nghệ, góp phần đưa sâm Ngọc Linh trở thành thương hiệu quốc gia trên thị trường thế giới, bên cạnh cà phê và lúa gạo./.


Nguồn:https://dangcongsan.vn/ Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 308
Hôm qua : 533