Tạo sản phẩm du lịch đặc trưng khi gắn với vùng sâm Ngọc Linh
Là địa phương có vườn trồng sâm Ngọc Linh lớn trong cả nước, huyện Tu Mơ Rông và tỉnh Kon Tum đang định hình xây dựng du lịch gắn với vùng sâm Ngọc Linh. Theo đó, du khách đến thủ phủ của sâm Ngọc Linh ở phía bắc tỉnh Kon Tum có thể tìm hiểu về quá trình trồng, chăm sóc, bảo vệ loài cây được mệnh danh là 'quốc bảo' này.
Về tận vùng lõi của trồng sâm Ngọc Linh, chúng tôi được cán bộ xã Ngọc Lây dẫn đi tìm hiểu về quy trình trồng, chăm sóc trồng cây sâm Ngọc Linh tự nhiên và ươm trồng nhân tạo. Ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) cho biết: Xã có đến 7.500 ha là diện tích rừng che phủ và được mệnh danh là “rốn” của trồng cây dược liệu như: Sâm Ngọc Linh, sâm dây, kim ngân hoa… Đây là những cây dược liệu trồng dưới tán rừng.
Sâm Ngọc Linh được trồng dưới tán rừng.
Dù được trồng trong rừng nhưng vườn sâm được quây tôn và bảo vệ cẩn thận.
Do là sâm Ngọc Linh là cây dược liệu quý chỉ sinh trưởng ở độ cao trên 1.600 m, dưới tán rừng nên để trồng được loại cây này tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng, tránh bị lây mầm bệnh. Thậm chí, đối với người dân bản địa, sâm Ngọc Linh là loài "thuốc giấu", không dễ tiết lộ địa điểm trồng, diện tích trồng cho người khác biết.
“Trước đây, sâm Ngọc Linh do dân trồng tự nhiên, nhưng sau khi doanh nghiệp đầu tư hỗ trợ vốn, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, sâm Ngọc Linh trở thành cây dược liệu có giá trị cao. Nhiều hộ đã chuyển thành cây trồng hàng hóa. Trong 3 năm gần đây, có 2 doanh nghiệp trồng và cấp giống, kỹ thuật cho người dân về giống, kỹ thuật. Toàn xã có khoảng 600 hộ dân thì có tới 300 hộ trồng sâm. Hiện sâm trồng chia thành 2 loại sản phẩm: Trồng tự nhiên và trồng thành sản phẩm chế biến, được tạo dựng là những sản phẩm OCOP”, ông Đặng Quốc Dũng chia sẻ.
Với khu vườn ươm trồng nhân tạo, du khách được vào trong để được giới thiệu về quy trình nhân giống, ươm.
Các giống cây sâm Ngọc Linh tại vườn ươm này đều có mã QR code ghi rõ lịch sử trồng, chăm sóc.
Cùng với việc hình thành vùng trồng sâm, huyện Tu Mơ Rông và xã Ngọc Lây cũng đã hình thành đề án xây dựng làng thanh niên lập nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm về rừng, dược liệu theo hướng xây dựng hôm hình làng du lịch homestay và famstay. “Đề án này triển khai trong thời gian tới với khoảng 80 hộ gia đình thanh niên niên lập nghiệp, phát triển du lịch có sự hỗ trợ của cả doanh nghiệp trồng sâm và doanh nghiệp du lịch. Theo đó, đơn vị sẽ xây dựng chương trình tour 2-3 ngày trải nghiệm về bản sắc văn hóa dân tộc, tham thác, du lịch rừng sinh thái. Gần đây, Hiệp hội du lịch tỉnh Kon Tum cũng đã lên một số xã trên địa bàn khảo sát, tư vấn tạo tuyến điểm thu hút khách”, ông Đặng Quốc Dũng chia sẻ.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, rừng - sâm Ngọc Linh - các loại dược liệu gắn với du lịch tạo thành lợi thế của Tu Mơ Rông, giúp đồng bào nơi đây thoát nghèo. Trong đó, giữ rừng là điều kiện tiên quyết để phát triển các lợi thế còn lại, mất rừng không thể phát triển sâm Ngọc linh và các loại dược liệu đặc hữu. Khi không còn sâm Ngọc Linh thì không còn lợi thế khác biệt để phát triển du lịch và mất rừng sẽ không còn nguồn nước, không còn thác nước đẹp, không còn nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Là một thương hiệu được nhiều người biết đến, huyện Tu Mơ Rông định hướng thông qua con đường du lịch để đưa sâm Ngọc Linh và các sản phẩm đặc hữu cung cấp đến người tiêu dùng, đồng thời phát huy được chuỗi kinh tế xanh này nhằm đưa người dân Xơ Đăng thoát nghèo hướng tới làm giàu.
Để di chuyển lên vùng trồng sâm Ngọc Linh, đoàn khảo sát di chuyển bằng xe bán tải do đường nhỏ hẹp. Từ trung tâm thị trấn lên vùng trồng sâm Ngọc Lây cách khoảng 25 km.
Lãnh đạo huyện Tu Mơ Rông giới thiệu về danh thắng, sự kết hợp du lịch sâm Ngọc Linh với trải nghiệm sinh thái, văn hóa bản địa.
Du khách đến đây có thể tìm hiểu về văn hóa dân tộc Xơ Đăng, phía Bắc Tây Nguyên.
Còn theo ông Huỳnh Đức Tiến, nguyên Chủ tịch Hiệp hội du lịch Kon Tum, các doanh nghiệp du lịch tỉnh kết hợp với các hiệp hội du lịch địa phương tiến hành khảo sát khu vườn sâm và tư vấn cho huyện về hướng phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa kết hợp tìm hiểu về trồng sâm Ngọc Linh. Gần đây nhất, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đã tiến hành khảo sát tuyến điểm khu vực này với mong muốn đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với việc trải nghiệm, tiêu dùng các sản phẩm liên quan đến sâm Ngọc Linh
Ở góc độ doanh nghiệp du lịch, chị Đỗ Quyên, Giám đốc công ty TTS Travel (Hà Nội) cho biết: Làm du lịch đi các chương trình Hàn Quốc, nhất là các tour mua sắm có liên quan đến sâm, họ làm bài bản chuyên nghiệp. Ngay tại Thủ đô họ có cửa hàng, trung tâm giới thiệu về quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch. Họ giới thiệu cả cây sâm tự nhiên và hình ảnh để giới thiệu với khách. Tại ngay thành phố Kon Tum cũng có cửa hàng giới thiệu theo phong cách này nhưng còn sơ lược. Hiểu về tính năng của sâm nên tôi có đặt mua 2 kg giá 340 triệu đồng (loại 20 củ/kg) mà không có để mua. Do đó, với khách từ Hà Nội và các thành phố lớn, nhu cầu mua sâm “xin” là rất lớn, tránh tâm lý mua hàng giả đang chào bán tràn lan trên mạng xã hội.
Theo các doanh nghiệp du lịch Hà Nội tham gia đoàn khảo sát về du lịch Kon Tum đều chung đánh giá: Huyện Tu Mơ Rông có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, văn hóa dân tộc nhưng hạ tầng còn khá khiêm tốn. Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist cho rằng; Với ngã ba biên giới Đông Dương, khu du lịch Măng Đen, khu vực trồng sâm huyện Tu Mơ Rông là những điểm tạo nên sự khác biệt thu hút khách đến Kon Tum. Tuy nhiên, hạ tầng từ huyện đến vùng trồng sâm còn khá khó khăn, do đó tỉnh, huyện kết hợp với Hiệp hội du lịch địa phương cần nâng cấp hạ tầng, tạo dựng sản phẩm du lịch thích hợp với từng nhóm khách. Trước mắt, chương trình du lịch đến huyện Tu Mơ Rông kết hợp với vườn sâm Ngọc Linh phù hợp với du lịch đoàn caravan và nhóm khách gia đình có mức chi tiêu cao.
Đến nay, tỉnh Kon Tum đã có hơn 1.165 hộ gia đình; 30 nhóm hộ, tổ liên kết sản xuất và 5 doanh nghiệp tham gia trồng sâm Ngọc Linh với tổng diện tích đã trồng là hơn 1.240,7 ha. Diện tích sâm này trồng tập trung chủ yếu ở địa bàn các xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lây của huyện Tu Mơ Rông (với hơn 1.190 ha).