A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Săn chuột trên đỉnh Ngọc Linh

Khi sâm Ngọc Linh đậu quả, những con chuột rình mò trong đêm đến ăn và cắn phá "quốc bảo", khiến người trồng sâm mở nhiều cuộc săn lùng.

Sâm Ngọc Linh ở huyện Tu Mơ Rông là dược liệu quý hiếm, được trồng ở độ cao hơn 2.000 m, dưới tán rừng già. Đầu năm, cây sâm đâm chồi sau thời gian ngủ đông, từ tháng 4-8 mới ra hoa, kết hạt. Để chống trộm, người dân đặt bẫy chông khắp cánh rừng cùng nhiều lớp rào bảo vệ. Điều người trồng sâm lo ngại nhất là đám chuột lẩn khuất trong đêm, rình mò ăn quả, thậm chí gặm nhấm cả củ sâm.

Con chuột ăn trộm sâm Ngọc Linh giữa ban ngày bị bắt. Ảnh: Trần Hoá

Con chuột "ăn trộm" sâm Ngọc Linh bị bắt. Ảnh: Trần Hoá

Sáng tinh mơ của ngày cuối năm 2022, dưới tán rừng rậm, nhóm thanh niên mang từng bó bẫy chuột, phăng phăng hướng lên vườn sâm. Trên đường đi, một người trong nhóm phát hiện con chuột chạy vào hốc cây cổ thụ, cả nhóm xúm lại bắt được "kẻ trộm" trong vài phút.

Vác trên vai hơn 30 bẫy kẹp, A Ngôm, 38 tuổi, trưởng thôn Đăk Dơn, xã Măng Ri, kể từ xưa người Xơ Đăng nơi đây biết đến công dụng sâm Ngọc Linh. Họ thường lên rừng hái sâm về ngâm rượu, làm thuốc... Tám năm trước, hàng chục hộ dân tại thôn Đăk Dơn, xã Măng Ri, xin làm công nhân tại các công ty trồng sâm trên địa bàn. Đến nay, hơn 72 hộ tham gia chăm sóc, bảo vệ nguồn giống sâm. Họ dựng trại cách vườn sâm khoảng 2 km, chia làm ba tổ, mỗi tổ 13 người.

Bên cạnh nhận lương 4 triệu đồng một tháng, hằng năm bà con đồng bào Xê Đăng được cấp cho mỗi hộ 100 hạt sâm, nhằm duy trì nòi giống. Số sâm này người dân trồng chung trong một khu vườn bí mật và cắt cử người trông coi.

Anh Ngôm nhớ lại lúc đi tuần tra bảo vệ vườn sâm, mọi người trong tổ phát hoảng vì những gốc sâm cứ héo dần, một số cây không còn củ. Ban đầu người dân nghi ngờ ai đó phá hoại, họ lùng sục khắp cánh rừng nhưng không tìm được dấu vết. Mãi về sau, một người chứng kiến chuột đang ăn củ sâm.

Từ tháng 4 đến tháng 8, sâm Ngọc Linh bắt đầu ra quả, là lúc lũ chuột tìm cách phá hoại. Ảnh: Trần Hoá

Từ tháng 4 đến tháng 8, sâm Ngọc Linh bắt đầu ra quả, là lúc lũ chuột tìm cách phá hoại. Ảnh: Trần Hoá

Kể từ đó, ngoài đặt bẫy chông, dân địa phương hằng đêm cầm nỏ và bẫy đi săn chuột. Những loại bẫy này không cần dùng mồi mà đặt ở lối mòn hoặc gốc cây cổ thụ, khi chuột đi qua bẫy sập xuống. Tuy nhiên, loài chuột rất tinh khôn, khi con đi trước mắc bẫy, những con đi sau sẽ né, tìm đường khác.

Mỗi đêm nhóm thợ săn bắt được 40-50 con, rồi chia đều cho mỗi người đem về nhà để dành. Riêng phần đuôi họ cắt bán cho các công ty sâm với giá 10.000 đồng một cái, mục đích hạn chế tình trạng chuột phá hoại sâm.

"Loài chuột quý tộc có màu xám vàng, con to nhất nặng tới ba lạng. Chuột sau khi bắt sẽ được chế biến, làm món ăn trong các dịp lễ lớn như Tết Nguyên đán, lễ mừng lúa mới, đãi khách quý thăm nhà", A Ngôm nói và cho biết người Xơ Đăng thường nấu thịt chuột với rau dớ (một loại cây mọc ở bìa rừng có vị chua).

Đứng trên vườn sâm 5 năm tuổi, rộng hai sào, anh A Chung, 42 tuổi, ở làng Đăk Dơn, đội trưởng bảo vệ vườn sâm cho biết, muốn trồng sâm Ngọc Linh chỉ có cách ươm từ hạt. Cả vườn sâm rộng hàng trăm ha mỗi năm chỉ thu hoạch vài chục kg hạt. Thế nhưng đến mùa trổ hạt, lũ chuột lại đu lên cây sâm, ngồi gặm nhấm hàng trăm hạt một lúc.

Theo A Chung, một kg sâm Ngọc Linh 5 năm tuổi giá gần 200 triệu đồng, giá trị phụ thuộc vào độ tuổi của sâm. Sâm quý nên các chủ vườn phải canh giữ ngày đêm, nhưng họ vẫn sợ nhất loài chuột vì chỉ cần lơ đễnh một đêm có thể tổn thất cả chục triệu đồng.

Vườn sâm Ngọc Linh của công ty ở huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: Trần Hoá

Vườn sâm Ngọc Linh của công ty ở huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: Trần Hoá

Đến hết năm 2022, tỉnh Kon Tum đã trồng gần 6.600 ha cây dược liệu, riêng sâm Ngọc Linh trên 1.740 ha. Bên cạnh mở rộng diện tích, Kon Tum tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, bước đầu hình thành các phiên chợ dược liệu ngay tại vùng trồng, tăng thu nhập cho nông dân Xơ Đăng.

Theo ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, từ cây dược liệu, năm 2022 nhiều người dân huyện Tu Mơ Rông đã có thu nhập cao, hộ nghèo giảm. Huyện đang nỗ lực để kinh tế dược liệu mang lại thu nhập tốt, nâng cao đời sống người Xơ Đăng vốn chiếm trên 95% dân số ở địa bàn.

Trước đó, tháng 9/2018 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến công tác tại Kon Tum đã gọi sâm Ngọc Linh là "quốc bảo" và đề nghị đưa loại cây trồng này thành "quốc kế dân sinh".

Theo một số tài liệu, thân, rễ và củ sâm Ngọc Linh Việt Nam chứa 52 hợp chất saponin có tính kháng khuẩn, kháng ung thư, axit béo... Trong đó một nửa (26) hợp chất saponin có ở sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật, sâm Trung Quốc; còn lại 26 hợp chất saponin cấu trúc mới, không có trong các loại sâm khác.


Nguồn:https://vnexpress.net/ Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 446
Hôm qua : 251