A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổng hợp câu hỏi và trả lời tại buổi tiếp xúc đối thoại giữa Chủ tịch UBND huyện với các đoàn viên, hội viên, thanh niên năm 2023

Câu1. Hiện nay, diễn ra thực trạng phụ nữ không có việc làm ổn định, nhiều chị em phải đi làm ăn xa. Trong năm 2022 trên địa bàn xã Văn Xuôi đã có Tổ hợp tác xã (THTX) trồng rau sạch tại khu tái định cư, có rất nhiều chị em tham gia làm. Nhưng vì lý do nào đó mà THTX không trả tiền công cho mấy chị em nên các chị đã bỏ, thậm chí có người làm cả mấy tháng không trả lương. Kính đề nghị Chủ tịch UBND huyện quan tâm chỉ đạo giải quyết, đồng thời có giải pháp, phương án nào tạo công ăn việc làm tại chỗ, giúp phụ nữ có nhiều cơ hội việc làm hơn, khuyến khích phụ nữ ở lại địa phương?

UBND xã Văn Xuôi tham mưu trả lời:

       - Thu nhập chính của nhân dân trên địa bàn xã là sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, tuy nhiên phương thức canh tác, chăn nuôi còn nhiều bất cập nên thu nhập còn thấp (trung bình 15 triệu đồng/người/năm) có số rất ít làm thuê cho chính bà con trong xã với mức công 100 ngàn mỗi ngày, ngoài ra trên địa bàn xã, huyện chưa có các công ty, doanh nghiệp để thu hút lao động tại chỗ. Vì vậy một số chị em đã rời địa phương để đi lao động trong và ngoài nước với mong muốn có mức thu nhập cao hơn, đây là một điều tất yếu. Trong thời gian qua Đảng ủy, Ủy ban và các ban nghành từ xã đến thôn tích cực trong công tác vận động, thực hiện kế hoạch của Huyện ủy, Ủy ban huyện về thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vương lên thoát nghèo bền vững và đã đạt được một số kết quả nhất định.

        - Nhằm dần thay đổi nếp nghĩ cách làm cho nhân dân trên địa bàn xã, sau nhiều cuộc vận động, ngày 19 tháng 8 năm 2022 trên địa bàn xã thành lập HTX Toong Xăng Xanh ban đầu gồm 15 thành viên, vốn bỏ ra để xây dựng cơ sở ban đầu là hơn 700 triệu đồng (nhà màng, cuốc cày đất, giống, phân.. ) phương án kinh doanh chính là trồng trọt. Trong thời gian hoạt động thì HTX có thuê thêm lao động là bà con trong xã để tham gia sản xuất và được trả lương hàng tháng với mức 3,6 triệu đồng/tháng (ngày nào làm chấm công ngày đó; chủ nhật nghỉ và được tính nguyên lương), từ tháng 8 đến tháng 12/2022 HTX đã thanh toán đầy đủ số tiền công cho các lao động được thuê mặt dù sản phẩm từ trồng trọt chưa đem lại thu nhập cho HTX,  từ đó đã tạo được động lực, khí thế trong thôn nơi HTX hoạt động. Vì chưa có nguồn thu ổn định nên từ tháng 12/2022 đến tháng 3/2023 HTX chi trả chậm lương cho các lao động được thuê, chỉ cho tạm ứng hàng tháng vì vậy bà con ít còn mặn mà với định hướng cùng phát triển của HTX, số tiền HTX còn nợ các lao động là 32,2 triệu đồng.

       - Trong thời gian hoạt động UBND xã luôn đồng hành cùng HTX và cùng bà con. Nhằm giải quyết vấn đề trên ngay trong tháng 4/2023 lãnh đạo UBND xã đã mời hội đồng quản trị HTX cùng toàn thể các thành viên và các lao động được HTX thuê còn nợ lương lên xã để cùng bàn cách giải quyết (tham dự cuộc họp có lãnh đạo Đảng ủy, HĐND và các ban nghành xã cùng tham dự). Trong cuộc họp đại diện Hội đồng quảng trị của HTX (ông Nguyễn Đức Trung - chức vụ Chủ tịch hội đồng) thống nhất giải quyết trong thời gian sớm nhất và đã được 100% các hộ đồng ý. UBND xã luôn bám sát vấn đề trên, liên tục đốc thúc HTX để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Câu 2.  Hiện nay trên địa bàn xã Đăk Sao đã triển khai thực hiện nhiều chính sách vay vốn cho hội viên, phụ nữ tiếp cận để phát triển sản xuất như: hộ nghèo, cận nghèo, hộ thoát nghèo, nước sạch vệ sinh và môi trường, sản xuất kinh doanh để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt. Tuy nhiên, hội viên phụ nữ có nhu cầu vay thêm các nguồn vốn trồng ưu đãi như: vốn giải quyết việc làm để trồng Sâm ngọc linh, trồng cà phê, chăn nuôi bò sinh sản,..... Vì vậy Hội LHPN xã Đăk Sao kính đề nghị Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo cơ quan chức năng tạo điều kiện để hội viên phụ nữ xã Đăk Sao được vay nguồn vốn ưu đãi này để chị em phát triển kinh tế.

Câu 7. Đề nghị lãnh đạo UBND huyện có giải pháp, tạo điều kiện vốn vay cho ĐVTN có nhu cầu.

Phòng Giao dịch NHCSXH huyện tham mưu trả lời câu 2 và câu 7:

- Hiện nay tại phòng giao dịch NHCSXH huyện đã triển khai cho vay 17 chương trình tín dụng chính sách xã hội để phục vụ cho các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác. Về vốn vay, phòng giao dịch NHCSXH huyện đáp ứng đủ nguồn vốn khi các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn.

- Đối với nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm: Trong những năm gần đây phòng giao dịch NHCSXH huyện thường xuyên tham mưu UBND huyện có văn bản gửi chi nhánh NHCSXH tỉnh để xin bổ sung nguồn vốn vay phục vụ trồng sâm Ngọc Linh và đã được chi nhánh NHCSXH tỉnh quan tâm chuyển bổ sung. Tuy nhiên, đối với nguồn vốn này NHCSXH cấp trên căn cứ vào nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH huyện hàng năm để chuyển vốn với mức tương đương. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu vốn giải quyết việc làm theo ý kiến kiến nghị của Hội viên Hội LHPN xã Đăk Sao nói riêng cũng như toàn thể các Hội viên trên địa bàn huyện nói chung. Phòng giao dịch NHCSXH huyện kính đề nghị UBND huyện tiếp tục quan tâm chuyển bổ sung nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH huyện trong năm 2023 cũng như các năm tiếp theo.

Câu 3. Căn cứ Nghị định 56/2012/NĐ-CP ngày 16/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định trách nhiệm của bộ, ngành, UBND các cấp trong việc đảm bảo cho các cấp Hội LHPN tham gia quản lý Nhà nước; quy chế phối hợp giữa Hội LHPN - UBND giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết Đại hội Đại biểu phụ nữ tỉnh, huyện, xã nhiệm kỳ 2021-2026, để nâng cao chất lượng hoạt động Hội LHPN, đạt chỉ tiêu về thực hiện khâu đột phá ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo và hoạt động Hội. Kính đề nghị Chủ tịch UBND huyện quan tâm hỗ trợ cơ sở vật chất phục vụ công tác cho Hội LHPN các cấp (Máy vi tính, máy in), nhất là cấp cơ sở vì hiện nay hầu hết các xã chưa được trang bị máy vi tính, máy in phòng làm chung với các đoàn thể khác.

Nội dung câu hỏi đã được Chủ tịch UBND huyện trả lời trực tiếp tại buổi đối thoại với đoàn viên, hội viên năm 2022 và có báo cáo số 666/BC-UBND, ngày 30/9/2023.

Phòng Tài chính- Kế hoạch huyện tham mưu trả lời:

Theo phân cấp ngân sách, UBND huyện đã phân bổ kinh phí đầu năm 2023 cho UBND các xã thực hiện đảm bảo theo quy định; trong đó bao gồm kinh phí hoạt động quản lý nhà nước, Đảng, Đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội của địa phương. Việc phân bổ chi tiết do HĐND xã quyết định. Căn cứ tình hình thực tế, kinh phí được giao, UBND xã cân đối để thực hiện trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo đúng định mức theo quy định. Nếu ngân sách xã không đảm bảo được, đề nghị UBND các xã lập dự toán gửi về UBND qua Phòng Tài chính - Kế hoạch để xem xét cân đối hỗ trợ trong khả năng cân đối ngân sách. Đồng thời, đề nghị UBND các xã phối hợp Phòng Văn hóa - Thông tin để đăng ký mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ chuyển đổi số ứng dụng công nghệ thông tin đã giao đầu năm cho Phòng Văn hóa - Thông tin thực hiện.

         Câu 4. Tại khoản 7. Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP, ngày 15/3/2021 có quy định: Trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 3 và 6 Điều này đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn được hỗ trợ hàng tháng là 540.000đ/tháng. Lợi dụng chính sách này một số hộ gia đình nghèo, cận nghèo sinh con liên tục để được hưởng chế độ đối với trẻ dưới 3 tuổi. Kính đề nghị Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng liên quan có các giải pháp cụ thể để tháo gỡ nội dung này.

Phòng  Lao động- Thương binh & Xã hội huyện tham mưu trả lời:   

         -  Tại khoản 7. Điều  5 Nghịđịnh 20/2021/NĐ-CP,  ngày  15/3/2021 của Chính  phủ.  Chính  phủ trợ cấp  trẻ em dưới  3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo là chính sách đặc thù đối với hộ gia đình thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn.

        - Với mức hỗ trợ 540.000đ/tháng/1đứa trẻ là không đủ để nuôi dưỡng một đứa trẻ theo mặt bằng chung của toàn xã hội, nhất là các mặt hàng, đồ dùng hiện tại có xu hướng ngày một tăng giá;

        - Theo  ý  kiến  của phòng Lao động –Thương binh và Xã hội. Đối  với  ý kiến vềviệc lợi dụng chính sách này một số hộ gia đình nghèo, cận nghèo sinh con liên tục để được hưởng chế độ đối với trẻ dưới 3 tuổi là không có cơ sở.

Câu 5. Đề nghị lãnh đạo UBND huyện xem xét, đề xuất cải cách chế độ chi trả cho Bí thư chi đoàn thôn. Vì theo mức chi hiện tại giao động khoảng 100.000 đồng/tháng không thu hút được thanh niên tham gia.

Phòng Nội vụ huyện tham mưu trả lời:

Chế độ của Bí thư chi đoàn thôn do UBND xã chi trả trên cơ sở tổng hợp các ngày công được cử tham gia các hoạt động của thôn là 100.000 đồng/người/ngày được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 36/2020/NQ-HĐND ngày 16 tháng 7 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh và Nghị quyết số 55/2021/NQ-HĐND ngày 22 tháng 10 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 36/2020/NQ-HĐND  ngày  16  tháng  7  năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Do đó, câu hỏi của Huyện đoàn mức chi hiện tại giao động khoảng 100.000 đồng/tháng không thu hút được thanh niên tham gia là chưa sát với thực tế.

Câu 6. Đề nghị lãnh đạo UBND huyện cho biết quy định nào về việc sử dụng nguồn kinh phí ngân sách cấp cho hoạt động của các hội Đoàn thể xã để chi cho việc khen thưởng các ngày lễ tết, chi công tác phí cho người làm công tác Đoàn thể xã?

Phòng Tài chính- Kế hoạch huyện tham mưu trả lời:

- Quy định về chi khen thưởng: Thực hiên theo Thông tư số 08/2017/TT-BNV ngày 21/10/2017 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng.

- Quy định về chi các ngày lễ, tết: Thực hiện theo quy định tại Điều 98, Điều 112 Bộ Luật số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 Bộ Luật Lao động.

- Quy định về chi công tác phí: Thực hiện theo Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ hội nghị.

UBND xã:

UBND huyện đã phân bổ kinh phí đầu năm 2023 cho UBND các xã thực hiện đảm bảo theo quy định; trong đó bao gồm kinh phí hoạt động quản lý nhà nước, Đảng, Đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội của địa phương; kinh phí hỗ trợ các tổ chức xã hội đặc biệt khó khăn. Các hội đoàn thể sử dụng nguồn đã được giao để chi cho việc khen thưởng, các ngày lễ tết, chi công tác phí cho người làm công tác Đoàn thể xã.

Ngoài dự toán chi thường xuyên được phân bổ theo số biên chế, các đơn vị được phân bổ kinh phí để đảm bảo chi tiền lương, phụ cấp và các khoản đóng góp theo chế độ quy định và kinh phí để đảm bảo các nhiệm vụ đặc thù, cụ thể của từng cơ quan, đơn vị như: các khoản chi thường xuyên phục vụ hoạt động bộ máy các cơ quan: Khen thưởng theo chế độ, phúc lợi tập thể; thông tin, tuyên truyền, liên lạc; công tác phí, hội nghị, tổng kết; đoàn ra, đoàn vào theo nhiệm vụ, kế hoạch cụ thể của từng ban ngành...

Câu 8. Định hướng của Huyện trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong thời gian tới?

Phòng NN&PTNN huyện tham mưu trả lời:

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gắn với phát triển cây dược liệu, là yêu cầu thực tế khách quan và cần thiết, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và Pháp luật của Nhà nước, điều kiện thực tế ở địa phương và xu thế phát triển trong tình hình mới nhằm nâng cao thu nhập, ổn định sản xuất, đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Do vậy UBND huyện đã ban hành quyết định 299/QĐ-UBND ngày16/6/2021 Phê duyệt Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với pháttriển cây dược liệu trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025.

- Về Xu hướng phát triển cơ cấu cây trồng vất nuôi:

+ Cây Sâm Ngọc Linh: Với diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn huyện lớn, trên 57.000 ha, có khí hậu mát mẻ, trong lành phù hợp với điều kiện sinh trưởng và phát triển của các loại cây dược liệu quý hiếm như: Sâm Ngọc Linh, Đảng sâm, đương quy, ngũ vị tử, sơn tra.... Trong đó đặc biệt là cây Sâm Ngọc Linh được biết đến là loại dược liệu đặc hữu quý hiếm bậc nhất thế giới.

+ Cây dược liệu: Tập trung mở rộng diện tích, tăng cường công tác thâm canh cây Đảng sâm để tăng năng suất và sản lượng, phát triển diện tích cây Sơn tra trên các diện tích đất trống đã được giao khoán để phủ xanh đồi núi trọc và tăng thu nhập cho người dân, bảo vệ và khai thác các diện tích cây Ngũ vị tử, Sa nhân tím trong tự nhiên, phát triển cây Đương quy, cây Bo bo trên địa bàn huyện khi có thị trường tiêu thụ ổn định.

+ Cây công nghiệp dài ngày: Ổn định và khai thác có hiệu quả cây cao su, không trồng mới diện tích cây Bời lời trong giai đoạn mà tập trung bảo vệ và khai thác diện tích đã có trong dân, chuyển đổi một số diện tích cây bời lời đã khai thác chuyển sang trồng một số cây như cà phê, cây dược liệu, phát triển ổn định diện tích cây cà phê, tập trung thâm canh để tăng năng suất, sản lượng và chất lượng cà phê.

+ Cây lương thực: Đảm bảo lương thực tại chỗ cho người dân, ổn định diện tích lúa nước bằng cách Tiếp tục đầu tư thâm canh, sử dụng có hiệu quả diện tích đất trồng lúa hiện có. Đồng thời chuyển đổi một số diện tích lúa Đông xuân, sang trồng một số cây có hiệu quả kinh tế cao hơn như các cây dược liệu.

+ Chú trọng phát triển cây lấy gỗ, lấy quả (cây đa mục đích): Cây Mắc Ca, Thông 3 lá, cây bạch đàn...trên đất rừng, đất lâm nghiệp đã được giao khoán, để phủ xanh đồi núi trọc và tăng thu nhập cho người dân.

+ Từng bước phát triển vùng chuyên canh rau đối với xã có các điều kiện phù hợp.

+ Phát triển đàn gia súc theo nông hộ, trang trại cộng đồng.

Câu 9. Đề nghị lãnh đạo UBND huyện cho biết việc ưu tiên bố trí đầu ra cho các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư Xã đoàn quá tuổi trong thời gian qua là như thế nào?

Phòng Nội vụ huyện tham mưu trả lời:

Nội dung câu hỏi đã được Chủ tịch UBND huyện trả lời trực tiếp tại buổi đối thoại với đoàn viên, hội viên năm 2022 và có báo cáo số 666/BC-UBND, ngày 30/9/2023. UBND huyện đã đề nghị Đảng ủy xã quan tâm đến công tác bố trí đầu ra cho cán bộ Đoàn các xã; tuy nhiên đến thời điểm hiện tại chưa thấy văn bản đề xuất của Đảng ủy các xã.

Câu 10. Nhằm nâng cao vị trí, vai trò của tổ chức Đoàn. Kính đề nghị lãnh đạo Huyện quan tâm chỉ đạo các TCCS Đảng tạo điều kiện để các đồng chí Bí thư TCCS Đoàn tham gia Ban Chấp hành cấp ủy TCCS Đảng. (Hiện nay còn một số đồng chí Bí thư chưa có cấp ủy: Xã Tê Xăng, chi đoàn trung tâm y tế, chi đoàn công an Huyện, Đoàn trường PT DTNT huyện).

Nội dung không thuộc chức năng, thẩm quyền giải quyết của UBND huyện.


Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 84
Hôm qua : 386