A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổng hợp câu hỏi và trả lời chương trình đối thoại giữa chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện với các cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên khối Mặt trận và các tổ chức chính trị huyện năm 2022

            Câu 1:  Để bình ổn giá cả các loại mặt hàng tiêu dùng thông thường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho người nông dân hiện nay. Kính đề nghị Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng có liên quan của huyện có biện pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ.

UBND huyện trả lời như sau: Trong những tháng đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của tình hình thế giới, giá cả năng lượng leo thang kéo theo giá cả các mặt hàng tiêu dùng thông thường, mặt hàng thiết yếu tăng theo. Ủy ban nhân dân huyện đã và đang chỉ đạo các ngành chức năng của huyện tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giá cả, chất lượng sản phẩm hàng hóa tiêu thụ trên địa bàn huyện. Qua kiểm tra, chưa phát hiện cơ sở nào buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc và có biểu hiện gom hàng, tăng giá bất hợp lý, hưởng lợi bất hợp pháp.

            Câu 2: Hiện nay trên đại bàn huyện Tu Mơ Rông, diện tích trồng cây Bời lời rất nhiều có khoảng hơn 10.000 ha đã đến tuổi khai thác võ bời lời. 5 năm trở lại đây, giá v bời lời xuống thấp đến mức 1/3 của giá 20.000 đồng/ kg v bời lời khô (năm 2015). Kính đề nghị Chủ tịch UBND huyện có giải pháp, chỉ đạo kêu gọi nhà thu mua và hỗ trợ đầu ra ổn định cho nông dân, để nông dân có nguồn thu nhập chính đáng từ sức lao động của mình, ổn định cuộc sống.

UBND huyện trả lời như sau: Thực tế giá vỏ Bời lời khô hiện tại chỉ bằng 1/3 so với thời điểm năm 2015. Diện tích Bời lời đến tuổi khai thác rất lớn (từ năm thứ 7 trở lên). Tuy nhiên, vẫn có tổ chức, cá nhân thu mua vỏ Bời lời khô của nhân dân. UBND huyện sẽ chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã rà soát, tổng hợp Số lượng, Diện tích Bời lời đến tuổi khai thác, báo cáo Ủy ban nhân dân huyện (qua Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện) để tổng hợp, giới thiệu tổ chức, cá nhân thu mua vỏ Bời lời khô trực tiếp trao đổi, thỏa thuận giá cả và phương thức thu hoạch nhằm nâng cao giá trị sản phẩm của nhân dân.

            Câu 3: Tình trạng ép giá, ép cân của tư thương trong việc thu mua nông sản của nhân dân vẫn còn diễn ra trên địa bàn huyện. Đề nghị Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng liên quan thường xuyên kiểm tra và phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể và nhân dân giám sát để cho giúp nông dân ổn định đầu ra cho sản phẩm.

UBND huyện trả lời như sau: Đối với các cân tải trọng ô tô (cân điện tử) của các Trạm cân thu mua nông sản trên địa bàn huyện, định kỳ hàng năm đều được Trung tâm kiểm định Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh) kiểm định theo quy định (01 năm/lần).

- Đối với các phương tiện đo lường còn lại, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện phối hợp với Trung tâm kiểm định Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tiến hành kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất tại các xã trên địa bàn huyện.

- Ủy ban nhân dân huyện cũng đã chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện phối hợp các đơn vị kiểm tra yêu cầu các điểm thu mua nông sản công khai bảng đơn giá thu mua nông sản hàng ngày.

            - Nếu nhân dân phát hiện tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thu mua nông sản có biểu hiện ép cân, ép giá, đề nghị báo cáo Ủy ban nhân dân xã để Ủy ban nhân dân xã báo Ủy ban nhân dân huyện (qua Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện) để kịp thời xử lý.

             Câu 4: Hiện nay, vấn đề việc làm cho người lao động trong độ tuổi đang là vấn đề cần được quan tâm, nhất là lao động phổ thông làm việc ngoài tỉnh, lao động đã qua các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn là đồng bào dân tộc thiểu số. Kính đề nghị Chủ tịch UBND huyện có giải pháp chỉ đạo UBND các xã cần tạo điều kiện khi thực hiện các công trình đơn giản, phổ thông để  tạo công ăn, việc làm cho nông dân để có thu nhập, đảm bảo đời sống, sinh hoạt

UBND huyện trả lời như sau: Chuyển đổi ngành nghề, xuất khẩu lao động là 1 định hướng nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo, UBND huyện ban hành Kế hoạch số 25/KH-UBND ngày 14/02/2022 triển khai công tác giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông năm 2022, qua đó chỉ đạo UBND các xã tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức của người lao động về việc làm, tìm kiếm việc làm phù hợp với năng lực và nhu cầu thị trường việc làm tại địa phương, tạo ra thu nhập cho bản thân và gia đình, từng bước chuyển đổi ngành, nghề phù hợp, đồng thời phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội cùng cấp phổ biến, tuyên truyền chủ trương chính sách hiện hành trong giải quyết việc làm.

- Ngày 25/4/2022, UBND huyện tổ chức Hội nghị việc làm và định hướng nghề nghiệp năm 2022, qua Hội nghị đã giới thiệu nhiều đơn vị doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đang có nhu cầu tuyển dụng lao động vào làm việc, thông tin đến toàn thể lãnh đạo UBND các xã và người lao động, đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia Hội nghị biết, nắm bắt thông tin. Ngoài ra cơ quan chuyên môn (Phòng Lao động-TB&XH huyện) cũng đã ban hành nhiều thông báo tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh gửi về UBND các xã để triển khai tuyên truyền, vận động người lao động đăng ký tham gia tuyển dụng, nhằm giúp người lao động tìm kiếm được việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định.

- Ngày 08/9/2022, Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông đã ban hành Kế hoạch số 249/KH-UBND của về tổ chức phiên giao dịch giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động; tư vấn học nghề tại các xã trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông năm 2022, trên cơ sở kế hoạch này, Phòng Lao động-TB&XH huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các đơn vị liên quan tổ chức các phiên giao dịch giới thiệu việc làm tại 11 xã (hiện đã tổ chức tại 03 xã: Đăk Na, Đăk Sao, Đăk Tờ Kan), tại các phiên giao dịch việc làm các đơn vị thông tin tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về lao động, việc làm; kết nối người lao động, thanh niên chưa có việc làm với các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động làm việc trong tỉnh, ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động, do đó yêu cầu UBND các xã tăng cường thông tin, tuyên truyền để nhân dân trên địa bàn biết, tham gia.

             Câu 5: Kính đề nghị Chủ tịch UBND huyện quan tâm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có giải pháp chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống mới năng suất cao vào địa phương để phát triển kinh tế gia đình.

UBND huyện trả lời như sau: Trong các năm gần đây, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành và Chủ tịch UBND các xã tăng cường hướng dẫn nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thâm canh, chăm sóc, thu hái cây dược liệu, cà phê..., hỗ trợ các dự án nhà màn ươm cây giống dược liệu, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã triển khai các mô hình sản xuất, trong đó có tổ chức tập huấn cho nhân dân các biện pháp canh tác để tăng năng suất, sản lượng và thay đổi giống mới để đưa vào sản xuất như: mô hình trồng lúa ST 24, 25; mô hình trồng cỏ voi nuôi trâu, bò; mô hình trồng sắn (giống mỳ KM 94 đột biến) theo phương thức đào hố (mỳ hố), Đồng thời triển khai các các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất để hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật cho người dân trên địa bàn huyện.

             Câu 6:

            6.1. Để triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”, kính đề nghị Chủ tịch UBND huyện cần bố trí, giành nguồn lực, kinh phí cho các đơn vị trực tiếp thực hiện các mô hình, dự án của cuộc vận động.

UBND huyện trả lời như sau: Mặc dù nguồn cân đối ngân sách huyện năm 2022 còn hạn chế; Tuy nhiên, UBND huyện cũng đã giành bố trí một phần nguồn lực để thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” cho các đơn vị thực hiện theo dự toán đầu năm tại Quyết định 1218/QĐ-UBND ngày 17/12/2021 của UBND huyện Tu Mơ Rông như: Trung tâm DVNN huyện; Ủy ban MTTQVN huyện; Mặc khác, nguồn vốn từ các Chương trình MTQG đã được phân bổ, UBND huyện đã tập trung phân bổ nguồn lực cho các xã và các đơn vị để triển khai thực hiện các mô hình, dự án PTSX, các dự án để hổ trợ người dân trên địa bàn…, qua đó góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”

Đề nghị UBMTTQVN huyện liên hệ với các cơ quan chuyên môn của huyện, UBND các xã được giao nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện các mô hình, dự án theo cuộc vận động.

Tuy nhiên, qua rà soát việc thực hiện nội dung kế hoạch 24 của Huyện ủy và 10 cần, 10 biết chưa được các tổ chức chính trị xã hội chú trọng triển khai. Những nội dung này không cần phải bố trí kinh phí thực hiện mà hiệu quả rất cao nếu vận động nngười dân thay đổi được nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm.

            6.2. Để triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” cũng như triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động và khâu đột phá của Hội LHPN các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Kính đề nghị Chủ tịch UBND huyện quan tâm chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn có liên quan trên cơ sở các nguồn vốn được phân bổ từ 03 chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình MTQG về xây dựng Nông thôn mới; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; Chương trình MTQG phất triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) phối hợp với Hội LHPN huyện hỗ trợ kinh phí để hội viên, phụ nữ triển khai xây dựng các mô hình phát triển kinh tế - xã hội huyện.

UBND huyện trả lời như sau: Vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia Ủy ban nhân dân huyện đã phân bổ theo đúng thang điểm và tiêu chí qui định. Nên UBND huyện sẽ chỉ đạo các Phòng, ban có liên quan rà soát lại các nhiệm vụ, phối hợp với Hội LHPN huyện hỗ trợ kinh phí để hội viên, phụ nữ triển khai xây dựng các mô hình phát triển kinh tế - xã hội huyện từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.

Câu 7:  Hiện nay, nông dân các xã Đăk Tờ Kan, Đăk Rơ Ông, Đăk Sao, Đăk Na của huyện Tu Mơ Rông đã thu hoạch mủ cao su trồng thí điểm do huyện triển khai. Qua thu hoạch cho thấy hiệu quả kinh tế đem lại khá cao, dễ làm, ổn định về giá cả. Kính đề nghị Chủ tịch UBND huyện quan tâm chỉ đạo và ưu tiên bố trí nguồn kinh phí từ các chương trình đã được giao để hỗ trợ cho nông dân các xã này phát triển loại cây này.

UBND huyện trả lời như sau:

- Đề án phát triển KTXH của huyện không cho chủ trương phát triển cây cao su. UBND huyện sẽ giao cho các phòng ban huyện đánh giá lại hiệu quả cây cao su và sẽ xin ý kiến Ban thường vụ huyện để bổ sung đề án phát triển cây cao su trong thời gian tới.

- Hơn nữa, Hiện nay nguồn kinh phí từ các Chương trình MTQG năm 2022 đã được phân bổ, trong đó UBND huyện đã tập trung phân bổ cho các xã và các đơn vị để thực hiện các dự án hỗ trợ PTSX để hỗ trợ người dân trên địa bàn. Trên cơ sở mức vốn đã giao UBND huyện sẽ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, UBND các xã lấy nhu cầu trực tiêp từ người dân, để hổ trợ cho sát với tình hình thực tế của địa phương.

Câu 8: Kính đề nghị Chủ tịch UBND huyện quan tâm đầu tư hơn nữa về cơ sở hạ tầng cho các xã còn khó khăn; quan tâm đến cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác cho Hội Nông dân các cấp, nhất là cấp xã. Đặc biệt đối với chi hội nông dân các xã chuẩn bị tổ chức đại hội chi hội nhưng không có kinh phí để tổ chức, kính đề nghị Chủ tịch UBND huyện quan tâm chỉ đạo UBND các xã hỗ trợ kinh phí cho các chi hội nông dân tổ chức đại hội chi hội nhiệm kỳ 2022-2027 thành công tốt đẹp.

UBND huyện trả lời như sau:

- Về hạ tầng giao thông, hạ tầng thủy lợi, giáo dục, Y tế đã được tỉnh, huyện rất quan tâm đầu tư lớn và hiện nay UBND huyện đã phân bổ trên 80% vốn các chương trình mục tiêu Quốc gia để đầu tư cơ sở hạ tầng và hiện nay các nguồn lực thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn huyện đã được phân bổ, trong đó đã ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn.

- Theo phân cấp ngân sách, UBND huyện đã phân bổ kinh phí đầu năm 2022 tại Quyết định 1218/QĐ-UBND ngày 17/12/2021 của UBND huyện Tu Mơ Rông cho UBND các xã thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo theo quy định; trong đó bao gồm kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội của địa phương; việc phân bổ chi tiết do HĐND các xã quyết định. Đối với nội dung Đại hội chi hội Nông dân, theo phân cấp cấp xã tự đảm bảo.

Câu 9:

9.1. Để tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận thuận lợi dịch vụ vật tư nông nghiệp, kính đề nghị Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo các ngành nhanh chóng hình thành dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp tại huyện, nhằm tránh tình trạng các hộ kinh doanh cung cấp không đảm bảo về giá, chất lượng và thiếu tư vấn về kỹ thuật.

9.2. Hiện nay cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân trên địa bàn huyện có nhu cầu mua phân bón, vật tư nông nghiệp để phục vụ sản xuất theo hình thức đăng ký mua nợ đến khi thu hoạch vụ mùa mới trả tiền. Đề nghị Chủ tịch UBND huyện chỉ có hướng hình thành dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp tại huyện hoặc có sự kết nối với các đại lý, cửa hàng trên địa bàn huyện khác, tỉnh để cung ứng đầy đủ, đảm bảo giá cả hợp lý để cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân trên địa bàn huyện tiếp cận các dịch vụ vật tư nông nghiệp thuận lợi nhất.

UBND huyện trả lời trung 02 ý kiến như sau:

UBND huyện tiếp thu và chỉ đạo các ngành nghiên cứu kêu gọi đầu tư, liên kết đầu tư đại lý buôn vật tư nông nghiệp trên địa bàn.

Hiện nay trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông chưa có các đại lý buôn vật tư nông nghiệp (thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giống....) do đó để đảm bảo nhân dân mua các vật tư nông nghiệp đảm bảo đúng têu chuẩn, đúng giá thành và được ký nợ trả sau đề nghị nhân dân liên hệ với các cửa hàng buôn bán vật tư nông nghiệp tại các huyện khác như Đăk Tô, ngoài ra nhân dân có thể liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, Hợp tác xã trên địa bàn để được cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các vật tư khác để phát triển sản xuất.

Câu 10: Hiện nay nhiều hộ dân trên địa bàn các xã phía đông như: Tê Xăng, Măng Ri, Văn Xuôi, Ngọc Lây… vay vốn để trồng Sâm Ngọc Linh nhưng do đợt bệnh nấm ở cây Sâm Ngọc Linh đầu mùa mưa vừa qua, rất nhiều cây Sâm Ngọc Linh bị chết, trong đó có rất nhiều hộ hội viên phụ nữ bị thiệt hại do sâm chết, chị em rất lo lắng, nhiều hộ vay vốn trồng sâm lên đến trăm triệu đồng, tiền lãi, tiền gốc, sâm chết. Trước tình hình trên, với trách nhiệm là người đứng đầu chính quyền cấp huyện, Chủ tịch có hướng tháo gỡ khó khăn này cùng người dân bị thiệt hại như thế nào?

UBND huyện trả lời như sau: Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đao Phòng giao dịch NHCSXH huyện tiến hành rà soát các hộ vay trồng sâm Ngọc linh bị thiệt hại, cắn cứ kết quả rà soát và mức độ thiệt hại của từng hộ vay. Phòng giao dịch NHCSXH huyện phối hợp với UBND các xã tiến hành lập hồ sơ xử lý rủi ro trình cấp có thẩm quyền phê duyệt (Khoanh nợ 3 đến 5 năm).

UBND huyện cũng đã kêu gọi Doanh nghiệp hỗ trợ 10.000 cây (1ha) để hỗ trợ cho người dân và đang tiến hành lập danh sách để hỗ trợ.   

Câu 11: Giá cả vật tư nông nghiệp, xăng dầu tăng cao nhưng giá nông sản của nhân dân thấp, cần có giải pháp khắc phục để giúp hội viên, phụ nữ nâng cao lợi nhuận trong sản xuất

UBND huyện trả lời như sau: Việc điều hành giá không thuộc khả năng của UBND huyện. Tuy nhiên, để chủ động, trong thời gian đến các tổ chức chính trị xã hội, cấp ủy, UBND các xã cần tăng cường vận động người dân liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, Hợp tác xã trên địa bàn để ký kết trồng, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi thì sản phẩm nhân dân làm ra được tiêu thụ ổn định về giá theo hợp đồng đã  liên kết.

Câu 12: Hiện nay, tình trạng tảo hôn vẫn còn xảy ra và có chiều hướng gia tăng, nhất là trong khoảng thời gian gần đây, chủ yếu rơi vào lứa tuổi học sinh trung học cơ sở; các cấp, các ngành đã vào cuộc tuyên truyền, tuy nhiên hiệu quả mang lại chưa cao. Là người đứng đầu chính quyền, Ủy ban huyện có giải pháp gì để hạn chế tình trạng này.

UBND huyện trả lời như sau: Về giải pháp để hạn chế tình trạng tảo hôn:

- Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật hôn nhân và gia đình cho người dân trên địa bàn huyện.

- Chỉ đạo Phòng Dân tộc huyện phối hợp với Phòng Giáo dục và đạo tạo huyện, Phòng Tư pháp huyện, UBND các xã tập trung tuyên truyền, giáo dục cho đối tượng là học sinh trên địa bàn huyện để nâng cao nhận thức của đối tượng này ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

- Chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, người có thẩm quyền căn cứ tình hình thực tế của địa phương và tính chất, mức độ của vụ việc, căn cứ vào Điều 58 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ để xem xét xử phạt vi phạm hành chính đối với những cá nhân có hành vi tảo hôn hoặc tổ chức tảo hôn nhằm răn đe, làm gương, hạn chế tối đa tình trạng này.

- Thực hiện tốt cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ cách làm, nân cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Câu 13: Đối tượng bị bạo lực hầu như và chủ yếu là phụ nữ. Vậy, tại sao công tác tuyên truyền chỉ dành cho phụ nữ mà lẽ ra đối tượng hướng đến phải là nam giới? “Phòng-chống BLGĐ không thể thành công nếu không có sự tham gia của nam giới? Chủ tịch nghĩ sao về việc này? hướng chỉ đạo và vào cuộc?

UBND huyện trả lời như sau:

- UBND huyện không có chủ trương chỉ vận động, tuyên truyền về bạo lực dành riêng cho nữ hay nam giới. Trách nhiệm vận động là của cả hệ thống chính trị, trong thời gian đến UBND huyện sẽ chỉ đạo các phòng ban phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em, Luật Phòng chống bạo lực gia đình nhằm thay đổi nhận thức, hành động và trách nhiệm về thực hiện bình đẳng giới....

Câu 14:  Chế độ hỗ trợ cho đội ngũ chi hội trưởng, chi hội phó phụ nữ tại các thôn được chi trả theo hình thức chấm công và số tiền hỗ trợ thấp trong khi công tác tuyên truyền rất nhiều nội dung, có những xã 6 tháng mới thực hiện chi trả chế độ 1 lần dẫn đến nhiều chị em là chi hội trưởng phụ nữ ở cơ sở không tha thiết tham gia công tác Hội. Chủ tịch UBND huyện có giải pháp gì để giúp tháo gỡ tồn tại này?

UBND huyện trả lời như sau: Thẩm quyền chi trả và hình thức chi trả cho đội ngũ chi hội trưởng, chi hội phó phụ nữ tại các thôn thuộc UBND xã;  Chủ tịch UBND xã phối hợp với Hội Phụ nữ nói riêng và các tổ chức chính trị xã hội nói chung để thống nhất hình thức chi trả theo đúng quy định.

Câu 15:  Hội viên, phụ nữ và nhân dân xã Đăk Sao đề nghị hỗ trợ đầu ra đối với cà phê ca ti mo, cà phê vối vì hiện nay bà con chủ yếu bán ra cho các quán trên địa bàn xã nên giá cả ko hợp lý, cân chưa chắc đảm bảo chính xác.

UBND huyện trả lời như sau: Hiện nay trên địa bàn huyện chưa có doanh nghiệp nào vào thu mua và chế biến sản phẩm từ cây cà phê, mặc dù UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT huyện phối hợp rà soát diện tích, sản lượng cây cà phê để giới thiệu cho các doanh nghiêp như (Tập đoàn Lộc trời, Công ty TNHH Chánh Thu, Công ty Cổ phần Thành Phát...) nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào vào đầu tư thu mua, trong thời gian đến UBND huyện sẽ làm việc với các Sở, ban ngành liên quan của tỉnh để có hướng tháo gỡ những khó khăn trên. Ngoài UBND xã Đăk sao liên hệ các Hợp tác xã trên địa bàn huyện như HTX thương mại dịch vụ nông dược Măng Ri đang triển khai liên kết trồng và thu mua quả cà phê của nhân dân.

Câu 16: Rượu trắng hiện nay được bán tràn lan ngoài thị trường, tại các quán tạp hóa buôn bán nhỏ lẻ, người mua hầu như không được biết về nguồn gốc xuất sứ và việc chế biến có đảm bảo hay không? về giá cả thì rất rẻ, chỉ với 5.000 đồng cũng có thể mua được. Chính quyền có giải pháp gì để cuộc kiểm soát việc này?

UBND huyện trả lời như sau:

  • Tình trạng rượu trắng đang được bán tràn lan trên địa bàn huyện là có và UBND huyện cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo kiểm tra và xử lý vấn đề này.

- Căn cứ Nghị định 105/2017/NĐ-CP, ngày 14/9/2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu và Nghị định 17/2020/NĐ-CP, ngày 05/02/2020 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương; Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện mới chỉ cấp cho 06 cơ sở sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh. Trong đó 02 cơ sở đã xin ngừng sản xuất do sản xuất, kinh doanh không hiệu quả (Lê Thị Hồng Hạnh thôn Mô Pả và Nguyễn Văn Mẫn thôn Mô Pả) được Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện, Chi cục Thuế huyện và Ủy ban nhân dân xã Đăk Hà xác nhận. Còn 4 cơ sở: Y Phương, thôn Năng Nhỏ 2, xã Đăk Sao; Lê Thị Bưởi, thôn Ngọc Năng 2, xã Đăk Rơ Ông, Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum, thôn Kô Xia, xã Ngọc Lây; Hợp tác xã TMTH Trồng và Chế biến dược liệu An Thành, thôn Ngọc Năng 2, xã Đăk Rơ Ông hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu.

- Ngoài ra, các cơ sở sản xuất rượu thủ công tại địa bàn các xã chủ yếu nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ trong gia đình và tận dụng phế phẩm để phục vụ chăn nuôi, một phần còn lại bán lại cho nhân dân trên địa bàn.

- Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, lấy mẫu TEST nhanh mẫu rượu đang được bán trên địa bàn các xã. Tuy nhiên, chưa phát hiện mẫu rượu vi phạm nồng độ Methanol.

- Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện ghi nhận ý kiến và tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu vi phạm theo quy định.

- Đề nghị nhân dân chỉ mua rượu ở các địa điểm, cơ sở uy tín, có nguồn gốc xuất xứ và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu nhân dân phát hiện cơ sở nào bán rượu không đảm bảo, đề nghị báo cáo Ủy ban nhân dân xã để Ủy ban nhân dân xã báo Ủy ban nhân dân huyện (qua Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện) để kịp thời xử lý.

Câu 17: Căn cứ Nghị định 56/2012/NĐ-CP ngày 16/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định trách nhiệm của bộ, ngành, UBND các cấp trong việc đảm bảo cho các cấp Hội LHPN tham gia quản lý Nhà nước; quy chế phối hợp giữa Hội LHPN - UBND giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết Đại hội Đại biểu phụ nữ tỉnh, huyện, xã nhiệm kỳ 2021-2026, để nâng cao chất lượng hoạt động Hội LHPN, đạt chỉ tiêu về thực hiện khâu đột phá ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo và hoạt động Hội. Kính đề nghị Chủ tịch UBND huyện quan tâm hỗ trợ cơ sở vật chất phục vụ công tác cho Hội LHPN các cấp (Máy vi tính, máy in), nhất là cấp cơ sở vì hiện nay hầu hết các xã chưa được trang bị máy vi tính, máy in phòng làm chung với các đoàn thể khác.

UBND huyện trả lời như sau:

- UBND huyện chỉ đạo các phòng ban liên quan, UBND các xã phối hợp với hội liên hiệp phụ nữ huyện, xã rà soát lại toàn bộ máy móc thiết bị ( Máy in, vi tính), trang bị thêm để điều chỉnh qua lại cho HLHPN các cấp có máy thực hiện nhiệm vụ.

- Về phòng làm việc do điều kiện khó khăn chung của Huyện, xã, mong HLHPN các cấp chia sẽ cùng huyện. Mặt khác, ngân sách huyện hạn hẹp nên chưa có kinh phí để nâng cấp sửa chữa, mở rộng các trụ sở xã. Trước mắt UBND huyện đề nghị UBND các xã chủ động rà soát bố trí đảm bảo chỗ làm việc cho chi hội phụ nữ các xã. Khi nào huyện cân đối được nguồn sẽ sửa chữa nâng cấp, mở rộng các Trụ sở làm việc cấp huyện, xã và sẽ bố trí phòng làm việc cho chi hội phụ nữ các xã theo qui định.

Câu 19: Để thực hiện đạt được chỉ tiêu 17.8 trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 nói chung và các tiêu chí Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” của Hội LHPN phát động. Kính đề nghị Chủ tịch UBND huyện quan tâm chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã cân đối kinh phí từ các nguồn hỗ trợ của 03 chương trình mục tiêu quốc gia, phối hợp với Hội LHPN huyện triển khai hỗ trợ cho các hộ gia đình hội viên phụ nữ đăng ký thực hiện Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” đạt được các chỉ tiêu đề ra.

UBND huyện trả lời như sau: UBND huyện tiếp thu  và  sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã cân đối nguồn ngân sách hàng năm và Nguồn sự nghiệp từ 3 Chương trình MTQG theo qui định để hỗ trợ Hội LHPN huyện triển khai hỗ trợ cho các hộ gia đình hội viên phụ nữ đăng ký thực hiện Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” đảm bảo đạt được các chỉ tiêu đề ra.

Câu 20: Đề nghị lãnh đạo UBND huyện tạo điều kiện cán bộ Y tế (cán bộ công chức, viên chức huyện) có chỗ ở ổn định, yên tâm công tác lâu dài?

UBND huyện trả lời như sau:

            - Theo quy định tại điểm e, g, h khoản 2, điều 118 Luật Đất đai năm 2013 quy định đối tượng được giao đất ở có thu tiền sử dụng đất không thông qua đấu giá, cụ thể: “(e) Giao đất ở cho cán bộ, công chức, viên chức chuyển nơi công tác theo quyết định điều động của cơ quan có thẩm quyền; (g) Giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại xã mà không có đất ở và chưa được Nhà nước giao đất ở; (h) Giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại thị trấn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà không có đất ở và chưa được Nhà nước giao đất ở”. Như vậy đối với cán bộ công chức, viên chức được tuyển dụng tại huyện không thuộc đối tượng được giao đất ở có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá; Mặt khác hiện nay theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 18/NQ-TW, ngày ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về việc “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” theo đó đề nghị các ngành và địa phương thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

- Trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông sẽ thực hiện rà soát, triển khai đấu giá quyền sử dụng đất các vị trí đất ở trên địa bàn xã Đăk Hà. Đối với các trường hợp cán bộ công chức, viên chức có nhu cầu ổn định chỗ ở lâu dài, có thể tham gia đấu giá quyền sử dụng đất khi có thông báo triển khai theo quy định

Câu 21: Lãnh UBND huyện chỉ đạo các đơn vị có liên quan tạo điều kiện cho cán bộ Y tế, CC, VC vay vốn phát triển kinh tế phát triển huyện nhà? CBCC chưa có gia đình: Vay chế độ chính sách nào?

UBND huyện trả lời như sau:

1. Các đối tượng được vay vốn tại NHCSXH

- Cán bộ Y tế, CC, VC thuộc diện Hộ nghèo, Hộ cận nghèo, Hộ mới thoát nghèo có nhu cầu vay vốn và đáp ứng đủ các điều kiện thì được tiếp cận các nguồn vồn vay Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cụ thể:

+ Cho vay hộ nghèo: Mức cho vay tối đa 100 triệu đồng/hộ; Thời hạn cho vay tối đa 120 tháng; lãi suất cho vay hiện nay 6,6%/năm.

+ Cho vay hộ cận nghèo: Mức cho vay tối đa 100 triệu đồng/hộ; Thời hạn cho vay tối đa 120 tháng; lãi suất cho vay hiện nay 7,92%/năm.

+ Cho vay hộ mới thoát nghèo: Mức cho vay tối đa 100 triệu đồng/hộ; Thời hạn cho vay tối đa 60 tháng; lãi suất cho vay hiện nay 8,25%/năm.

- Cán bộ Y tế, CC, VC không thuộc diện Hộ nghèo, Hộ cận nghèo, Hộ mới thoát nghèo có nhu cầu vay vốn và đáp ứng đủ các điều kiện thì được vay vốn Chương trình cho vay Hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn. Mức cho vay tối đa 50 triệu đồng/hộ; thời hạn cho vay trên 60 tháng; lãi suất cho vay hiện nay 9%/năm.

2. Phương thức cho vay của NHCSXH

Điều 5, Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ quy định: “Việc cho vay của NHCSXH được thực hiện theo phương thức uỷ thác cho các Tổ chức tín dụng, Tổ chức chính trị - xã hội theo Hợp đồng uỷ thác hoặc trực tiếp cho vay đến người vay”. Hiện nay, hầu hết các chương trình tín dụng  tại NHCSXH thực hiện theo phương thức cho vay trực tiếp có uỷ thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay cho các Tổ chức chính trị - xã hội, thông qua Tổ Tiết kiệm và vay vốn (gọi tắt là phương thức cho vay uỷ thác). Ngoài ra, NHCSXH thực hiện phương thức cho vay trực tiếp đến người vay.

3. Điều kiện vay vốn

- Cư trú hợp pháp tại địa phương.

- Có phương án vay vốn phù hợp với mục đích xin vốn vay.

Câu 22:  Tôi là cán bộ quân đội đã nghỉ hưu, khi còn công tác trong quân đội tôi đã có 14 năm công tác tại huyện Tu Mơ Rông và đã được hưởng các chính sách đối với cán bộ công tác vùng đặc biệt khó khăn. Tháng 7 năm 2022 tôi được đại hội HCCB huyện Tu Mơ Rông bầu giữ chức Chủ tịch Hội cựu chiến binh huyện, nhiệm kỳ 2022-2027. Xin hỏi trường hợp của tôi có được hưởng các chế độ chính sách quy định tại Nghị định 76/2019/NĐ-CP không, nếu không được thì vì sao?

UBND huyện trả lời như sau: UBND huyện đã chỉ đạo phòng Nội vụ có văn bản gửi Sở Nội vụ hướng dẫn chi trả chế độ trên, khi có văn bản phúc đáp của SNV, UBND huyện sẽ chỉ đạo Phòng Nội vụ tham mưu trả lời đoàn viên, hội viên[1].

Câu 23: Đề UBND huyện bố trí đất ở cho hộ mới tách chưa có nhà ở (Thôn Đăk Hà, Xã Đăk Hà).

UBND huyện trả lời như sau: Hiện tại UBND xã Đăk Hà đang phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất UBND huyện bố trí quỹ đất để giãn dân tại khu vực cụm 3 làng (Ty Tu, Kon Ling, Đăk Pờ Trang), khi được phê duyệt và triển khai UBND xã sẽ tổ chức rà soát, ưu tiên bố trí đất ở cho các hộ mới tách hộ chưa có nhà ở thôn Đăk Hà nói riêng và trên địa bàn xã nói chung.

Câu 24: Trường hợp em Y Hà, xã Đăk Tờ Kan giờ đang học lớp 2: Cha mất; mẹ bỏ đi từ lúc 2 tuổi, từ đó tới nay không liên lạc được (hiện đang ở với bà nội). Đề nghị xem xét, hỗ trợ chính sách cho em Y Hà?

UBND huyện trả lời như sau:

* Căn cứ Khoản 1, Điều 5, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội:

1. Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi;

b) Mồ côi cả cha và mẹ;

c) Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật;

d) Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội;

đ) Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

e) Cả cha và mẹ bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật;

g) Cả cha và mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội;

h) Cả cha và mẹ đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

i) Cha hoặc mẹ bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội;

k) Cha hoặc mẹ bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

l) Cha hoặc mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

- Đối chiếu với các quy định trên thì trường hợp Y Hà không thuộc nhóm đối tượng quy định tại Khoản 1, Điều 5, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ.

* Phòng LĐ-TB&XH đề xuất: Đề nghị UBND xã Đăk Tờ Kan chỉ  đạo các ban, ngành, đoàn thể xã quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ đối tượng từ các nguồn xã hội hóa, vận động từ các tổ chức, cá nhân để giúp đỡ đối tượng vượt qua hoản cảnh khó khăn.

Câu 25: Hiện nay, theo cách nhìn nhận của bản thân, nhận thấy cán bộ, lãnh đạo rất quan tâm đến mảng VH-XH , chính trị, kinh tế và cũng rất quan tâm đến giáo dục. Đặc biệt là ở UBND xã, chủ tịch xã cũng đến nhà hộ dân, trao đổi những vướng mắc cần tháo gỡ. Rất tốt. Tuy nhiên, hoạt động của quỹ Khuyến học của UBND xã “ hơi bị quên lãng” trong thời gian gần đây. Nên mong các cấp lãnh đạo có liên quan trong vấn đề này cần đôn đốc, nhắc nhở, tạo động lực cho học sinh học tập.

UBND huyện trả lời như sau: Căn cứ Điều lệ (Sửa đổi, bổ sung) Hội Khuyến học Việt Nam (Phê duyệt kèm theo Quyết định số 151/QĐ-BNV ngày 24 tháng 01 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Tại Chương VI, Điều 21, mục 1a) Nguồn thu của Hội có nêu rõ các khoản thu của Hội gồm:

1. Lệ phí gia nhập Hội, hội phí hàng năm của hội viên.

2. Thu từ các hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật;

- Kinh phí được cấp thực hiện các chương trình, đề án, dự án do Nhà nước giao;

- Các khoản thu do hoạt động tư vấn, dịch vụ của các Hội;

- Tài trợ của cá nhân, tổ chức ở trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật;

- Các nguồn thu hợp pháp khác.

Căn cứ tình hình thực tế của huyện Tu Mơ Rông, Hội viên Hội Khuyến học các xã đa số là người dân, điều kiện kinh tế khó khăn, còn phải nhận sự trợ cấp từ Nhà nước. Do đó, Hội Khuyến học các xã không có nguồn thu hội phí hàng năm của Hội viên.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học các xã là một trong các Hiệu trưởng của các đơn vị trường đóng chân trên địa bàn xã. Hàng năm, Ủy ban nhân dân các xã, các đơn vị trường kêu gọi rất nhiều mạnh thường quân, các cá nhân, tổ chức,…đến các xã, các đơn vị trường để trao học bổng, tổ chức các chương trình từ thiện, tặng quà…cho các em học sinh, đặc biệt là các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Đây cũng chính là các hoạt động của Hội Khuyến học xã.  

Câu 26: Hiện nay, một số cán bộ công tác đoàn 1,2 nhiệm kỳ, đã hết tuổi đoàn, một số cán bộ được tái cử nhưng tham gia trong thời gian ngắn, tuy nhiên một số không tái cử mà chưa bố trí công việc. Mong đồng chí có hướng lãnh đạo, chỉ đạo đến BTV các xã quan tâm, sắp xếp bố trí anh em cán bộ đoàn đã hết tuổi để tiếp tục cống hiến cho xã nhà trong thời gian gần nhất ạ?

UBND huyện trả lời như sau: Thẩm quyền bố trí đầu ra cho cán bộ Đoàn
thuộc thẩm quyền của Đảng ủy xã; UBND huyện đề nghị Đảng ủy xã quan tâm
đến công tác bố trí đầu ra cho cán bộ Đoàn các xã, đồng thời có văn bản kiến
nghị Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy.

Các nội dung kiến nghị xử lý những vấn đề chính sách, việc điều hành của lãnh đạo một số cơ quan, UBND huyện đang chỉ đạo Thanh tra huyện, Phòng Nội vụ huyện tiến hành kiểm tra, xử lý và thông tin đến cán bộ, công chức, viên chức theo quy định.

 

[1] CV số 711/PNV, ngày 05/9/2022 về việc đề nghị hướng dẫn thực hiện chính sách đối với CB, CC theo NĐ 76/2019/NĐ-CP. Ngày 08/10/2019 của Chính phủ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 91
Hôm qua : 386