A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cho người nghèo thoát nghèo

Tu Mơ Rông được nhiều người biết đến là thủ phủ dược liệu của tỉnh, đặc biệt, nơi đây cũng là thủ phủ của Quốc bảo- sâm Ngọc Linh. Quyết tâm tận dụng tiềm năng thế mạnh về dược liệu, những năm gần đây, bà con đồng bào Xơ Đăng nơi đây đã ý thức việc phát huy lợi thế về dược liệu, đặc biệt là sâm Ngọc Linh nên đã có không ít hộ vươn lên khá giàu. Tuy nhiên, cũng còn nhiều người chưa thật mạnh dạn vì nếp nghĩ hoặc do chưa có điều kiện để bứt phá vươn lên.

Nhận thấy điều đó, thời gian gần đây, Tu Mơ Rông đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đẩy mạnh và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên bà con đã dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn vay vốn đầu từ vào sản xuất, thay đổi cây trồng, vật nuôi để nâng cao đời sống.

Lãnh đạo UBND huyện đã kết nối, vận động Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum- đơn vị có diện tích sâm Ngọc Linh lớn nhất tỉnh ta hiện nay hỗ trợ cây sâm giống cho người nghèo, qua đó giúp bà con từng bước vươn lên thoát nghèo, vừa thúc đẩy phát triển diện tích sâm Ngọc Linh đạt kế hoạch với mục tiêu mà tỉnh, huyện đã đề ra trong năm nay và cho cả nhiệm kỳ.

 

Trao sâm Ngọc Linh giống cho hộ nghèo. Ảnh: PN

 Được sự hỗ trợ của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum, ngày 18/10 262 hộ nghèo của 8 xã Đăk Sao, Văn Xuôi, Tê Xăng, Ngọc Lây, Măng Ri, Ngọc Yêu, Đăk Hà, Tu Mơ Rông đã được nhận hỗ trợ 10.000 cây sâm Ngọc Linh giống để phát triển, mở rộng diện tích, từ đó giúp bà con thoát nghèo một cách bền vững.

Ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, trong 262 hộ được hỗ trợ cây sâm giống, có gần 170 hộ từng trồng sâm nhưng thất bát do mưa đá, sâu bệnh, mỗi hộ được nhận 35-56 cây sâm giống và hơn 90 hộ chưa từng trồng sâm Ngọc Linh, mỗi hộ được hỗ trợ 25 cây sâm giống.

“Toàn bộ cây sâm giống trao hỗ trợ bà con đợt này sẽ được người dân trồng tập trung tại cùng một khu vực. Chính quyền xã sẽ thành lập tổ, nhóm hộ để cùng nhau quản lý, bảo vệ, chăm sóc và phát triển diện tích sâm Ngọc Linh. Sau khi cây cho hạt, sẽ trích 10-30% số hạt thu được hỗ trợ cho hộ nghèo khác tại địa phương nhằm hình thành tổ xúc tiến liên kết trồng, phát triển sâm và dược liệu. Việc hỗ trợ sâm Ngọc Linh giống cho người dân là hoạt động thiết thực nhằm tạo sinh kế cho hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống, từng bước thoát nghèo bền vững và góp phần giúp các hộ dân có sâm bị chết giảm thiểu thiệt hại”- ông Mạnh cho hay.

 

Người dân vui mừng khi được hỗ trợ sâm giống. Ảnh: PN

 Ở xã Măng Ri, đợt này có 126 hộ trong tổng số 295 hộ nghèo toàn xã được hỗ trợ cây sâm Ngọc Linh giống, trong đó có 75 hộ nghèo có sâm bị thiệt hại trong đợt mưa đá và sâu bệnh mấy tháng trước. Theo ông Dương Đình Chung- Chủ tịch UBND xã Măng Ri thì đây là nguồn hỗ trợ rất kip thời, sẽ tạo động lực lớn để bà con tiếp tục khắc phục khó khăn để phát triển diện tích sâm Ngọc Linh, qua đó góp phần sẽ thoát nghèo một cách bền vững.

Cầm hàng chục cây sâm Ngọc Linh giống vừa được hỗ trợ trên tay, chị Y Diêm (thôn Long Hi, xã Măng Ri) không giấu được niềm vui. Chị Y Diêm là một trong hàng chục hộ nghèo ở xã Măng Ri được hỗ trợ sâm giống lần này, là trường hợp hộ nghèo có diện tích sâm bị chết, hư hại. Hai năm trước, gia đình chị có vay 50 triệu đồng để đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh, tuy nhiên, không may, trong đợt mưa đá, mưa lớn kéo dài hàng chục cây sâm hai năm tuổi bị chết và hư hại. Đang trong lúc chưa biết làm sao để lấy tiền trả nợ ngân hàng thì được hỗ trợ sâm giống, tạo điều kiện cho chị có cơ hội sớm trả nợ ngân hàng, đồng thời tiếp tục phát triển diện tích để nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Chị Y Diêm chia sẻ: “Cảm ơn lãnh đạo huyện và Công ty rất nhiều. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời thì không biết lấy tiền đâu để đầu tư mua cây giống. Tôi sẽ cố gắng chăm sóc và bảo vệ cây sâm cho tốt”. 

Cũng trong niềm hân hoan không kém, A Hiệp (thôn Tân Ba) vui mừng khi là 1 trong 2 hộ nghèo duy nhất của xã Tê Xăng được hỗ trợ hơn 50 cây sâm giống. Để có được vài chục cây sâm, gia đình A Hiệp phải đi vay vốn để mua cây giống về trồng. Thế nhưng, vì mưa đá và sâu bệnh, hàng chục cây sâm đang chuẩn bị cho hạt đã bị hư hại. Bao vốn liếng, công sức đổ vào vườn sâm và niềm hy vọng đổi đời cũng trở nên xa vời hơn. A Hiệp chia sẻ: “Những cây giống này tôi sẽ chăm chút và cẩn thận hơn trong quá trình chăm sóc và bảo vệ. Tôi sẽ làm rào, lưới che cẩn trọng hơn”.

Khác với các hộ dân ở các xã, lần này, 26 hộ nghèo của xã Đăk Hà chưa trồng sâm đã được hỗ trợ cây sâm Ngọc Linh giống để phát triển diện tích trên địa bàn và giúp cho các hộ nghèo có cơ hội vươn lên thoát nghèo.

Ông Dương Đăng Khoa- Chủ tịch UBND xã Đăk Hà cho biết, đây là lần đầu tiên các hộ nghèo của xã được hỗ trợ cây sâm Ngọc Linh giống để phát triển diện tích. Xã vận động các hộ dân khoanh vùng tại TK 262 trồng tập trung, đồng thời, thành lập thành tổ nhóm để thay nhau chăm sóc, bảo vệ cây sâm. Sau này, khi có hạt sẽ trích từ 10-30% số hạt để hỗ trợ cho các hộ nghèo khác, từ đó giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Việc Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum trao tặng hàng chục nghìn cây cây sâm giống cho hộ nghèo trên địa bàn đã tạo điều kiện giúp hộ nghèo ở Tu Mơ Rông vươn lên thoát nghèo một cách bền vững. Đồng thời, qua đó từng bước mở rộng diện tích trồng sâm trên địa bàn, phấn đấu đạt chỉ tiêu mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra trong nhiệm kỳ 2020-2025.

Nguồn: Báo Kon Tum


Tác giả: Phúc Nguyên
Nguồn:https://www.baokontum.com.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 56
Hôm qua : 396