A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những bữa ăn “dã chiến” trên sườn núi Tu Mơ Rông, Kon Tum

Những con dốc xen kẽ nhau dài tăm tắp trở thành rào cản mà các em tại trường tiểu học xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum phải vượt qua nếu muốn đến trường. Vì vậy, những bữa ăn tại điểm trường chính là nguồn động lực của học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) nơi đây.

Thêm động lực đến trường

Khi tiếng trống trường vang lên cũng là lúc các em nhỏ tại Trường Tiểu học xã Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông) chuẩn bị một ngày học tập. Tuy nhiên, tại một góc nhỏ của gian bếp trường, cột khói trắng bắt đầu bay lên, tiếng nắp xoong và tiếng băm thịt của nhân viên cấp dưỡng cùng một số giáo viên đang tất bật chuẩn bị cho những suất ăn trưa.

Các cô giáo đang tất bật chuẩn bị cho bữa trưa
Các cô giáo đang tất bật chuẩn bị cho bữa trưa. Ảnh: Lê Nguyên

Mặc dù mặt trời đã lên cao, nhưng cái lạnh “thấu xương” tại đây khiến nhiều người chỉ muốn vùi mình vào chăn ấm. Nhưng thầy cô giáo tại điểm trường thôn vẫn hăng say với công việc đứng lớp và chuẩn bị những phần ăn cho học sinh. Vì mọi người biết rằng, chỉ có khi “lấp đầy cái bụng” thì các em học sinh mới vững tâm để theo đuổi con chữ.

Cô Hồ Thị Thùy Vân - Hiệu trưởng Tiểu học xã Đăk Hà chia sẻ, thôn Ty Tu là một trong 3 điểm trường có học sinh đặc biệt khó khăn, nhà của các em cách trường khoảng 3 - 4km. Nhiều em thường phải vượt qua 4 - 5 ngọn đồi để đến lớp.

Toàn điểm trường thôn Ty Tu hiện tại có tất cả 73 học sinh lớp 1 và 2, nhưng điểm trường lại không có chế độ ăn bán trú nên phần lớn các em phải lặn lội về nhà ăn cơm trưa. Phụ huynh cũng dành thời gian cả ngày trên rẫy nên ở nhà không có sẵn cơm để ăn. Chính vì thế, những buổi chiều tại điểm trường thôn Ty Tu thường không có học sinh đi học.

Hiểu được nỗi lo này, nhiều giáo viên đã bàn nhau trích một phần tiền để nấu cơm nuôi học trò. Những bữa ăn bán trú “tự phát” bắt đầu được hình thành từ đầu năm 2021 bằng tiền và công sức của giáo viên. Phụ huynh cũng chung tay quyên góp thêm củi, rau củ quả nhà trồng... nhưng vẫn không đủ cho các em có một bữa ăn no đúng nghĩa.

May mắn thay nhờ có sự lan tỏa của cộng đồng, những bữa ăn bắt đầu có thêm thịt, cá từ các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Người góp tiền, người hỗ trợ nhu yếu phẩm... giúp cho bữa ăn của học sinh có thêm dinh dưỡng và trên hết là động lực cắp sách tới trường.

Những bữa ăn “dã chiến”

Từ ngày có bữa ăn tại trường, các em đi học đầy đủ hơn
Từ ngày có bữa ăn tại trường, các em đi học đầy đủ hơn. Ảnh: Lê Nguyên

Không có nhà ăn, lớp học cũng chính là nơi mà học sinh dùng bữa. Một tấm chiếu cũ được trải ra ngay trên bục giảng, các em Xơ Đăng mắt tròn xoe, tay thì đang khoanh tròn chờ đợi khay cơm của mình. Tiếng cười xen lẫn tiếng nói nhanh chóng biến mất, thay vào đó là tiếng thìa xúc cơm, tiếng nhai đầy ngon miệng của các em. Đó có lẽ là giây phút được chờ đợi nhất sau hành trình 4km tới trường mỗi ngày.

Em A Viên Ngọc (lớp 2A5, ở thôn Ty Tu) đã trải qua một cuộc sống trái ngược với cái tên đầy mĩ miều của mình. Mẹ mất sớm vì căn bệnh ung thư, cha làm lụng vất vả để kiếm cơm nuôi 4 cái bụng ăn trong nhà. Vì vậy, hành trình leo dốc, vượt đèo tới trường đều nhờ vào đôi chân của mấy anh em. Tuy nhiên, từ ngày có bữa ăn bán trú tại trường, anh em A Viên Ngọc đỡ vất vả hơn một phần, thời lượng vắng học cũng giảm rõ rệt.

“Trước đây, trưa nào, em cũng phải về nhà để ăn cơm. Bây giờ, em ở lại ăn cùng với các bạn cùng lớp. Cơm của cô giáo nấu rất ngon,” A Viên Ngọc chia sẻ.

Giáo viên đang chia các khẩu phần ăn trưa cho học sinh
Giáo viên đang chia các khẩu phần ăn trưa cho học sinh. Ảnh: Lê Nguyên

Từ năm học 2023 - 2024, trường còn tổ chức nuôi dưỡng các em có hoàn cảnh khó khăn. Theo đó, những em học sinh nghèo, nhà xa trường hoặc mồ côi sẽ được trường nuôi dưỡng từ thứ 2 đến thứ 6, được giáo viên cho ăn miễn phí, hướng dẫn học tập. Có thời gian cao điểm, trường nhận nuôi đến 22 em ở nhiều thôn khác nhau.

Cô Hồ Thị Thùy Vân - Hiệu trưởng Tiểu học xã Đăk Hà bộc bạch: “Cả buổi trưa, giáo viên không có thời gian nghỉ, vừa phải lo nấu ăn, dọn rửa chén bát, vận chuyển các suất ăn qua các điểm trường khác và quan trọng nhất là giấc ngủ trưa cho từng em. Nhưng bù lại nỗi vất vả đó, sự hạnh phúc của mỗi giáo viên nơi đây là được nhìn thấy học sinh đi học đều, mạnh dạn hơn trong giao tiếp và biết đọc, viết thành thạo”.

Theo ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Các thầy cô của điểm trường thôn Ty Tu - Trường Tiểu học xã Đăk Hà đã vượt qua muôn vàn khó khăn từ cá nhân, gia đình, công việc để giúp học sinh DTTS có hoàn cảnh khó khăn được tiếp bước đến trường. Các cháu giờ đây đã được ăn những bữa cơm đảm bảo chất dinh dưỡng và đi học chuyên cần hơn, chất lượng học tập được nâng cao rõ rệt”.


Nguồn:laodong.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 139
Hôm qua : 194