Vị trí địa lý, tự nhiên
1. Vị trí địa lý:
Tu Mơ Rông là huyện miền núi, vùng cao, nằm ở phía Bắc tỉnh Kon Tum, bao gồm 11 xã (Đăk Hà, Tu Mơ Rông, Văn Xuôi, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Tê Xăng, Măng Ri, Đăk Tờ Kan, Đăk Rơ Ông, Đăk Sao và Đăk Na) với diện tích tự nhiên 85.744,25 ha.
Toạ độ địa lý: Từ 14017'00'' đến 15001'58'' Vĩ độ Bắc; Từ 107042'12'' đến 108010'00'' Kinh độ Đông.
Ranh giới hành chính:
- Phía Đông giáp huyện Kon Plông - tỉnh Kon Tum.
- Phía Tây giáp huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum.
- Phía Nam giáp huyện Đăk Tô và huyện Đăk Hà - tỉnh Kon Tum.
- Phía Bắc giáp huyện Đăk Glei - tỉnh Kon Tum và huyện Nam Trà My - tỉnh Quảng Nam.
Tuyến quốc lộ 40B cải tạo, nâng cấp, xây mới hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ tạo điều kiện đưa huyện Tu Mơ Rông gần hơn với các huyện của tỉnh Kon Tum, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, điều này sẽ tạo thuận lợi cuốn hút vào sự phát triển và chịu ảnh hưởng lớn của những khu vực phát triển này trong quá trình giao lưu kinh tế, văn hoá xã hội.
2. Địa hình:
Huyện có địa hình phức tạp, bị chia cắt nhiều bởi các sông suối, hợp thủy và núi cao. Địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây. Huyện có nhiều bậc thềm địa hình, tạo nên nhiều kiểu địa hình đa dạng: gò đồi, vùng trũng và núi cao xen kẽ nhau khá phức tạp. Trong đó mỗi bậc là địa hình đồi núi bao quanh tạo thành những thung lũng hẹp. Nhìn chung địa hình toàn huyện có ba dạng địa hình chính:
Địa hình núi trung bình: Phân bổ ở sườn núi phía Nam dãy núi Ngọc Linh; núi Ngọc Tu Măng, Ngọc Puôk, Ngọc Păng. Độ cao trung bình so với mặt nước biển 1.000-2.333 m; gồm các dãy núi phía Bắc và Đông Bắc huyện, thuộc địa bàn các Xã Đăk Na, Ngọk Lây, Tê Xăng, Măng Ri, Ngọk Yêu. Độ dốc khu vực này trên 250; có nhiều thung lũng hẹp và sâu.
Địa hình núi thấp: Có độ cao trung bình 800-1.000 m, phân bổ ở phía Bắc và Đông của huyện, có nhiều thung lũng hẹp và sâu.
Địa hình thấp được bồi tụ: Có độ cao trung bình dưới 800 m; phân bổ ở khu vực phía Nam và Tây Nam huyện.
3. Khí hậu:
Khí hậu huyện Tu Mơ Rông là khí hậu Tây Trường Sơn; khu vực phía Đông Bắc gián tiếp ảnh hưởng của khí hậu Đông Trường Sơn. Chế độ nhiệt tại huyện là chế độ nhiệt đới gió mùa cao nguyên nền nhiệt tương đối thấp, nhưng có sự phân hóa rõ rệt giữa các vùng theo độ cao. Chế độ mưa tại khu vực huyện phụ thuộc vào chế độ gió mùa và địa hình. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 và cho đến hết tháng 10 là do tác động của gió mùa Tây Nam mang lại. Độ ẩm không khí: Khu vực Đông Bắc có độ ẩm lớn hơn khu vực phía Tây Nam huyện; độ ẩm đạt thấp nhất xảy ra vào tháng 3 phổ biến từ 74-75%; cao nhất xảy ra vào các tháng 7,8,9 phổ biến là 91-92%, cụ thể:
a) Nhiệt độ:
Nhiệt độ trung bình năm khoảng 200C, nhiệt độ trung bình tháng cao nhất 32,50C (tháng 4), nhiệt độ trung bình tháng thấp nhất 70C (tháng 1), chênh lệch nhiệt độ giữa ngày đêm từ 7- 6,50C. Do đặc điểm địa hình nên ở những nơi thung lũng hẹp khuất gió nhiệt độ tăng cao về ban ngày và thấp về ban đêm.
Tổng nhiệt độ tại khu vực huyện Tu Mơ Rông ở mức tương đối thấp, khu vực Đông Bắc phổ biến từ 6,50C -7,00C khu vực còn lại từ 7,0-7,4 0C.Tổng nhiệt độ trong năm dưới 7,00 C.
b) Chế độ mưa:
Lượng mưa trung bình nhiều năm 2.200 – 2.600 mm và theo xu thế càng lên phía Bắc vùng thì lượng mưa càng lớn.
+ Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 kết thúc vào tháng 10, chiếm tới trên 90% tổng lượng mưa cả năm. Mưa cực đại vào các tháng 7-9.
+ Mùa khô thường bắt đầu từ tháng 11 và kết thúc vào tháng 4 năm sau.
c) Chế độ ẩm:
Tại huyện Tu Mơ Rông khu vực Đông Bắc có địa hình núi cao, mưa nhiều do vậy có độ ẩm lớn hơn khu vực phía Tây Nam huyện. Qua nhiều năm độ ẩm không khí trung bình năm 85%.
d) Lượng bốc hơi nước
Lượng bốc hơi trung bình năm khoảng 1.000mm/năm. Các tháng có lượng bốc hơi lớn nhất từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau, lượng bốc hơi trung bình từ 90 - 100 mm/tháng. Tổng lượng bốc hơi các tháng mùa khô từ tháng 12 tới tháng 4 năm sau khoảng 500 mm.
đ) Chế độ gió:
Gió chủ yếu theo hai hướng chính là Đông Bắc và Tây Nam:
Gió Đông Bắc xuất hiện khoảng từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, tốc độ gió từ 3,5 - 5,4 m/s. Gió Tây và Tây Nam xuất hiện từ tháng 5 đến tháng 11, tốc độ gió từ 1,2 - 2,5m/s.
4. Thủy văn:
Trong huyện không có sông lớn mà chỉ có sông nhỏ và hệ thống suối đầu nguồn của các sông sau:
Sông Đăk Psi: Lưu vực sông Đăk Psi nằm trong địa bàn huyện có diện tích lớn nhất tập trung ở phía Đông - Nam huyện. Gồm các hệ thống suối như: Suối nước Chim, suối Đăk Psi, suối Đăk Lây, suối Đăk Ter, suối Đăk Xe và một số hệ thống suối nhỏ khác. Suối dài 108 km, có nước quanh năm, suối dốc và có nhiều ghềnh thác nên khó bồi đắp phù sa.
Sông Đăk Tờ Kan: Phần lưu vực thuộc địa bàn huyện chủ yếu ở Xã Đăk Tờ Kan, Xã Đăk Rơ Ông (phía Nam của huyện).
Sông Prông Pô Kô: Các suối thuộc lưu vực sông Pô Kô phân bổ chủ yếu ở Tây Bắc huyện (Xã Đăk Na và Xã Đăk Sao). Ngoài ra, còn có nhiều suối nhỏ phân bố khắp các xã như suối Tác Na, Tác Lâng, Đăk Dâng, Đăk Trang, Đăk Hơ Dong, Hơ Rê, Đăk Hơ Nia,…
Tổng chiều dài các suối qua địa bàn huyện khoảng 263 km. Nhìn chung các suối đều có nước quanh năm, nhưng chênh lệch từ mặt nước với mặt đất sản xuất cao, nên việc khai thác vào sản xuất rất khó khăn.
5. Các nguồn tài nguyên:
5.1. Tài nguyên đất:
Căn cứ vào một số kết quả điều tra nghiên cứu về phân loại lập bản đồ đất tỉnh Kon Tum theo phân loại định lượng FAO- UNESCO, đặc điểm thổ nhưỡng huyện Tu Mơ Rông có 4 nhóm đất chính và bảy loại đất, cụ thể như sau:
- Nhóm đất phù sa suối (Py): Có diện tích 1.182 ha, chiếm 1,4% tổng diện tích toàn huyện, nhóm đất này được hình thành do sản phẩm bồi tụ của sông suối lớn như lưu vực sông Đăk Tờ Kan; nhóm đất này phân bổ ở xã Đăk Hà, Đăk Rơ Ông, Đăk Tờ Kan và Đăk Sao.
- Nhóm đất xám (X); Có diện tích 79.255 ha, chiếm 92,8% tổng diện đất toàn huyện, phân bố ở tất cả các xã, gồm ba loại đất:
+ Đất xám, đỏ vàng: Diện tích có 1.419 ha, chiếm 1,7% diện tích đất toàn huyện. Đất phân bổ ở tất cảc các xã trên toàn huyện trên đá biến chất (1.200 ha) và macma axit (219 ha). Hầu hết diện tích đất có độ dốc 15-250 có 1.227 ha, diện tích đất dốc <150 có 192 ha. Ở độ dốc thấp <150 có thể sử dụng trồng các loại hoa màu, cây ăn quả, cây công nghiệp; diện tích có độ dốc >150 thuận lợi cho việc khoanh nuôi bảo vệ hoặc trồng mới rừng.
+ Đất xám giàu mùn, tích nhôm: Diện tích 70.044 ha, chiếm 82% tổng diện tích toàn huyện, được hình thành trên đá biến chất; toàn bộ diện tích đất có tầng dày đất mịn trên 100 cm, nhưng phân bổ ở độ dốc >250, đất này thuận lợi để sử dụng cho mục đích lâm nghiệp.
+ Đất xám, sỏi sạn nâu, đỏ vàng: Diện tích 7.792 ha, chiếm 9,1% diện tích đất toàn huyện. Đất phân bố ở tất cả các xã trong huyện, trong đó tập trung chủ yếu ở xã Đăk Tờ Kan, Đăk Rơ Ông (4.048 ha), xã Đăk Hà (1.965 ha), xã Tu Mơ Rông (1.435 ha), xã Ngọc Yêu (344 ha). Toàn bộ diện tích đất có tầng dày trên 50 cm, trong đó phân bổ chủ yếu ở độ dốc >250 (7.671 ha), diện tích đất ~150 chỉ có 121 ha. Đất có độ dốc <150 có thể sử dụng trồng hoa màu, cây ăn quả, chè. Đất có độ dốc trên 150 nên khoanh nuôi hoặc trồng rừng.
- Nhóm đất đỏ (Fd): Diện tích đất đỏ có 1.589 ha, phát triển trên đá bazan, gồm hai loại đất:
+ Đất đỏ chua, tầng mặt giàu mùn: Đất được hình thành trên đá bazan, phân bổ ở xã Ngọc Yêu. Toàn bộ diện tích đất có tầng dày dày trên 100 cm, độ dốc >250, ít có khả năng sử dụng cho nông nghiệp.
+ Đất đỏ chua, tầng mặt giàu mùn: Đất được hình thành trên đá bazan có diện tích 84 ha, chiếm 0,1% diện tích đất toàn huyện, phân bổ ở xã Ngọc Yêu. Toàn bộ diện tích đất có tầng dày trên 100 cm, độ dốc <80. Hướng sử dụng là trồng các loại cây hoa màu, cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm.
- Nhóm đất mùn axit trên núi cao: Diện tích có 3.361 ha, chiếm 3,9% diện tích đất toàn huyện, phân bổ ở các xã Đăk Na (1.010 ha), Đăk Sao (50 ha), Măng Ri (1.464 ha), Ngọc Lây (837 ha). Toàn bộ diện tích đất phân bố ở độ dốc >250, tầng dày > 100 cm; loại đất này sử dụng cho mục đích lâm nghiệp và phát triển cây dược liệu:
+ Diện tích đất theo độ dốc tầng dày: Toàn huyện có 8.676 ha đất phân bố ở độ dốc <150, chiếm 10,2% tổng diện tích đất toàn huyện, trong đó đất có tầng dày đất mịn >70 cm là 8.267 ha, có khả năng sử dụng cho phát triển nông nghiệp, chủ yếu là đất xám (6.383 ha) và đất phù sa (1.033 ha).
+ Diện tích đất có độ dốc >150 cần sử dụng cho mục đích lâm nghiệp như trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng hoặc sử dụng nông lâm kết hợp; trồng bời lời, ca ri, quế....
5.2. Tài nguyên nước:
a) Nước mặt:
Trên địa bàn huyện không có sông lớn mà chỉ có suối nhỏ và hệ thống suối đầu nguồn của các sông sau:
Lưu vực sông Đăk PSi: nằm trong địa bàn huyện có diện tích lớn nhất tập trung ở phía Đông-Nam huyện; gồm các hệ thống suối như: Suối nước Chim, suối Đăk PSi, suối Đăk Lây, suối Đăk Ter, suối Đăk Xe,....
Lưu vực sông Đăk Tờ Kan: thuộc địa bàn huyện chủ yếu ở phía Tây-Nam của huyện (xã Đăk Tờ Kan, Đăk Rơ Ông).
Lưu vực sông Pô Kô: Các suối thuộc lưu vực sông Pô Kô phân bố chủ yếu ở phía Tây-Bắc huyện (xã Đăk Na, Đăk Sao).
Huyện nằm trên lưu vực sông Đăk Psi và các nhánh suối chảy qua các khu vực trong huyện nên nguồn nước mặt rất lớn. Nhưng do tỷ lệ mưa chênh lêch giữa các tháng và hệ thống sông suối Tu Mơ Rông nhỏ, hẹp, có nhiều ghềnh, sườn dốc đứng nên khả năng giữ nước hạn chế. Vì vậy mà lượng nước dồi dào vào mùa mưa nhưng lại khan hiếm vào mùa khô nên ảnh hưởng khó khăn đến sự phát triển nông nghiệp.
b) Nước ngầm:
Nguồn nước ngầm trên địa bàn huyện tuy khá phong phú nhưng việc khai thác gặp nhiều khó khăn do địa hình chia cắt, không bằng phẳng nên mặt nước ngầm ở mỗi vùng có khác nhau. Nước ngầm có chất lượng tốt, hiện nay khai thác chủ yếu cho sinh hoạt (khoan giếng, đào giếng).
5.3. Tài nguyên rừng:
Rừng huyện Tu Mơ Rông còn có nhiều lâm đặc sản quý hiếm và có giá trị như trầm hương, sâm Ngọc Linh, quế, song mây, sa nhân, dược liệu...các loại chim muông, thú rừng quý hiếm như hươu, nai, trăn...
5.4. Tài nguyên khoáng sản:
Trên địa bàn huyện có các loại khoáng sản, cấu trúc khác nhau và vị trí nằm rải rác, chủ yếu là nguyên liệu làm vật liệu xây dựng thông thường như cát, sỏi, đá,...