A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Kon Tum - thực trạng và giải pháp

Vai trò và chủ trương cải cách thủ tục hành chính ở nước ta

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta đã chỉ rõ sự cần thiết phải tiến hành cải cách hành chính, coi đây là một giải pháp quan trọng góp phần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Cải cách hành chính ở Việt Nam được triển khai trên nhiều nội dung: cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính (hiện nay theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ là Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số) trong đó cải cách thủ tục hành chính là một nhiệm vụ trọng và được đặt ra ngay từ giai đoạn đầu của tiến trình cải cách. Thủ tục hành chính liên quan không chỉ đến công việc nội bộ của một cơ quan, một cấp chính quyền, mà còn đến các tổ chức và công dân trong mối quan hệ với Nhà nước. Các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp hay ở các văn bản pháp luật khác có được thực hiện hay không, thực hiện như thế nào, về cơ bản, đều phải thông qua thủ tục hành chính do các cơ quan, các cấp chính quyền nhà nước quy định và trực tiếp giải quyết.

 

Lễ khai trương Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Kon Tum

 

Nhận rõ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 38/CP ngày 4-5-1994 về cải cách một bước thủ tục hành chính mà mục tiêu quan trọng là hướng đến việc giải quyết tốt hơn các công việc của công dân, tổ chức, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp. Trên lộ trình thực hiện Nghị quyết số 38/CP, cơ chế "một cửa" đã được thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh và sau đó là tại nhiều địa phương khác.

 

Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 ban hành kèm theo Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17-9-2001 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính với mục tiêu cơ bản là "Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính nhằm bảo đảm tính pháp lý, hiệu quả, minh bạch và công bằng trong khi giải quyết công việc hành chính. Loại bỏ những thủ tục rườm rà, chồng chéo dễ bị lợi dụng để tham nhũng, gây khó khăn cho dân".

 

Trên tinh thần đó, những năm qua công tác cải cách thủ tục hành chính trở thành nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong chương trình công tác của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước đã nêu rõ "tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xem đây là khâu đột phá để tạo môi trường thuận lợi, minh bạch cho mọi hoạt động của người dân và doanh nghiệp, phải tiến hành rà soát các thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực, chỉ rõ những thủ tục, những quy định sai trái, không phù hợp và nguyên nhân cụ thể để kiên quyết sửa đổi. Đây là khâu cản trở sự phát triển và gây nhiều bức xúc trong nhân dân, phải tập trung chỉ đạo tạo sự chuyển biến nhanh trong lĩnh vực này". Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X, việc tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với việc thực hiện cơ chế "một cửa" đã được triển khai mạnh và thu được những kết quả bước đầu tích cực.

 

Công dân làm thủ tục hành chính tại

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Kon Tum

 

Có thể nhận thấy cơ chế "một cửa" là giải pháp đổi mới hữu hiệu về phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương các cấp, nhằm tạo chuyển biến cơ bản trong quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức và công dân, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm phiền hà, chi phí, thời gian, công sức; đồng thời, điều chỉnh một bước về tổ chức bộ máy và đổi mới, cải tiến chế độ làm việc và quan hệ công tác trong cơ quan hành chính nhà nước.

 

Đến Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với chính quyền, địa phương, trong đó Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ rõ "Rà soát, điều chỉnh, sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của chính quyền địa phương, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp; tổ chức thực hiện có hiệu quả mô hình trung tâm phục vụ hành chính công, cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở các cấp".

 

Để thực hiện đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Chỉ thị như: Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2015 về việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong cải cách TTHC; Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2016 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp và Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2018 về nâng cao chất lượng giải quyết TTHC tại các bộ, ngành, địa phương…

 

Chủ trương cải cách thủ tục hành chính của tỉnh Kon Tum

 

Hội nghị lần thứ mười ba Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã có Kết luận số 948-KL/TU ngày 02 tháng 11 năm 2018 về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2018; phương hướng, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2019. Trong các nhiệm vụ, giải pháp đã yêu cầu “Tiếp tục thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo chủ trương của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ khởi nghiệp. Hình thành Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh”. Để thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, ngày 07 tháng 12 năm 2018 Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum khóa XI kỳ họp thứ 7 đã ban hành Nghị quyết số 31/2018/NQ-HĐND về phương hướng, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2019 đã đề ra trong các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu có yêu cầu“Tiếp tục thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo chủ trương của Trung ương, các chương trình của Tỉnh ủy, kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII. Đẩy mạnh triển khai thực hiện và tổ chức kiểm tra việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Nghiên cứu, hình thành Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh”; Ngày 09 tháng 01 năm 2019 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 20-CT/TU của về triển khai thực hiện các lĩnh vực đột phá trong năm 2019; Quyết định số 31/QĐ-UBND ngày 10 tháng 01 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành về ban hành chương trình hành động triển khai ba (03) lĩnh vực đột phá phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 trên địa bàn tỉnh, trong đó có chương trình hành động triển khai lĩnh vực đột phá đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; hình thành Trung tâm hành chính công cấp tỉnh và tăng cường xúc tiến đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp năm 2019.

 

Ký kết thỏa thuận hợp tác về thanh toán không dùng tiền mặt

 tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh

giữa Văn phòng UBND tỉnh và Vietcom Bank Kon Tum

 

Những kết quả nổi bật trong cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh từ năm 2019-2021

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, các chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã được các ngành, các cấp, địa phương triển khai và đạt nhiều kết quả tích cực - Chỉ số Cải cách hành chính năm 2020 tăng 10 bậc so với năm 2019, đặc biệt Chỉ số thành phần về Cải cách thủ tục hành chính luôn đứng ở tốp cao trên toàn quốc (năm 2019 đứng thứ 21/63; năm 2020 đứng thứ 19/63 tỉnh, thành phố).

Công tác rà soát, trình công bố danh mục TTHC thực hiện trên địa bàn tỉnh được quan tâm, chú trọng. Trong năm 2019, 2020, 9 tháng đầu năm 2021 đã trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành hơn 150 Quyết định công bố danh mục TTHC thực hiện trên địa bàn tỉnh. Đến tháng 9/2021, trên địa bàn toàn tỉnh có 1.774 thủ tục hành chính (trong đó: cấp tỉnh: 1.445, cấp huyện: 229; cấp xã: 100). Thực hiện công khai 100% TTHC trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 146 Bộ phận Một cửa, trong đó cấp tỉnh có 4 Bộ phận Một cửa; Cấp huyện có 40 Bộ phận Một cửa; Cấp xã 102 Bộ phận Một cửa.

Tổng số công chức viên chức làm việc tại Bộ phận một cửa trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng hơn 400 người.

Việc  giải  quyết  TTHC  ngày  càng  chất lượng  và  hiệu  quả hơn với  việc xác định lấy người  dân,  doanh  nghiệp  làm  trung  tâm phục  vụ, trong đó:

Năm 2019: Tổng số hồ sơ giải quyết TTHC trong năm 2019: 608.816 hồ sơ (bao gồm cả TTHC của các cơ quan ngành dọc), trong đó: 1.474 hồ sơ tiếp nhận trực tuyến. Kết quả giải quyết TTHC: 608.266 hồ sơ đã giải quyết, trong đó:  607.972 hồ sơ giải quyết sớm và đúng hạn (đạt 99,95%).

Năm 2020: Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận: 438.862 hồ sơ giải quyết TTHC (không tính các cơ quan ngành dọc), trong đó có 5.644 hồ sơ tiếp nhận trực tuyến. Kết quả giải quyết TTHC: 435.099 hồ sơ đã giải quyết; số hồ sơ đúng hạn và trước hạn đạt tỷ lệ 99%.

Năm 2021 (tính đến 30/9/2021): Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận: 294.716 hồ sơ giải quyết TTHC (không tính các cơ quan ngành dọc), trong đó có 8.692 hồ sơ tiếp nhận trực tuyến. Hồ sơ đã giải quyết; số hồ sơ đúng hạn và trước hạn đạt tỷ lệ 99,60%.

Văn phòng ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt 30 thủ tục hành chính thuộc 02 lĩnh vực: Đăng ký biện pháp đảm bảo và Đăng ký biến động đất đai thuộc phạm vi tiếp nhận tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Kon Tum đưa ra thực hiện tại Trung tâm; chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành các thủ tục đăng ký con dấu thứ hai của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Kon Tum, đồng thời cử 01 đ/c lãnh đạo Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai đến thực hiện nhiệm vụ tại Trung tâm để thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo hình thức 04 tại chỗ (kể từ ngày 07 tháng 10 năm 2019). Với việc triển khai các nội dung nêu trên đã giúp cho việc giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai (lĩnh vực tương đối nhạy cảm) cho công dân và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố được đảm bảo công khai, minh bạch; nhanh chóng, thuận tiện được công dân và doanh nghiệp đánh giá cao (hiện nay việc giải quyết các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đăng ký biện pháp đảm bảo đã rút ngắn 75% thời gian giải quyết – từ 8 tiếng xuống còn không quá 2 tiếng).

Triển khai thực hiện Nghị định 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ và các chủ trương, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã giao cho Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp tham mưu xây dựng Đề án Thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 18 tháng 7 năm 2019. Trên cơ sở tham khảo, học tập và rút kinh nghiệm một số mô hình của các tỉnh bạn, Kon Tum đã xây dựng mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công Kon Tum có một số điểm mới so với mô hình của các tỉnh khác, đó là việc sáp nhập Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để theo dõi, tham mưu các nội dung kiểm soát thủ tục hành chính gắn với việc theo dõi tình hình giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông. Với việc giao nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính cho Trung tâm Phục vụ hành chính công trong thời gian qua tại tỉnh Kon Tum cho thấy công tác tham mưu các nội dung liên quan đến công tác kiểm soát thủ tục hành chính sát hơn với thực tiễn công tác giải quyết thủ tục hành chính; đảm bảo tính liền mạch trong công tác tham mưu từ đó sẽ thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện; Trung tâm cũng đã kịp thời đề xuất và có giải pháp khắc phục ngay những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tế quá trình triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và công tác kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn.

Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đang thực hiện tiếp nhận và trả kết quả đối với 1.452/1.774 TTHC cấp tỉnh (92%), tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cũng thực hiện tiếp nhận và trả kết quả các thủ tục cơ quan Công an và Bảo hiểm xã hội theo Quyết định số 1291/QĐ-TTg ngày 07/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Tổ chức, tổ chức lại Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã được đẩy mạnh triển khai (Đề án ban hành kèm theo Quyết định số 26/QĐ-UBND ngày 09 tháng 01 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh). Trên cơ sở Đề án được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, 10/10 huyện, thành phố và 102/102 xã, phường, thị trấn đã hoàn thành việc tổ chức, tổ chức lại Bộ phận Một cửa thành Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện, cấp xã theo đúng quy định tại Nghị định 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ và đã thực hiện thống nhất việc tiếp nhận hồ sơ TTHC trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh từ đầu tháng 7/2020. Hiện nay, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện cấp xã đang thực hiện Tiếp nhận 100% TTHC thuộc cấp huyện và cấp xã (cấp huyện: 229 TTHC; cấp xã: 100 TTHC).

Thông qua hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công và Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện, cấp xã đã giúp hạn chế phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực; tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp khi đến giao dịch với cơ quan hành chính nhà nước. Đặc biệt là việc thực hiện giải quyết TTHC theo phương thức “4 tại chỗ” như lĩnh vực Đăng ký biến động đất đai và Giao dịch đảm bảo tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính: Hệ thống thông tin một cửa tỉnh Kon Tum (VNPT-Igate) được chính thức đi vào hoạt động từ ngày 18 tháng 7 năm 2019 và thực hiện tại 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) từ ngày 18 tháng 7 năm 2020. Tính đến ngày 30 tháng 9 năm 2021 Hệ thống thông tin một cửa điện tử đã tiếp nhận để giải quyết 294.590 hồ sơ thủ tục hành chính; trong đó đã giải quyết đúng hạn và trước hạn là đạt 99,6%. Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện, cấp xã đã được trang bị hệ thống lấy số tự động, máy tra cứu thông tin và tiến độ giải quyết hồ sơ, hệ thống camera giám sát,… ; việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC được thực hiện thông qua Hệ thống thông tin một cửa điện tử với quy trình xử lý hồ sơ được điện tử hóa các bước thực hiện đến từng chuyên viên giải quyết, giúp theo dõi chặt chẽ quá trình giải quyết hồ sơ và công khai, minh bạch thông tin, tiến trình xử lý để người dân, doanh nghiệp có thể theo dõi. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm chi phí cho tổ chức, cá nhân khi trao đổi thông tin (hỏi, đáp) những vấn đề liên quan đến giải quyết TTHC, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh đã tham mưu và phối hợp với Công ty Cổ phần VNG và Viễn thông Kon Tum triển khai tích hợp các ứng dụng Zalo trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh, cụ thể các ứng dụng đã được tích hợp như: (1) Thực hiện tra cứu hồ sơ tiến độ xử lý hồ sơ (quét mã QR qua ứng dụng Zalo); (2) Thực hiện gửi tin nhắn ZMS để thông báo khi hồ sơ được giải quyết trước hạn; trễ hạn hoặc thông báo đến bổ sung thành phần hồ sơ; (3) Thực hiện hỏi, đáp các vấn đề liên quan đến TTHC thông qua tính năng chat của Zalo; (4) Hệ thống ZOA nhằm truyền thông cung cấp, trao đổi thông tin giữa Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh với người dân, doanh nghiệp.

Triển khai việc sử dụng biên lai điện tử trong thu phí, lệ phí giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh. Đến nay có 19/19 sở, ban ngành; 10/10 huyện, thành phố và 142 đơn vị cấp xã, cấp phòng thuộc huyện đã sử dụng biên lai điện tử trong thu phí, lệ phí giải quyết TTHC.

Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch trong thu phí, lệ phí TTHC, Ủy ban nhân dân tỉnh đã cho chủ trương để Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh ký kết thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng Thương mại cổ phần Vietcombank - Chi nhánh Kon Tum triển khai dịch vụ thu phí tập trung và thanh toán không dùng tiền mặt trong giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Theo đó, kể từ tháng 10/2020, việc thu phí giải quyết TTHC được thực hiện tập trung tại quầy giao dịch của Vietcombank - Chi nhánh Kon Tum đặt tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Việc thực hiện thu phí tập trung và thanh toán không dùng tiền mặt trong giải quyết TTHC bước đầu cho thấy đạt hiệu quả cao trong giải quyết TTHC, được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao.

Việc triển khai thực hiện TTHC trên môi trường điện tử được đẩy mạnh triển khai: Trong năm 2020 và 9 tháng đầu năm 2021 Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều Quyết định phê duyệt Danh mục TTHC thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên địa bàn tỉnh với tổng số: 772 dịch vụ (mức độ 3 có 296 dịch vụ, mức độ 4 có 476 dịch vụ). Tổng số dịch vụ công mức độ 3, 4 trên tổng số thủ tục hành chính đạt 39%.

Hoàn thành kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đến nay, đã tích hợp công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia 834 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 (47%/1774 TTHC), vượt 7,5% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ.

Việc tham mưu xử lý và trả lời phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia được chú trọng triển khai; đồng thời chú trọng công tác tiếp nhận thông tin phản ánh, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc thông qua số điện thoại đường dây nóng của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Hạn chế và nguyên nhân

Việc kiểm soát quy định TTHC tại các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) có quy định TTHC theo quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP, Nghị định số 48/2013/NĐ-CP, Nghị định số 92/2017/NĐ-CP của Chính phủ chưa được quan tâm thực hiện, dẫn đến việc tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành một số văn bản QPPL có quy định TTHC không cần thiết, không hợp lý, gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện; tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt công bố một số thủ tục hành chính không có trong quy định của Trung ương (các quy định về thủ tục hành chính đối với lĩnh vực công chức, viên chức).

Việc công khai, niêm yết TTHC chưa được quan tâm thường xuyên; thời gian giải quyết TTHC vẫn còn kéo dài so với quy định; một số đơn vị còn tiếp nhận hồ sơ theo quy định cũ; trong quá trình giải quyết TTHC của một số cơ quan, đơn vị còn có tình trạng thu thêm hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định; Phòng Lao động, Thương binh và xã hội thành phố Kon Tum; UBND phường Thắng Lợi.

Công tác theo dõi, đôn đốc quá trình giải quyết hồ sơ tại một số đơn vị chưa chặt chẽ dẫn đến vẫn còn tình trạng hồ sơ quá hạn nhưng không thực hiện việc lập Phiếu xin lỗi và hẹn lại ngày trả kết quả dẫn đến gây phiền hà, tốn kém cho người dân, doanh nghiệp (đặc biệt là lĩnh vực đăng ký biến động đất đai).

Chưa thực hiện nghiêm quy định về gửi thư xin lỗi cho tổ chức, cá nhân khi giải quyết hồ sơ TTHC sai sót, trễ hạn; Việc rà soát, đánh giá TTHC phục vụ yêu cầu xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định TTHC tại các văn bản quy phạm pháp luật chưa được các sở, ngành quan tâm đề xuất thực hiện;

Việc sử dụng hệ thống thông tin một cửa điện tử để tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả chưa đồng bộ theo chỉ đạo của UBND tỉnh; tỷ lệ phát sinh hồ sơ trên Hệ thống một cửa điện tử tại một số đơn vị, địa phương còn thấp, chưa đạt 100% theo chỉ tiêu của Nghị quyết 17/NQ-CP của Chính phủ.

Một số đơn vị, địa phương chưa quan tâm đến chất lượng đội ngũ công chức làm nhiệm vụ đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính.

Người đứng đầu một số đơn vị, địa phương vẫn chưa nhận thức đầy đủ về nội dung, vai trò và tầm quan trọng của công tác kiểm soát TTHC, cải cách TTHC dẫn đến việc chỉ đạo chưa thật sự quyết liệt, một số nội dung của công tác này tại một số cơ quan, đơn vị thực hiện chưa đúng quy định;

Một số đơn vị, địa phương cử nhân sự chưa có kinh nghiệm công tác làm nhiệm vụ đầu mối kiểm soát TTHC tại đơn vị, địa phương dẫn đến chất lượng tham mưu công tác kiểm soát TTHC tại đơn vị, địa phương chưa cao.

Tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến còn thấp do khả năng tiếp cận thông tin, trình độ, phương tiện máy móc ứng dụng công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế; mặt khác do công tác tuyên truyền sử dụng dịch vụ công trực tuyến chưa thực sự mạnh mẽ.

Kinh phí trang bị cơ sở vật chất (chủ yếu là máy móc thiết bị) phục vụ việc tổ chức lại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện, cấp xã tại một số địa phương gặp khó khăn.

Một số giải pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các chủ thể trong xã hội về tầm quan trọng của cải cách TTHC, hướng tới xây dựng nền hành chính hiện đại. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là phải nâng cao nhận thức về cải cách TTHC cho toàn thể cán bộ, công chức và nhân dân để tạo hiệu ứng chung trong toàn xã hội cùng chung tay tham gia thực hiện. Chính vì vậy, tiếp tục phát huy việc chuyển nhận thức từ cơ chế nền hành chính “mệnh lệnh”, “xin – cho” sang nền hành chính “phục vụ”; coi người dân và doanh nghiệp thực sự là “đối tác”, “khách hàng” trong cung cấp dịch vụ công.

Thứ hai, đẩy mạnh xây dựng và vận hành chính phủ điện tử, góp phần cải cách TTHC và các dịch vụ công. Cần tăng Chỉ số phát triển chính phủ điện tử và Chỉ số thành phần về cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó, cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về xây dựng, vận hành chính phủ điện tử; nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 nhằm đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả thực thi công vụ cho đội ngũ công chức tiếp nhận và giải quyết TTHC. Đặc biệt, đề cao trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật trong tiếp nhận, xử lý nhanh chóng, kịp thời các TTHC của công chức nhà nước. Theo đó, phải lấy kết quả cải cách TTHC hằng năm là cơ sở quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, năng lực lãnh đạo, điều hành của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp; là một trong những tiêu chí đánh giá, bình xét thi đua, khen thưởng cho tập thể, cá nhân. Phát động phong trào thi đua về cải cách TTHC tại cơ quan, đơn vị, địa phương, trọng tâm vào các vấn đề như: giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết hồ sơ TTHC; chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thi hành công vụ; văn hóa công sở.

Thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra việc thực thi công vụ của đội ngũ công chức tiếp nhận và giải quyết TTHC. Xử lý nghiêm người vi phạm và khen thưởng kịp thời những người thi hành xuất sắc nhiệm vụ nhằm tiếp tục tạo bước chuyển căn bản trong quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp, giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau trong giải quyết và thực hiện các TTHC. Tiếp nhận, xử lý các phản ảnh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, TTHC không còn phù hợp.

Thứ tư, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động của các cơ quan, đơn vị và bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả các cấp gắn với việc củng cố nhân sự làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp đảm bảo đúng quy định. Đồng thời nâng cao năng lực làm việc, nhất là nâng cao các kỹ năng. Tạo điều kiện cho CBCC ngoài tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng theo kế hoạch còn có thể tự học, tự rèn, tự nâng cao năng lực bản thân. Quan tâm đầu tư trang bị cơ sở vật chất, trong đó chú trọng đến các thiết bị như máy vi tính, máy in, máy scaner có cấu hình cao để thực hiện việc luân chuyển và số hóa hồ sơ, hướng tới thực hiện giải quyết hồ sơ trên môi trường điện tử...

Cải cách TTHC có một ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng mô hình chính quyền dân chủ, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do đó, những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện các TTHC theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức cần phải được các cơ quan chức năng nhận thức đầy đủ để có các biện pháp khắc phục phù hợp./.


Nguồn:kontum.gov.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 138
Hôm qua : 199