A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

ĐO LƯỜNG HOẠT ĐỘNG CỦA NGƯỜI DÂN TRÊN CÁC NỀN TẢNG SỐ (Tuần 42/2022)

ĐO LƯỜNG HOẠT ĐỘNG CỦA NGƯỜI DÂN TRÊN CÁC NỀN TẢNG SỐ (THÁNG 9/2022) 

Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (theo Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/03/2022 của Thủ tướng Chính phủ) đặt ra tầm nhìn phát triển kinh tế số giúp người dân giàu có hơn, phát triển xã hội số giúp người dân hạnh phúc hơn. Các chiến lược về chuyển đổi số đã ban hành đều đã xác định rất rõ việc lấy người dân là trung tâm hay nói cách khác xây dựng một tương lai kỹ thuật số để phục vụ con người, mở ra cơ hội khai phá giá trị mới, giảm bất bình đẳng và thúc đẩy tính bao trùm. Sự gia nhập của người dân vào một thế giới số đóng vai trò quyết định đến sự thành công này.

Theo kết quả ước tính sơ bộ tháng 9/2022, Việt Nam có tổng lượt tải mới ứng dụng trên thiết bị di động là 265 triệu lượt, xếp thứ 10 toàn cầu về quốc gia có số lượng lượt tải ứng dụng nhiều nhất toàn cầu (sau Ấn Độ, Hoa Kỳ, Brazil, Trung Quốc, Indonesia, Nga, Mexico, Pakistan, và Thổ Nhĩ Kỳ). Trong đó, tỷ trọng về số lượng lượt tải mới tập trung nhiều nhất ở nhóm lĩnh vực trò chơi điện tử (giải trí/hành động, trí tuệ/câu đố, phiêu lưu mạo hiểm…). Hai nhóm ngành, lĩnh vực có sự tăng trưởng về số lượng lượt tải mới so với quý trước là Giáo dục (0,66%) và Đồ ăn & uống (3,78%).

Thời lượng người dùng các nền tảng số Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng so với tháng 8/2022 từ 12,66% lên 14,13% với trung bình ước tính mỗi thuê bao điện thoại di động sử dụng smartphone dành khoảng gần 10 tiếng/thuê bao/tháng để sử dụng các ứng dụng do trong nước phát triển (tăng hơn 40 phút so với quý trước). Số lượng người dùng thường xuyên các ứng dụng Việt Nam cũng tăng so với tháng 8/2022. Ước tính sơ bộ tỷ trọng người dùng thường xuyên các ứng dụng Việt Nam so với ứng dụng nước ngoài có sự gia tăng nhẹ từ mức 19,22% tháng 8/2022 lên 22,66%. Trong số top 50 ứng dụng có số lượng người dùng nhiều nhất tháng 9/2022, Facebook (Hoa Kỳ) với hơn 75,6 triệu người dùng đang hoạt động đang nắm giữ vị trí #1 về số lượng người dùng, tiếp theo xếp hạng #2 là Zalo (Việt Nam) với hơn 74,1 triệu người dùng đang hoạt động; #3 là YouTube (Hoa Kỳ) đạt 7,1 triệu người dùng đang hoạt động. Ngoài Zalo, một số ứng dụng Việt cũng được xếp thứ hạng cao là Zing MP3 (#17), Ví MoMo (#21), Báo Mới (#26), Vietcombank (#28), BIDV Smart Banking (#35),… 

Để tăng cường, thúc đẩy các hoạt động của người dân trên môi trường mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các bộ, ngành, địa phương: (i) tiếp tục đẩy mạnh việc kết nối, trao đổi dữ liệu và mở dữ liệu; ii) sớm hoàn thành và đưa vào vận hành các nền tảng số quốc gia; iii) ưu tiên thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, các dịch vụ số và hạ tầng chuyển phát, logistics tại các khu vực nông thôn; iv) đảm bảo tỷ lệ chi thường xuyên bằng nguồn vốn ngân sách cho việc thuê dịch vụ nền tảng để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của các ngành, lĩnh vực được giao phụ trách.

Đề xuất:

Số lượng các ứng dụng, nền tảng số do các tổ chức, cá nhân trong nước phát triển và đưa vào sử dụng ngày càng nhiều nhưng chưa mạnh (số lượng các ứng dụng, nền tảng có trên 5 triệu người dùng chiếm số lượng còn ít, theo số liệu ước tính có khoảng 14 ứng dụng, nền tảng có trên 5 triệu người dùng). Như vậy, các nền tảng xuyên biên giới hiện nay vẫn đang nắm giữ thị phần lớn về số lượng người dùng thường xuyên hằng tháng. Vấn đề này đặt ra những thách thức lớn về vấn đề chủ quyền số quốc gia trên không gian mạng; vấn đề về an ninh quốc gia khi các ứng dụng y tế, sức khỏe của một số doanh nghiệp nước ngoài đang theo dõi một số lượng lớn người dân Việt hay vấn đề về mua bán sát nhập các doanh nghiệp nắm giữ dữ liệu người tiêu dùng số Việt Nam; vấn đề về đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, chống thất thu thuế giữa nền tảng trong nước và nước ngoài. Bộ Thông tin và Truyền thông kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo:

* Đối với các bộ, ngành:

- Quyết liệt xây dựng thể chế số của các ngành, lĩnh vực, chỉ đạo việc sử dụng các nền tảng số quốc gia dùng chung, kết nối, mở, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống, cơ sở dữ liệu chuyên ngành với các nền tảng số quốc gia nhằm đồng bộ, liên thông, tạo hệ sinh thái chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số;

- Đảm bảo tỷ lệ chi thường xuyên bằng nguồn vốn ngân sách cho việc thuê dịch vụ nền tảng để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của các ngành, lĩnh vực được giao phụ trách.

* Đối với các địa phương:

- Ban hành kế hoạch hành động triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và kế hoạch hành động thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục, y tế;

- Lựa chọn các nền tảng số quốc gia, các nền tảng số phục vụ người dân để ưu tiên thúc đẩy trên địa bàn tỉnh, thành phố, sử dụng lực lượng Tổ công nghệ số cộng đồng để hướng dẫn người dân sử dụng;

- Ưu tiên thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, các dịch vụ số chuyên ngành và hạ tầng chuyển phát, logistics tại các khu vực nông thôn qua đó thúc đẩy người dân ở nông thôn hình thành thói quen tiêu dùng số và xây dựng văn hóa số;

- Phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông tăng cường phủ sóng vùng lõm, triển khai cáp quang đến hộ gia đình và hỗ trợ thiết bị thông minh cho các hộ gia đình chưa có, đảm bảo mỗi hộ có tối thiểu một thiết bị thông minh.

Chi tiết Báo cáo xem tại đây.


Tập tin đính kèm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 8
Hôm qua : 475