A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Huyện Tu Mơ Rông: Khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế

Huyện Tu Mơ Rông có thoát nghèo được hay không phụ thuộc vào sự phát triển dược liệu và sâm Ngọc Linh” - đó là kết luận của UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang tại buổi làm việc với Thường trực huyện ủy Tu Mơ Rông trong chuyến công tác vào giữa tháng 3/2021

BTV Tỉnh ủy Kon Tum làm việc với BTV Huyện ủy Tu Mơ Rông

Thực tế, trong những năm qua, huyện Tu Mơ Rông tạo được dấu ấn khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế trong việc phát triển cây dược liệu, nhất là cây sâm Ngọc Linh và gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Kế thừa và phát huy lợi thế sẵn có, địa phương hiện đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ và giải pháp để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế gắn với phát triển du lịch.

Huyện Tu Mơ Rông nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh, có tổng diện tích tự nhiên 85.744,25 ha, trong đó có 57.384,8 ha rừng. Địa hình huyện nằm ở vùng núi cao, đất dốc, bị chia cắt mạnh, thấp dần từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, lượng mưa nhiều và có khí hậu mát lạnh; đất đai chủ yếu là đất xám (chiếm trên 90% diện tích), còn lại là đất đỏ phát triển trên đá bazan, đất mùn trên núi cao và đất phù sa suối.

Điều kiện tự nhiên khá thuận lợi đã tạo cho huyện có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển các loại cây dược liệu như sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm (sâm dây), đương quy, ngũ vị tử, lan kim tuyến, sơn tra... dưới tán rừng và trên đất lâm nghiệp; cây cà phê chè xứ lạnh; có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp như các thác nước, có các di tích lịch sử và người dân lưu giữ nhiều giá trị văn hóa... có thể khai thác để phát triển du lịch. Và việc khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế, nhất là phát triển cây sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác gắn với phát triển du lịch văn hóa, sinh thái, lịch sử... sẽ tạo ra động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Theo ông Võ Trung Mạnh – Chủ tịch UBND huyện, để khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế, những năm qua, huyện đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và có nhiều chủ trương, chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế ở địa phương. Đồng thời để tiếp tục khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XVI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII vào cuộc sống, Huyện ủy chỉ đạo các cơ quan chức năng tham mưu xây dựng các nghị quyết chuyên đề, chương trình, đề án, kế hoạch để triển khai thực hiện đồng bộ nghị quyết Đảng bộ huyện và Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Trong việc khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế, huyện coi trọng việc bảo vệ và phát triển rừng. Đến nay, trên địa bàn huyện có 51.269,1 ha rừng tự nhiên, 3.283,2 ha rừng trồng; độ che phủ của rừng 67%. Rừng không chỉ có vai trò điều hòa khí hậu, tạo ra oxy, cân bằng môi trường sinh thái, cung cấp gỗ... mà còn có nhiều loài cây dược liệu quý có giá trị như sâm Ngọc Linh, sa nhân, sâm dây, ngũ vị tử, đương quy... Trong các loại cây dược liệu quý, sâm Ngọc Linh là cây đặc hữu và được xem là “Quốc bảo” tiếp tục được đặc biệt coi trọng đẩy mạnh phát triển gắn với chế biến, xây dựng thương hiệu đưa các sản phẩm sâm Ngọc Linh vươn xa.  

Do vậy, nhiệm vụ kép của huyện vừa khuyến khích phát triển dược liệu, vừa vận động người dân làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng đảm bảo duy trì độ che phủ rừng, trồng rừng để người dân hưởng lợi từ rừng và dưới tán rừng, bảo vệ những cảnh quan thiên nhiên ban tặng địa phương để phát triển du lịch.

Bằng những chủ trương, chính sách thu hút đầu tư, phát triển cây dược liệu gắn với chế biến sản phẩm, đến nay, diện tích cây dược liệu là 726 ha, tăng 706 ha so với năm 2015. Đặc biệt, cây sâm Ngọc Linh hiện phát triển trong dân đạt trên 25,2 ha; cây Hồng đẳng sâm là 125,7 ha; cây Đương quy là 38,9 ha; cây Ngũ vị tử là 31,8 ha; cây Sơn tra là 37,3 ha. Gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ kinh doanh trên địa bàn đẩy mạnh triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Trong năm 2019, huyện có 2 sản phẩm OCOP đạt 4 sao là sản phẩm Collagen Sâm Ngọc Linh, Trà Sâm Ngọc Linh hòa tan do Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh sản xuất; 5 sản phẩm đạt 3 sao là Trà túi lọc Ngũ vị tử, Trà túi lọc Sâm dây, Sâm dây tươi hút chân không, Sâm dây khô hút chân không do hộ kinh doanh Đặng Tuấn Vũ sản xuất và sản phẩm Cà phê rang xay do Hợp tác xã Dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông sản xuất. Năm 2020, huyện có 3 sản phẩm được đánh giá và xếp hạng 3 sao để đưa về tỉnh đánh giá, xếp hạng.  

Đối với việc phát triển cây cà phê chè xứ lạnh, thông qua việc thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh và sự đầu tư mở rộng của người dân, đến nay, huyện phát triển 1.751 ha cà phê. Cùng với cây dược liệu, cây cà phê xứ lạnh góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân địa phương. Đồng thời, huyện phát triển gần 160 ha cây ăn quả các loại, trong đó đang trồng thử nghiệm 5,93 ha cây mắc ca.  

Đối với phát triển du lịch, huyện ưu tiên các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng và đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư khai thác điểm du lịch gắn với phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện; tổ chức khảo sát các tour, tuyến du lịch; lập hồ sơ công nhận điểm du lịch cộng đồng làng Pu Tá, xã Măng Ri gắn với du lịch trải nghiệm vườn dược liệu Ngọc Linh, du lịch sinh thái trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Huyện xác định rõ các giá trị văn hóa, lịch sử về vùng đất, con người; các cảnh quan thiên nhiên núi rừng Ngọc Linh, thác nước đa tầng tại xã Tê Xăng; thác Siu Mô Man, Siu Puông tại xã Đăk Na; thác Tearong tại xã Tu Mơ Rông; ruộng bậc thang, Khu di tích lịch sử cách mạng căn cứ Tỉnh ủy và kết hợp tham quan vườn sâm Ngọc Linh, các vườn dược liệu tại xã Măng Ri...

Về mục tiêu phát triển, huyện tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Huy động khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và tiềm năng, lợi thế của huyện. Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển dược liệu. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng, phát triển các loại hình du lịch...

Để thực hiện mục tiêu trên, trong năm 2021, huyện có kế hoạch trồng mới: 489,4 ha sâm Ngọc Linh (người dân trồng 7,2 ha, doanh nghiệp trồng 482,2 ha), 530 ha dược liệu khác (sâm dây, ngũ vị tử, sơn tra...), 52 ha cà phê, 50 ha cây ăn quả (kể cả cây mắc ca), 300 ha rừng... Đồng thời, huyện phấn đấu thành lập thêm 11 tổ hợp tác và 2 hợp tác xã.

Để thực hiện tốt kế hoạch, ông Võ Trung Mạnh – Chủ tịch UBND huyện có biết, huyện đang đẩy mạnh việc triển khai các nhiệm vụ và giải pháp khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế. Theo đó, về phát triển kinh tế dược liệu, từ khâu quản lý, chọn giống, sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn đến thu mua, chế biến và tiêu thụ dược liệu; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm… theo hướng hàng hóa; chỉ đạo mạnh mẽ để xúc tiến, kêu gọi phát triển du lịch cộng đồng nhằm khai thác có hiệu quả các cảnh quan thiên nhiên gắn với trải nghiệm vườn dược liệu, đỉnh Ngọc Linh, thác Y Hai, Tea Prong, Siu Puông… Đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng; trồng rừng vừa tạo thu nhập từ rừng cho chính bà con vừa kết hợp phát triển cây dược liệu dưới tán rừng hoặc trồng rừng là cây dược liệu như sơn tra, tiêu rừng, hoặc cây mắc ca, đồng thời vừa giữ được nguồn nước, hệ sinh thái, bảo vệ môi trường… góp phần thực hiện lộ trình xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban, các xã và các đơn vị tạo điều kiện cho người dân thành lập và xây dựng các mô hình hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Nâng cao hiệu quả sức cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm dược liệu; đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư chế biến nông, lâm sản, dược liệu...

Đ/c Dương Văn Trang BT Tỉnh ủy Kon Tum thăm thác Siu Puông, xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông

Cũng trong chuyến công tác tại huyện Tu Mơ Rông, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cùng đoàn công tác của tỉnh có chuyến khảo sát tiềm năng du lịch sinh thái và trải nghiệm tại thác Siu Puông. Qua khảo sát, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Sở Giao thông Vận tải, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh nghiên cứu, đề xuất đầu tư hạ tầng xây dựng thác Siu Puông thành điểm du lịch sinh thái và trải nghiệm du lịch cộng đồng; đề nghị chính quyền địa phương vận động người dân tích cực tham gia phát triển du lịch cộng đồng để các sản phẩm đặc trưng của địa phương trở thành sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách.

Tin, ảnh: Ngọc Mẫn  

Tác giả: Tin, ảnh: Ngọc Mẫn  
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 381
Hôm qua : 395