Người dân tặng huyện 3,63kg sâm Ngọc Linh, đấu giá 580 triệu đồng làm du lịch cộng đồng
3,63kg sâm Ngọc Linh quý hiếm được người dân quyên tặng UBND huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum, đấu giá để thu tiền làm du lịch cộng đồng.
Chiều 14-1, UBND huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) tổ chức buổi đấu giá sâm Ngọc Linh để gây quỹ phát triển Làng du lịch cộng đồng Tu Thó, xã Tê Xăng.
rong buổi đấu giá, UBND huyện Tu Mơ Rông đã đưa 3,63kg sâm Ngọc Linh do một số hộ dân quyên góp ra đấu giá. Việc đấu giá được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến cho người mua ở xa.
Sau buổi đấu giá, có 4 người đấu trúng trực tiếp số sâm trên. Hai người đấu trực tuyến từ Hà Nội và TP.HCM với tổng số tiền trúng đấu giá là 580 triệu đồng.
Theo UBND huyện Tu Mơ Rông, toàn bộ số tiền thu được sau buổi đấu giá sẽ được sử dụng để xây dựng căn nhà dài truyền thống của đồng bào Xơ Đăng tại Làng tái định cư Tu Thó, xã Tê Xăng.
Ông Võ Trung Mạnh - chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông - cho hay số sâm Ngọc Linh được mang bán đấu giá lần này do một số hộ dân trên địa bàn tặng, nhằm giúp huyện có kinh phí chăm lo người dân Làng tái định cư Tu Thó khi được công nhận là làng du lịch cộng đồng.
Trước tình cảm của các hộ dân, huyện đã nghiên cứu, lấy ý kiến người dân và xác định làng đang thiếu ngôi nhà dài để phục vụ đón du khách. Nhà dài là một nét văn hóa kiến trúc đặc trưng của đồng bào Xơ Đăng, nhưng theo thời gian hiện đã không còn.
"Ngay sau khi bán đấu giá, huyện sẽ hỗ trợ bà con xây dựng nhà dài. Qua đó giúp đồng bào có thêm điều kiện để phát triển du lịch cộng đồng, hướng đến bảo tồn văn hóa đặc sắc và có thêm thu nhập để vươn lên thoát nghèo, an cư trên chính mảnh đất sản sinh ra cây sâm Ngọc Linh" - ông Mạnh nói.
Cùng ngày, UBND huyện Tu Mơ Rông tổ chức lễ đón nhận quyết định của UBND tỉnh Kon Tum về việc công nhận Làng tái định cư Tu Thó là làng du lịch cộng đồng.
Đây là ngôi làng tái định cư xây dựng từ 5 năm trước, nhằm di dời bà con ở vùng có nguy cơ bị sạt lở đất. Đến nay đời sống bà con có nhiều thay đổi tích cực.
Theo chính quyền địa phương, năm 2019 trước khi di dời làng có 69 hộ nghèo, chiếm gần 50% dân số. Đến nay, hộ nghèo chỉ còn 31 hộ, số hộ khá giả, nhà ở khang trang tăng dần. Để thoát nghèo, người dân đã trồng rừng, cà phê xứ lạnh và những vườn dược liệu quý như sâm dây, sâm Ngọc Linh.
Để chuẩn bị làm du lịch cộng đồng, bà con trong làng chủ động liên kết xây dựng nhà ở lưu trú, đi học lớp bồi dưỡng phục vụ du lịch, thành lập các đội chiêng, ẩm thực để phục vụ khách, chỉnh trang vườn hoa, khuôn viên làng.